Thổ Nhĩ Kỳ và “miếng mồi ngon” Châu Phi

Thứ sáu, 27/07/2018 10:37

Châu Phi đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các quốc gia  trên khắp thế giới. Sau chuyến công du đầy toan tính của Chủ  tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang nỗ lực từng bước thiết lập sự hiện diện tại Châu Phi. Chuyến thăm của Tổng thống Recep Erdogan đến “Lục địa đen” trong tuần này là nỗ lực mới nhất của Ankara nhằm tăng cường ảnh hưởng tại đây.

Tổng thống Erdogan đến Châu Phi trong 4 ngày, để tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) tại Johannesburg, Nam Phi. Sau đó, ông sẽ có chuyến thăm chính thức Zambia để thảo luận về thương mại. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đến Zambia, nhưng chỉ là một trong nhiều chuyến thăm của ông Erdogan tới lục địa đông dân thứ 2 thế giới này, nơi mà sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ đang gia tăng nhanh chóng kể từ khi NATO và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) khởi động chiến dịch ngoại giao hướng tới Châu Phi cách đây khoảng 2 thập niên.

Thực tế, ông Erdogan thiết lập một ưu tiên trong chính sách đối ngoại là xây dựng mối quan hệ mới với các nền kinh tế mới nổi tại Châu Phi. Trước chuyến đi lần này, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã thăm 23 quốc gia Châu Phi trong vòng 15 năm, một số lượng kỷ lục cho một nhà lãnh đạo ngoài Châu Phi. Chính  con số này cho thấy tầm quan trọng chiến lược của chính quyền của ông đối với lục địa tiềm năng phát triển này.

Nhiều hiệp định song phương đã được ký kết giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Châu Phi và Cơ quan Hợp tác và Điều phối Thổ Nhĩ Kỳ (TIKA) hiện đang điều hành 21 văn phòng trên khắp lục địa đen, quản lý một loạt các dự án phát triển và nhân đạo. Hơn nữa, khoảng 5.000 sinh viên Châu Phi đã được cấp học bổng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Kể từ khi đảng AKP của ông Erdogan lên nắm quyền vào năm 2002, Thổ Nhĩ Kỳ đã rất tích cực hoạt động ở Châu Phi, đóng góp cho các dự án phát triển lên tới 800 triệu USD.

Bất chấp những cuộc xung đột đang tàn phá quốc gia láng giềng của Thổ Nhĩ Kỳ là Syria, nhưng tình trạng này không làm chệch hướng những tham vọng và sự quan tâm của Ankara đối với lục địa này, vào thời điểm nền kinh tế của nước này đang cho thấy những dấu hiệu yếu kém.              

Vào thời điểm Mỹ khởi động một cuộc chiến thương mại, áp đặt chính sách bảo hộ, các hải cảng của Châu Phi mang đến rất nhiều cơ hội. Thổ Nhĩ Kỳ đã là một người chơi tăng dần ảnh hưởng tại Châu Phi và họ có nhiều động lực, từ văn hóa đến địa chính trị. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ không có lý do gì để thu mình lại.

THANH VĂN