Thực hư Triều Tiên bán vũ khí cho Trung Đông
(Cadn.com.vn) - Cuộc chiến ở Gaza đang làm nổi lên vấn đề nhức nhối về nạn buôn bán vũ khí ngầm, trong đó có cáo buộc Triều Tiên bán tên lửa cho các chiến binh Hamas. Mặc dù Bình Nhưỡng hôm 28-7 bác bỏ các cáo buộc này song vẫn còn đó nhiều nghi ngại.
Theo Con Coughlin, biên tập viên chuyên mục Quốc phòng của tờ Telegraph, Hamas thanh toán tiền mặt trước để mua hàng trăm tên lửa Triều Tiên, cùng với các trang thiết bị liên lạc, cho phép phong trào này tiếp tục chiến lược nã tên lửa vào Israel.
Theo báo này, Hamas đang làm ăn thông qua một Cty trung gian đặt trụ sở tại Lebanon để đưa thêm thiết bị chiến đấu vào Gaza nhằm bổ sung cho kho tên lửa. Thương vụ với Bình Nhưỡng được cho là trị giá hàng trăm ngàn USD. Triều Tiên bác bỏ.
Triều Tiên bắn 4 tên lửa tầm ngắn Hãng Yonhap dẫn lời các quan chức từ Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết ngày 30-7, Triều Tiên bắn 4 tên lửa tầm ngắn. Các tên lửa trên được cho là được bắn từ bệ phóng đa nòng cỡ 300 mm.
|
Triều Tiên có mối quan hệ mật thiết với Palestine. Ảnh: Diplomat |
Tuy nhiên, Bình Nhưỡng có lịch sử lâu dài vận chuyển vũ khí cho các nhóm chiến binh ở Trung Đông và Palestine. Năm 2009, một máy bay chở hàng của Triều Tiên bị buộc phải hạ cánh khẩn cấp ở Bangkok. Sau khi kiểm tra, giới chức phát hiện khoảng 35 tấn vũ khí được cho là sẽ đến Gaza thông qua Iran.
Theo báo cáo, máy bay mang theo "súng phóng lựu, bệ phóng tên lửa và tên lửa, ống tên lửa, bệ phóng tên lửa đất đối không, phụ tùng thay thế và các vũ khí hạng nặng khác". Sau cuộc điều tra, một quan chức cấp cao Israel cáo buộc Triều Tiên sử dụng máy bay để vận chuyển vũ khí cho Hezbollah và Hamas.
Đây chỉ là trường hợp điển hình. Chỉ riêng trong năm 2009, Washington tuyên bố, không ít hơn 5 tàu Triều Tiên bị chặn lại trong khi chở vũ khí đến Iran hoặc một trong các đồng minh nước ngoài như Hamas và Hezbollah. Hơn thế nữa, Triều Tiên có lịch sử lâu dài trong việc hỗ trợ các nhóm chiến binh Palestine. Quay trở lại những năm 1970, Bình Nhưỡng được cho là hỗ trợ cho Mặt trận Nhân dân Giải phóng Palestine (PFLP) và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO).
Vai trò của Triều Tiên trong việc trang bị vũ khí cho các nhóm chiến binh Trung Đông được xác nhận tại nhiều phiên tòa tại Mỹ. Trong năm 2010, một thẩm phán liên bang Mỹ yêu cầu Triều Tiên phải trả 378 triệu USD bồi thường cho gia đình các nạn nhân của vụ khủng bố sân bay Lod của Israel năm 1972 mà PFLP đã thực hiện.
Chỉ mới tuần trước, một thẩm phán liên bang Mỹ phán quyết, Triều Tiên và Iran phải chịu trách nhiệm đối với các nạn nhân của cuộc Chiến tranh Lebanon lần thứ hai năm 2006 vì hỗ trợ vật chất cho Hezbollah trước chiến tranh.
Đặc biệt, các thẩm phán cho rằng, Triều Tiên cung cấp cho Hezbollah "vũ khí tiên tiến, chuyên gia tư vấn và hỗ trợ xây dựng nơi giấu các loại vũ khí này trong hầm ngầm, và đào tạo người sử dụng các loại vũ khí và nhiên liệu này, gây ra các cuộc tấn công tên lửa khủng bố vào dân thường của Israel".
Triều Tiên cũng duy trì quan hệ chặt chẽ với Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Thật vậy, trong những năm gần đây, Triều Tiên tăng cường hỗ trợ cho chính phủ Assad bị bao vây ở Damascus. Tương tự như vậy, năm ngoái, một chiếc tàu của Triều Tiên đăng ký ở Libya bị giữ lại trong khi vận chuyển vũ khí cho lực lượng Syria thông qua Thổ Nhĩ Kỳ. Con tàu này chở 1.400 súng trường và súng lục, 30.000 viên đạn và một số mặt nạ phòng độc.
Triều Tiên cũng được cho là có một phần trách nhiệm đối với các đường hầm ở Gaza, trung tâm của cuộc xung đột Trung Đông hiện nay.
An Bình
(Theo Diplomat)