Thời hạn chót
(Cadn.com.vn) - Các ngoại trưởng của Pháp và Đức bắt đầu tham gia vào những phiên họp cấp cao với giới chức phía Mỹ và Iran từ hôm 28-3 nhằm tiến đến việc phá vỡ bế tắc về đàm phán hạt nhân của quốc gia Hồi giáo.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh các cường quốc và Tehran đang dần dần hình thành thỏa thuận lâu dài. Các cuộc đàm phán về vấn đề này, tiến hành trong gần 18 tháng, nhằm đưa ra thỏa thuận theo đó Iran ngừng hoạt động hạt nhân nhạy cảm để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh cấm vận, với mục đích cuối cùng là giảm nguy cơ của một cuộc chiến tranh hạt nhân ở Trung Đông.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU) bà Federica Mogherini cũng khẳng định các bên đang gần đạt được một thỏa thuận khung, cho dù vẫn cần phải giải quyết một số điểm hóc búa trong giai đoạn đàm phán cuối cùng này. Một quan chức cấp cao Iran mới đây cũng tiết lộ, các bên đạt được những tiến triển lớn trong mọi vấn đề, song vẫn còn bất đồng về 2 nội dung là nghiên cứu - phát triển và các biện pháp trừng phạt của LHQ.
Trong khi đó, theo các nguồn tin từ Israel, thỏa thuận đang định hình giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức) sẽ được ký kết như kế hoạch vào ngày 31-3, đúng như kế hoạch thời hạn chót đề ra. Theo đó, Iran sẽ được giữ lại 6.100 máy ly tâm và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế theo giai đoạn. Tuy nhiên, giới phân tích cho biết, vấn đề là các nhà đàm phán còn phải giải quyết nhiều việc chủ chốt, bao gồm cả số phận của khoảng 13.000 máy ly tâm mà Iran sẽ bị cấm sử dụng theo thỏa thuận này, cho dù Tehran sẽ được phép tiếp tục công tác nghiên cứu và phát triển các máy ly tâm tiên tiến.
Và theo nguồn tin này, điều quan trọng là các bên nhất trí cho phép Iran tiếp tục vận hành cơ sở hạt nhân bí mật tại nhà máy điện hạt nhân Fordo. Bởi lẽ, động thái này chắc chắn sẽ khiến Israel nổi giận và phản đối gay gắt. Hiện tại, giới chức Israel vẫn tiếp tục chỉ trích các điều khoản của thỏa thuận về hạt nhân Iran là "tồi một cách khó hiểu".
Thanh Văn