Thực hành pháp luật dưới triều Nguyễn (3)

Thứ ba, 17/03/2015 08:00

* Bài 3: Thái độ với tệ nạn thuốc phiện

(Cadn.com.vn) - Các kỳ trước, chúng tôi đã đề cập nỗ lực của các vua triều Nguyễn trong việc phòng chống tham nhũng, xây dựng bộ máy trong sạch. Kỳ này, chúng tôi giới thiệu một số kết quả nghiên cứu về thái độ của triều Nguyễn với tệ nạn thuốc phiện, để có cái nhìn rộng hơn về chính sách xây dựng và thực hành pháp luật của triều Nguyễn.

Triều đại nhà Nguyễn trị vì đất nước ta được 143 năm, từ năm 1802 đến 1945, trải qua 13 đời vua. Mỗi vị vua của triều Nguyễn có thời gian trị vì và những chính sách cai quản khác nhau. Trong đó, vua Minh Mạng (1820- 1841), Thiệu Trị (1841- 1847) và Tự Đức (1847- 1883) là ba vị vua có nhiều đóng góp to lớn trong việc ban bố các điều luật đối với người buôn bán, tàng trữ, hút sách, ẩn lậu (bao che giấu giếm) thuốc phiện; đồng thời cũng quy định thêm những điều lệ xét thưởng cho người tố giác và xét tội những người biết mà cố tình giấu giếm.

Tuyên án đối với một phạm nhân thời nhà Nguyễn.

Khởi thủy, vua Gia Long (1802- 1820) chưa có đạo dụ nào về việc chống tệ nạn hút thuốc phiện, ngay cả Bộ Hoàng Việt Luật lệ của triều Nguyễn cũng chưa có điều luật nghiêm cấm buôn bán, hút thuốc phiện đối với các quan lại và dân thường. Phải đến những năm đầu thời triều Minh Mạng nó mới trở thành phổ biến đến mức triều đình Nguyễn phải bổ sung vào trong hệ thống luật pháp của mình những điều lệ để ngăn cấm. Năm 1820, vua Minh Mạng xuống chỉ dụ: “Thuốc phiện là thứ thuốc độc từ nước ngoài đem lại, những phường du côn lêu lổng lúc mới cho là phong lưu, rồi chuyển thành thói quen, thường thường nghiện mà không thể bỏ được. Vì nó quan bỏ cả chức vụ, dân thì phá hết sản nghiệp, thậm chí gầy mòn thành tật...  Nay nên bài để nghiêm cấm đi” (Đại Nam thực lục, bản dịch của Viện sử học, tập 5, NXB KHXH, Hà Nội, 1963, tr. 121- 122).

Chính từ nhận thức về tác hại của thuốc phiện, triều Nguyễn đề ra nhiều  biện pháp phòng chống tệ nạn nghiện hút thể hiện qua các đối sách đối với những người có liên quan đến tệ nạn này. Đối với người buôn bán, tàng trữ và nghiện hút thuốc phiện, buổi đầu còn sơ sài, chưa có phân biệt rõ ràng, chỉ có quy định chung như sau: "Không kể quan hay dân, ai dám hút thuốc phiện và cất giấu mà nấu nướng, không răn cấm con em, hàng xóm biết mà không tố giác đều bị xử đánh trượng" (Đại Nam thực lục, tập 5, tr. 121- 122). Về sau, lệnh cấm ban hành năm Giáp Thân (1824) quy định chi tiết và cụ thể hơn: Đối với người hút, biện pháp đầu tiên được vua Minh Mạng thi hành: “Ai cố ý hút trộm thì đều phải tội lưu mãn 3.000 dặm... Người hàng xóm biết mà không cáo giác, cha anh không cấm được em con thì đều phải tội mãn trượng”(*) ( Đại Nam thực lục, tập 7, tr. 28).

Năm Minh Mạng thứ 13 (1832) xảy ra vụ án của hai quan chức đương triều là Hoàng Công Tài và Lê Văn Huyên vi phạm lệnh cấm, hút vụng thuốc phiện. Vua Minh Mạng xử tội trảm giam hậu (xử chém nhưng còn chờ xét lại) và ban lệnh nghiêm cấm: "Từ hoàng thân quốc thích cho đến các quan lớn nhỏ trong kinh và ngoài tỉnh đều nên khéo giữ gìn, răn kỹ lánh xa để giữ cho thân danh được toàn vẹn. Nếu kẻ nào còn vi phạm sẽ bị bắt tội, không tha" (Đại Nam thực lục, tập 11, tr. 293). Đến triều Tự Đức biện pháp xử phạt người nghiện hút càng nặng thêm. Năm 1856, vua Tự Đức xuống chỉ dụ đối với người hút thuốc phiện "Gần đây án xử có phần sân si không đều, nên chuẩn định: người nào hút vụng bị người bắt được không kể là có đổi bỏ được hay không, đều bị tịch thu gia sản, không trả lại nữa; nếu tự thú ra đã qua xét nghiệm là đã bỏ được rồi thì gia sản được trả lại, quân dân cũng thế" (Đại Nam thực lục, tập28, tr.299). Tuy nhiên, Tự Đức vốn là một ông vua có lòng nhân từ, nên bên cạnh lệnh nghiêm cấm và xử phạt nghiêm khắc, nhà vua cũng tạo điều kiện cho những người nghiện hút từ bỏ dần bằng cách hạn định thời gian cai nghiện rồi tiến hành xử phạt. Đối với các quan lại, việc xử phạt và thăng thưởng cho những chức dịch liên quan đến các vụ án thuốc phiện cũng được quy định rất rõ. Năm 1831, vua Minh Mạng quy định như sau: “Bắt đầu từ năm nay, phàm những quan thuyền từ ngoại quốc về, tạm đỗ ở hạt nào thì quan địa phương phái quân lính phải để ý đề phòng. Nếu có kẻ đem thuốc phiện lên bờ, lập tức bắt cả người và tang vật tâu lên. Thuyền nào đỗ hẳn ở cửa biển Đà Nẵng thì do quan trấn; đỗ ở kinh kỳ thì do phái viên hai bộ Binh, Hình, Hội đồng thị vệ, đến lấy cung chắc chắn, cẩn thận, nếu vì tình riêng mà bao che cho nhau, khi bị phát giác thì người phạm tội sẽ phải trị tội nặng, mà viên kiểm sát cũng bị nghiêm xử hoặc ăn tiền mà cố ý tha thì tính theo tang vật mà kết án” (Đại Nam thực lục, tập 10, tr. 262- 263).

Minh Mạng năm thứ 16 (1835), nhà vua lại định lệ điều báo, bắt thuốc phiện một cách cụ thể hơn: “Phàm những người biết ai giấu thuốc phiện, nấu thuốc phiện, bán mua hoặc  hút thuốc thì phải báo quan. Bắt được quả tang, từ không đầy một cân trở xuống vẫn theo lệ trước, thưởng cho người báo quan 20 lạng bạc, còn từ một cân trở lên thưởng thêm cho 30 quan tiền; 5 cân trở lên: 50 quan tiền; 10 cân trở lên: 100 quan tiền; 20 cân trở lên: 150 quan tiền; 30 cân trở lên: 400 quan tiền”( Đại Nam thực lục, tập 17, tr. 212).

Năm 1839 cuộc chiến tranh Nha phiến bùng nổ ở phía Bắc, đến năm 1843 các thuyền buôn của người Anh chở thuốc phiện đến nước Xiêm (Thái Lan) bị người Xiêm đốt cháy cả thuyền, tịch thu hàng hóa. Năm 1847 tàu chiến Tây Dương ngang nhiên gây sự ở cửa biển Đà Nẵng nước ta, đòi mở cửa thông thương và tự do truyền đạo. Trước sức ép đó, vua Thiệu Trị vẫn kiên quyết duy trì lệnh cấm thuốc phiện. Vua Thiệu Trị cho rằng: “... Đạo Giatô đem đến cái hại ở ngoài biên, mở đường chinh chiến. Thuốc phiện là thứ thuốc mê, cái hại rồi khuynh gia bại sản, hại tính mệnh người. Hai việc ấy đều đã nghiêm cấm ở trong nước. Ta sẽ giáng dụ để ghi vào quốc sử truyền lại cho đời sau để nghiêm tuyệt xa đi mà ngăn chặn mối lo ở ngoài”( Đại Nam thực lục, tập 26, tr. 257- 258).

Qua những sử liệu trên cho thấy, tệ nạn hút thuốc phiện trở thành quốc nạn. Triều Nguyễn đã ý thức được điều đó nên thực hiện một cách nghiêm ngặt lệnh cấm hút thuốc phiện. Xét về bình diện xã hội, sự quan tâm của nhà Nguyễn với vấn nạn này tỏ ra toàn diện và sâu sắc. Triều Nguyễn đã lôi cuốn toàn xã hội vào cuộc phòng chống nạn nghiện hút bằng nhiều phương pháp: vừa giáo dục, vừa trừng phạt kinh tế, vừa thưởng phạt và cao nhất là dựa vào hệ thống pháp luật để xử lý. Điều này là một gợi ý hay cho chúng ta trong đối sách với nạn nghiện ngập ma túy đang hoành hành ở một số cơ quan Nhà nước hiện nay.

Nguyễn Văn Tưởng
(còn nữa)

(*) Lưu mãn 3.000 dặm có nghĩa đày đi quá 3.000 dặm; mãn trượng có nghĩa là đánh trên 100 trượng.