Thừa Thiên - Huế phải lấy văn hóa là điểm sáng để phát triển kinh tế

Thứ ba, 14/11/2023 14:16
Thừa Thiên - Huế phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và văn hóa, lấy văn hóa là điểm sáng để phát triển; chú trọng đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác văn hóa; tạo sự đồng tình ủng hộ của người dân, sự đồng hành của chính quyền trong lưu giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Đó là nhấn mạnh của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên- Huế ngày 13-11 về quy hoạch, bảo tồn, quản lý, khai thác, phát huy giá trị di tích Cố đô Huế; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân di dời, giải phóng mặt bằng khu vực Kinh thành Huế.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, thời gian qua tỉnh luôn đầu tư, quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Mục tiêu lớn nhất là đưa Thừa Thiên- Huế trở thành đô thị trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Tỉnh đã ban hành các nghị quyết để hướng tới mục tiêu này. Trong đó, có mô hình bảo tồn, phát huy các giá trị về văn hóa. Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện các nguồn đầu tư về văn hóa, di tích theo cơ chế của Quốc hội đã thông qua. Hiện tỉnh đang giải phóng vành đai Kinh thành Huế. Theo đó, đề nghị cần có thêm danh mục duy tu, bảo tồn hệ thống Kinh thành Huế; xây dựng một bảo tàng mới tại khu vực Nội thành.

Ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, thời gian qua, Trung tâm đã, đang trùng tu hàng trăm công trình di tích; phục hồi được nhiều bản nhã nhạc cung đình; tăng cường công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế và trong nước. Theo đánh giá của UNESCO, công cuộc bảo tồn di sản Cố đô Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy và tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực, trọng tâm là kinh tế du lịch, dịch vụ.

Liên quan đến việc di dời dân cư, giải phóng mặt bằng di tích Kinh thành Huế, ông Việt Trung cho biết, có 11 khu vực với khoảng 5.190 hộ dân cần di dời với tổng mức đầu tư giải phóng mặt bằng khoảng 2.005 tỷ đồng. Giai đoạn 2 (từ 2023-2025) tiếp tục di dời khoảng 1.287 hộ dân, tổng mức đầu tư giải phóng mặt bằng khoảng 664 tỷ đồng.

Kết luận tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa hoan nghênh những thành tựu của tỉnh Thừa Thiên- Huế đã đạt được khi xác định, phát triển kinh tế gắn với văn hóa. Đánh giá về công tác bảo tồn, giữ gìn phát huy các di tích, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh đã thực hiện rất tốt.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cùng đoàn công tác đến thăm triển lãm ảnh, hội chợ tại "Ngày hội thắm tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào năm 2023".

Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng lưu ý với tỉnh Thừa Thiên-Huế, công tác bảo tồn văn hóa cần phải kiên định, kiên trì và bền bỉ; làm tới đâu, nghiên cứu sâu tới đó. Tiếp tục đưa hình ảnh văn hóa Huế ra bên ngoài cũng đồng nghĩa với việc đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Cũng theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Huế đã gìn giữ hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa với nhiều cách làm hay, nhiều mô hình hiệu quả, nên tiếp tục phát huy hơn nữa trong thời gian tới; thực hiện hiệu quả các chiến lược chung, các nghị quyết về văn hóa, chương trình chấn hưng văn hóa, quan tâm tới công tác bảo tồn và phát huy văn hóa… với mục tiêu góp phần sớm đưa Thừa Thiên- Huế trở thành đô thị trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Theo đó, thời gian tới, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp tục tuyên truyền quảng bá những giá trị lịch sử của di tích, bảo tồn các di tích, giá trị ẩm thực, văn hóa con người Huế, việc ứng xử của người dân với lịch sử. Trong công tác bảo tồn các giá trị di sản cần đồng bộ hơn; phải rà soát các nội dung cần tập trung lãnh đạo quản lý đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng và phục hồi văn hóa; kiên quyết chống các biểu hiện, các hành vi xuyên tạc lịch sử của các thế lực thù địch.

"Chủ trương cần phải quyết liệt và đồng bộ hơn nữa. Các đơn vị, địa phương rút kinh nghiệm từ giai đoạn trước để thực hiện giai đoạn tiếp theo bền vững và tốt hơn. Quan trọng nhất là phải được lòng dân… Kết hợp hài hòa giữa nguồn lực ngân sách của Trung ương cùng với nỗ lực của địa phương và sự đồng tình ủng hộ, cố gắng của người dân. Có như vậy, chúng ta mới hoàn thành được mục tiêu đề ra…"- Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Hầu Tỷ

Dịp này, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã đến thăm, làm việc với Đại học Huế, tham gia Hội chợ - Triển lãm Việt Nam - Lào trong khuôn khổ chuỗi sự kiện "Ngày hội thắm tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào năm 2023" do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức (diễn ra từ ngày 11 đến 15-11). Tại Triển lãm, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa một lần nữa khẳng định lại mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào.

Được biết, Triển lãm ảnh tại "Ngày hội thắm tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào năm 2023" quy tụ 200 bức ảnh, chia thành 4 chủ đề: Lịch sử 61 năm quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào; Việt Nam - Lào trên đường phát triển; Thành tựu nổi bật về hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; Thừa Thiên - Huế đồng hành cùng sự phát triển của đất nước…