Thông điệp cuối cùng ông John McCain gửi Tổng thống Trump

Thứ ba, 28/08/2018 12:34

Tang lễ của Thượng nghị sĩ bang Arizona John McCain, qua đời hôm 25-8 ở tuổi 81, chắc chắn sẽ đơn giản chỉ là hành động tôn vinh một nhà lãnh đạo chính trị và một vị anh hùng dân tộc nếu không có việc ông McCain đã lên kế hoạch cho tang lễ của mình, trong đó Tổng thống Donald Trump không được mời.

Ông Trump luôn có định kiến không tốt đối với ông McCain.  Ảnh: Getty Images

Theo dự kiến, cựu Tổng thống George W. Bush và Barack Obama sẽ phát biểu tại tang lễ của Thượng nghị sĩ John McCain. Trước khi mất, ông McCain mong muốn hai cựu đối thủ tranh cử của mình phát biểu tại đám tang.

Không mời Tổng thống Trump dự tang lễ

Thượng nghị sĩ McCain từng tham gia tranh cử tổng thống vào năm 2000 và 2008, nhưng thất bại trước ông Bush và ông Obama. Gia đình ông McCain cho biết, Tổng thống Donald Trump sẽ không được mời tham dự tang lễ. Tuy nhiên, Phó tổng thống Mike Pence có thể góp mặt. Với động thái này, ông McCain gửi thông điệp cuối cùng và rất rõ ràng tới Tổng thống Trump, rằng: khi ông còn sống, ông đã nhìn thấy thái độ, phong cách của vị tổng thống này đang đi ngược lại triển vọng, các giá trị sáng lập và vai trò toàn cầu của Mỹ.

Trong hoàn cảnh bình thường, một tổng thống phải ban hành một tuyên bố bằng văn bản đánh dấu sự ra đi của một nhân vật chính trị quan trọng như ông McCain. Nhưng ông Trump chỉ viết lời chia buồn lên Twitter. "Tôi muốn gửi sự chia buồn và lòng tôn trọng sâu sắc nhất đến gia đình Thượng nghị sĩ John McCain. Trái tim và lời nguyện cầu của chúng ta hướng về ông ấy!", ông Trump viết.

Tờ Washington Post hôm 26-8 đưa tin, ông Trump đã từ chối đọc diễn văn tưởng niệm Thượng nghị sĩ McCain. Trong khi đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders, Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly và nhiều trợ lý Nhà Trắng khác ủng hộ việc tổng thống đưa ra phát biểu chính thức ca ngợi những đóng góp của ông McCain cho quân đội và chính trường Mỹ. Bài diễn văn được soạn thảo trước khi ông McCain trút hơi thở cuối cùng. Sau đó, bà Sanders và một số quan chức khác đã biên tập lại văn bản này, sẵn sàng để tổng thống phát biểu. Tuy nhiên, ông Trump nói với các trợ lý rằng, ông muốn chia sẻ sự cảm thông lên Twitter, và bài phát biểu ca ngợi ông McCain không được tiết lộ.

Sự so sánh có khập khiễng?

Sau khi Thượng nghị sĩ McCain qua đời, những cống hiến của ông đối với nền chính trị Mỹ và sự tán dương của báo chí về lòng can đảm, danh dự, tính cách, và sự sẵn sàng xem xét lại những sai lầm của chính mình diễn ra vào thời điểm Tổng thống Trump đang đối mặt với một cuộc tranh luận công khai về nhân cách và hành vi của mình. Lời kêu gọi luận tội đối với cựu luật sư cá nhân của tổng thống, ông Michael Cohen, và cựu chủ tịch chiến dịch tranh cử của ông Trump, ông Paul Manafort, hồi tuần trước đã khoét sâu cơn bão chính trị và pháp lý xung quanh Nhà Trắng.

Trong bối cảnh đó, các nghi lễ được tổ chức sau sự ra đi của ông McCain có khả năng trở thành một cuộc tranh luận về đạo đức chính trị và các nguyên tắc của các nhân vật công chúng trong một thời đại chính trị đã bị phân cực và tiếp tục bị ảnh hưởng bởi tính cách thích "gây rắc rối" của ông Trump.

Chỉ còn vài tuần nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ, và với cuộc đua tổng thống tiếp theo đã được khuấy động, sự so sánh giữ ông McCain và ông Trump chắc chắn sẽ gây không ít khó khăn đối với ông chủ Nhà Trắng. Khi so sánh giữa ông Trump và ông McCain, những người ủng hộ ông Trump chắc chắn cáo buộc giới truyền thông và những người chỉ trích đã khai thác sự qua đời của ông McCain để tấn công tổng thống. Nhưng các cống hiến to lớn của ông McCain cũng như những bình luận về tầm quan trọng của thượng nghị sĩ trong đời sống công cộng và toàn cầu, chính là những lời chỉ trích tinh tế và ngầm định về hành vi và thái độ của ông chủ Nhà Trắng.

Nhiều chuyên gia từ lâu đã cho rằng, ông Trump thiếu những tính cách cần thiết của một tổng thống. Họ cho rằng, ông Trump thiếu sự vị tha và lòng yêu nước được thấy ở ông McCain, mà thay vào đó, ông quá coi trọng cái tôi của chính mình để tìm kiếm sự công nhận của chính bản thân.

Định kiến

Định kiến của ông Trump đối với ông McCain dường như bắt đầu ngay trước khi ông tham gia chính trị. Từ năm 1999, ông Trump mỉa mai binh nghiệp của ông McCain khi thượng nghị sĩ này ra tranh cử tổng thống. "Ông ấy từng bị bắt làm tù binh. Việc trở thành tù binh có biến bạn thành người hùng không? Tôi không biết, tôi không chắc lắm", ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn năm đó. 10 năm sau, khi tuyên bố tham gia tranh cử tổng thống vào năm 2015, ông Trump lại khơi lại chủ đề cũ, chỉ trích ông McCain.

Một vấn đề ông Trump thường nhắc tới để công kích thượng nghị sĩ này là lá phiếu của ông chống lại dự luật do đảng Cộng hòa đề xuất để bãi bỏ và thay thế Obamacare. Trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 7-2017, dù đang điều trị ung thư não, ông McCain quyết định đến Washington để tham gia bỏ phiếu, trong bối cảnh đảng Cộng hòa cần ít nhất 50 phiếu để dự luật được thông qua. Phiếu chống của ông McCain đã khiến dự luật này "chết yểu" khi chỉ nhận được sự ủng hộ của 49 thượng nghị sĩ. Đây được coi là một đòn giáng nặng nề với nỗ lực của Trump và đảng Cộng hòa nhằm xóa bỏ di sản của người tiền nhiệm Obama.

Trong khi đó, cho đến khi qua đời, ông McCain luôn cảm thấy rằng, ông Trump đại diện cho một dị thường lịch sử và sự chuyển hướng khỏi sự lãnh đạo truyền thống của nước Mỹ. Ông McCain luôn cho rằng, duy trì các giá trị cốt lõi của Mỹ sẽ giúp tái khẳng định vị thế của nước này.

AN BÌNH