Thổ Nhĩ Kỳ hỗn loạn sau đảo chính bất thành

Thứ hai, 18/07/2016 08:32

(Cadn.com.vn) - Chính phủ Tổng thống Recep Erdogan tiếp tục chiến dịch bắt giữ những người liên quan đến vụ đảo chính bất thành từ đêm 15-7, gồm nhiều tướng lĩnh quân đội cao cấp. Tính đến cuối ngày 17-7, hơn 6.000 người đã bị bắt giữ vì vai trò trong cuộc đảo chính vốn cướp đi sinh mạng của ít nhất 265 người và khiến hơn 1.000 người bị thương.

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ trải qua một đêm hỗn loạn kinh hoàng, vốn được mô tả như “sống trong thời chiến”. Từ khuya 15-7 (giờ địa phương), tiếng súng nổ, tiếng xe tăng chạy rầm rầm trên khắp đường phố thủ đô Ankara và thành phố lớn Istanbul khi một nhóm quân đội tìm cách lật đổ chính phủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

Đường phố rơi vào cảnh hỗn loạn, đổ máu khi những người ủng hộ Tổng thống Erdogan xuống đường phản đối đảo chính, chặn xe tăng quân đội. Ít nhất 265 người đã thiệt mạng, gồm các thành viên lực lượng đảo chính, dân thường và lực lượng cảnh sát ủng hộ chính phủ, chỉ trong vài giờ đảo chính chớp nhoáng bất thành.  Các nước trên thế giới thể hiện sự ủng hộ đối với chính quyền Tổng thống Erdogan, lên tiếng phản đối đảo chính. Ở trong nước, trong động thái hiếm hoi của sự đoàn kết, các đảng chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ cùng chỉ trích gay gắt nhóm đảo chính, dù giới phân tích lo ngại, sự đoàn kết này sẽ không kéo dài.

Những binh sĩ bao vây trên cầu Bosphorus đầu hàng trước sức ép từ người dân. Ảnh: CNN

 TĂNG TỐC “CHIẾN DỊCH DỌN DẸP”

2 ngày sau cuộc đảo chính chớp nhoáng, Tổng thống Erdogan tăng tốc chiến dịch trấn áp những người đứng sau cuộc nổi dậy bất thành này.

Trong nhiều giờ hỗn loạn do đảo chính, hàng ngàn binh sĩ, sĩ quan quân đội đã bị bắt giữ và hàng ngàn thẩm phán và công tố viên đã bị sờ gáy. Thủ tướng Binali Yildirim thề rằng, “họ sẽ phải trả giá đắt”. Theo CNN, cho đến nay, khoảng 6.000 người đã bị bắt giữ, trong đó có 2.700 thẩm phán và hơn 3.000 sĩ quân quân đội. Trong số những người bị bắt giữ có chuẩn tướng Không quân Bekir Ercan Van cùng với hơn 10 sĩ quan thuộc cấp tại Căn cứ không quân Incirlik ở tỉnh miền nam Adana – nơi được lực lượng Mỹ sử dụng để tiến hành không kích ở Syria. Các tướng khác gồm Erdal Ozturk - Chỉ huy quân đoàn số 3 và là người đứng đầu lực lượng đảo chính;  Adem Huduti - Chỉ huy quân đoàn số 2, cũng đã bị bắt giữ.

Phát biểu hôm 17-7 tại đám tang của một trong những người dân thiệt mạng vì xuống đường chặn đảo chính, Tổng thống Erdogan không loại trừ tuyên án tử hình đối với những thủ phạm đứng sau vụ việc gây đổ máu này. Khi đám đông người ủng hộ hô vang, “Chúng tôi muốn hình phạt tử hình”, ông Erdogan nói: “Chúng ta không thể bỏ qua yêu cầu của nhân dân trong một nền dân chủ - đây là quyền của các bạn”.

CĂNG THẲNG VỚI MỸ

Tổng thống Erdogan cáo buộc giáo sĩ Fethullah Gulen - hiện đang sống tại Mỹ - đứng sau âm mưu đảo chính này. Vì lẽ đó, Ankara có nhiều “lời nói bóng gió” cho rằng, Washington liên quan đến cuộc nổi dậy bất thành này.

Trong tuyên bố đưa ra sau đảo chính, ông Erdogan hối thúc Mỹ dẫn độ giáo sĩ Gulen, để đối mặt với công lý ở Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Yildirim thậm chí còn tuyên bố, bất kỳ quốc gia nào bảo vệ và hỗ trợ cho Gulen, quốc gia đó sẽ bị coi là tuyên bố chiến tranh với Ankara. Tuy nhiên, Mỹ cho biết chỉ thực hiện các biện pháp cần thiết với ông Gulen và cho rằng, Ankara phải đưa ra được các bằng chứng cho thấy sự liên quan của ông này vào cuộc đảo chính. Hôm 17-7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng nhấn mạnh, những cáo buộc về vai trò liên quan của Mỹ là “hoàn toàn sai lầm” và chỉ càng gây tổn hại đến các mối quan hệ giữa hai nước đồng minh thuộc NATO. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng kêu gọi Ankara cần bình tĩnh và tuân thủ nguyên tắc pháp trị trong cuộc chiến chống những kẻ cầm đầu đảo chính.

Người dân vẫy cờ mừng chiến thắng sau khi nhóm đảo chính thất bại. Ảnh: CNN

THẢM KỊCH TỪ ĐẢO CHÍNH

Đảo chính đẫm máu gây cú sốc cho quốc gia của gần 80 triệu dân, từng được xem là nền dân chủ Hồi giáo mô hình, nơi mà mức sống phát triển đều đặn trong hơn 1 thập kỷ và là nơi quân đội sử dụng vũ lực để tiến hành đảo chính thành công hơn 30 năm trước.

Đảo chính lần này, cũng làm tan vỡ niềm tin mong manh của những quốc gia đồng minh về vấn đề đảm bảo an ninh của nước thành viên NATO vốn rất khao khát trở thành thành viên của Liên minh Châu Âu (EU). Hiện thế giới đang lo ngại về mức độ trả đũa của nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào nhóm đảo chính và nguy cơ an ninh cho quốc gia này. Bởi thành công lần này của ông Erdogan, người nắm quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2003, sẽ đánh dấu một sự thay đổi địa chấn ở Trung Đông, 5 năm sau khi cuộc nổi dậy của “Mùa xuân Arab” vốn đẩy nước láng giềng Syria của Thổ Nhĩ Kỳ vào nội chiến đẫm máu. Nhưng thành công này cũng sẽ gây nhiều bất ổn cho Thổ Nhĩ Kỳ, vốn nằm giữa một Châu Âu khủng hoảng và một Syria hỗn loạn.

Thật vậy, trong bối cảnh tràn ngập  cờ hoa mừng chiến thắng, còn đó là mối lo ngại về việc Tổng thống Erdogan sẽ xem đảo chính lần này là “cơ hội vàng” để thắt chặt quyền lực và thanh lọc những kẻ chống đối.

Khả Anh

Ai đứng sau đảo chính?

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cáo buộc giáo sĩ Gulen - đứng sau âm mưu đảo chính bất thành này. Trong đó, thủ lĩnh đảo chính là Muharrem Kose, cựu đại tá quân đội có liên hệ với phong trào tôn giáo và xã hội do Giáo sĩ Fethullah Gulen đứng đầu. Tuy nhiên, giáo sĩ Gulen- người đang sống tại Pennsylvania - phủ nhận bất kỳ sự liên quan nào trong vụ đảo chính.

Giáo sĩ Fethullah Gulen bác bỏ cáo buộc đứng sau đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Ảnh: EPA

Theo CNN, hôm 17-7, giáo sĩ này ra tuyên bố lên án mạnh mẽ âm mưu đảo chính. “Chính phủ nên được hình thành qua một cuộc bầu cử tự do và công bằng chứ không phải bằng vũ lực. Là người từng trải qua nhiều cuộc đảo chính quân sự trong hơn 50 năm qua, thực sự là điều sỉ nhục khi bị cáo buộc có liên quan đến âm mưu như vậy”, ông Gulen cho biết.  Ít ai biết được nhà truyền giáo Gulen từng là đồng minh thân tín của ông Erdogan trước khi dính vào những cáo buộc tham nhũng nhằm vào vị đương kim tổng thống này. Kể từ đó, ông Erdogan thường xuyên cáo buộc vị giáo sĩ này âm mưu lật đổ chính phủ.

B.Dương