Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Lãnh đạo bộ, ngành nói phải đi đôi với làm

Thứ ba, 02/08/2016 07:49

(Cadn.com.vn) Ngày 1-8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Thường kỳ Chính phủ tháng 7. Đây là phiên họp đầu tiên của Chính phủ sau khi kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV đã bầu và phê chuẩn danh sách các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.

Trước khi bắt đầu nội dung phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc đã trao Quyết định bổ nhiệm của Chủ tịch nước cho các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam và Trịnh Đình Dũng cùng các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng với thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.

Phải toàn tâm, toàn ý  cho công việc

Phát biểu trước các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt chúc mừng và đánh giá cao những nỗ lực của các thành viên Chính phủ trong thời gian vừa qua. Những nỗ lực đó được Đảng, Quốc hội và nhân dân ghi nhận, và được thể hiện rõ qua kết quả bầu các vị trí của Chính phủ trong kỳ họp thứ nhất Quốc khội khóa XIV vừa qua.

Tuy thời gian qua nhiều bộ, ngành đã có những dấu ấn trong xử lý các vấn đề xã hội bức xúc, nhưng Thủ tướng lưu ý còn một số bộ, ngành còn để ngành mình có những tồn tại hạn chế, tạo uy tín không tốt. Vẫn còn nhiều bất cập mà dư luận và xã hội đòi hỏi Chính phủ và các bộ, ngành phải có trách nhiệm hơn nữa, nhìn nhận và xử lý tốt hơn. Bên cạnh đó, có những bộ phản ứng chính sách chậm, thiếu nhạy bén và sáng tạo, nên khi dư luận phản ứng mới có sự chỉ đạo.

Thủ tướng cũng lưu ý vẫn còn tình trạng cán bộ trì trệ, tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân. Một Chính phủ không hướng về nhân dân thì người dân không ủng hộ. Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu sắp tới các bộ trưởng phải chủ động, quán xuyến công việc, đổi mới phương pháp làm việc, đề cao trách nhiệm cá nhân, tuyệt đối không cá nhân chủ nghĩa, không nhũng nhiễu tiêu cực, vì nhiệm vụ chung và lợi ích của nhân dân. Lãnh đạo bộ, ngành nói phải đi đôi với làm, giải quyết các vụ việc thuộc ngành mình quản lý đúng người, đúng việc và quy rõ trách nhiệm cụ thể. Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, để có quy chế làm việc năng động, kịp thời, trách nhiệm rõ ràng.

Trong đó phải thể hiện rõ cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và phải khắc phục được sự thiếu trách nhiệm trong phối hợp giữa các cơ quan. Từ nay đến tháng 10 phải ban hành ngay các Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của các bộ và thành viên của Chính phủ. Chính phủ sẽ thảo luận Nghị định khung về tổ chức cơ cấu bộ, ngành. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành phải xây dựng ngay chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy để sớm ổn định và yên tâm công tác. Các bộ, ngành chấn chỉnh lại công tác dự báo, từ dự báo về kinh tế xã hội cho đến dự báo bão để có giải pháp kịp thời. Đây là nhiệm vụ chưa thực hiện tốt và nhiệm vụ này phải thực hiện tốt hơn trong nhiệm kỳ này, đặc biệt là dự báo KT-XH, trong đó có chỉ số lạm phát. 

Thủ tướng cũng yêu cầu đề cao trách nhiệm cá nhân của từng bộ trưởng, trưởng ngành. Các tư lệnh ngành là người chịu trách nhiệm cao nhất và cuối cùng về kết quả công tác của ngành. Phải toàn tâm, toàn ý cho công việc, làm việc thực chất và giảm tối đa việc “đánh bóng cá nhân”. Các bộ trưởng phải sâu sát, thường xuyên nắm bắt thông tin, không được để tình trạng có những vụ việc Bộ trưởng không biết, trong khi dư luận đã bất bình. Phải đổi mới công tác cán bộ, chấn chỉnh ở các khâu, kể cả khâu tuyển chọn, bổ nhiệm. Thi tuyển để tìm người tài chứ không phải tìm người nhà. Thủ tướng cũng yêu cầu các thành viên Chính phủ triệt để tiết kiệm, chống lãng phí.

Xóa bỏ rào cản, tạo động lực cho doanh nghiệp

Trong khuôn khổ phiên họp, buổi chiều, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ đã cho ý kiến vào một số Dự án Luật, trong đó có đề nghị xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về đầu tư, kinh doanh.

Theo Bộ Tư pháp, đơn vị đề nghị xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về đầu tư, kinh doanh, thời gian qua, quá trình thi hành Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các luật khác có liên quan điều chỉnh hoạt động đầu tư kinh doanh đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Bên cạnh đó, có một số quy định chưa thống nhất giữa các luật. Do đó, cần phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Mục tiêu của Dự án Luật là tiếp tục cắt giảm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý nhằm tạo thuận lợi cho việc gia nhập thị trường của người dân và doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà Luật không cấm. Dự án Luật cũng nhằm tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất nhằm đảm bảo tính liên thông, đồng bộ giữa thủ tục đầu tư với thủ tục về đất đai, quy hoạch, xây dựng, môi trường và các thủ tục có liên quan khác...; đổi mới phương thức quản lý các hoạt động đầu tư, kinh doanh theo hướng chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Theo đó, Dự án Luật này dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung một số điều của nhiều Luật hiện hành, bao gồm: Luật Đầu tư; Luật Doanh nghiệp; Luật Đất đai; Luật Xây dựng; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Phòng cháy, chữa cháy; Luật Quản lý thuế; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật Quy hoạch đô thị; Luật Quảng cáo và Luật Nhà ở.

Sau khi các thành viên có ý kiến góp ý vào Dự án Luật, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, tinh thần của Luật này sau khi sửa đổi, bổ sung là phải kiên quyết xóa bỏ các rào cản, tạo động lực cho cộng đồng DN đầu tư kinh doanh. Thủ tướng nhấn mạnh phải cải cách thủ tục hành chính: “Tôi đồng ý với các đồng chí phải giữ quản lý Nhà nước, không buông lỏng quản lý Nhà nước, nhưng tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi là quan trọng nhất và quản lý theo quy luật thị trường. Nhà nước quản lý về chất lượng môi trường, QP-AN, thuế khóa, an toàn lao động, quy hoạch... Dự án Luật này liên quan đến 10 Luật và các Luật khác, nhưng tinh thần là tập trung vào Luật đầu tư kinh doanh là chính”.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ KH-ĐT, lắng nghe, tiếp nhận ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân bằng nhiều biện pháp để hoàn thiện Dự án Luật trình Chính phủ để có thể thông qua dự thảo Luật này vào cuối năm 2016. Việc để quá lâu không thông qua, có thể ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, tác động đến tăng trưởng.  

Cũng trong chiều qua, các thành viên Chính phủ đã cho ý kiến vào Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Dự án Luật quy hoạch; đề xuất sửa đổi, bổ sung một số Nghị định của Chính phủ.

P.V (tổng hợp)