Thương cảng xứ Quảng một thuở phồn vinh (Kỳ cuối: Thương cảng xứ Quảng hiện nay)

Thứ năm, 19/09/2019 11:38

Từ thương cảng Tourane đến hải cảng quốc tế

Sau ngày đất nước thống nhất (1975), Ban giao thông Khu V được giao nhiệm vụ tiếp quản cảng Đà Nẵng, đảm nhận vai trò rất quan trọng là phục vụ tái thiết đất nước sau chiến tranh, bảo vệ chủ quyền, đối ngoại và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, lúc này, cảng Đà Nẵng cũng như nhiều công trình trọng điểm của thành phố đều bị hư hại và xuống cấp nghiêm trọng.

Thương cảng Đà Nẵng hiện nay.

Thời điểm ấy, lượng hàng hóa cập cảng chủ yếu từ Liên Xô và các nước XHCN. Giai đoạn thật sự chật vật của cảng Đà Nẵng bắt đầu từ những năm 1990, khi Liên Xô và các nước XHCH bắt đầu suy thoái. Khó khăn ấy đã buộc cảng Đà Nẵng phải tìm hướng đi mới trong việc bảo đảm việc làm, đời sống công nhân và duy trì hoạt động của cảng. Năm 1999, cảng Đà Nẵng đón tấn hàng thứ một triệu, một mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của cảng Đà Nẵng trong giai đoạn mới. Để sau đó, tốc độ tăng trưởng của cảng liên tục đạt mức cao, tạo động lực cho sự phát triển cảng biển hiện đại.

Ông Nguyễn Thu, nguyên Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng, nhắc lại: Để xứng đáng là cảng biển lớn nhất trong cụm cảng khu vực miền Trung, một cảng biển hiện đại phục vụ cho việc giao lưu hàng hóa, phát triển kinh tế và tiếp chuyển hàng quá cảnh của một số vùng thuộc các nước láng giềng và các nước khác trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC), cảng Đà Nẵng tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực xếp dỡ. Từ những năm 2000, cảng Đà Nẵng đã được đầu tư nâng cấp theo công nghệ cảng biển của Nhật Bản, nhờ vậy có thể giải phóng lượng hàng hóa nhanh chóng. Hiện hệ thống cơ giới và tự động tại cảng chiếm 85%, nếu như trước đây phải có gần 1.900 lao động để bốc dỡ 530 ngàn tấn hàng hóa, thì nay chỉ cần 794 người là bốc dỡ được 3,3 triệu tấn hàng.

Ngoài ra, thương cảng Tourane ngày nào bây giờ sở hữu một ưu thế rất lớn, đó là điểm cuối của tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây, nối liền 4 nước Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam; là cửa ngõ chính hướng ra biển Đông cho hàng hóa quá cảnh của các nước trên và điểm đầu tiên tiếp nhận hàng hóa tàu thuyền của các nước trên thế giới. Đó là ưu thế thuận lợi để xây dựng cảng biển lớn và phát triển kinh tế biển... Cảng biển Đà Nẵng thực sự trở thành hải cảng mang tầm vóc quốc tế, điều mà có lẽ, 100 năm trước khi đặt viên gạch đầu tiên để xây dựng cảng biển Tourane, người Pháp đã nghĩ đến.

Cảng Đà Nẵng hiện nay là một cảng biển tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (cảng loại I) của Việt Nam nằm trong nhóm cảng Trung Trung Bộ Việt Nam, song đang được Chính phủ Việt Nam quy hoạch để trở thành một cảng cửa ngõ quốc tế (cảng loại IA) trong tương lai. Cảng Đà Nẵng có ba khu bến: Tiên Sa - Sơn Trà, Liên Chiểu và Thọ Quang.

Năm 2018, sản lượng hàng hóa qua cảng Đà Nẵng đạt 8,65 triệu tấn, tăng hơn 7,7% so với 2017. Về du lịch, Cảng đón 109 lượt tàu du lịch với hơn 200.000 hành khách và thuyền viên, tăng 31% so với năm 2017 về lượt tàu và 35% về số lượng hành khách cập cảng. Cảng Đà Nẵng tiếp tục giữ vững vị thế là cảng số 1 ở khu vực miền Trung và là một trong những cảng biển lớn, hiện đại nhất Việt Nam. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng 5 năm qua tăng bình quân 10%/năm. Trong đó, hàng container tăng trưởng bình quân 12,6%/năm. Năm 2018, cảng Đà Nẵng cũng chính thức đưa vào sử dụng 2 cầu tàu mới trong dự án mở rộng giai đoạn II cảng Tiên Sa, với tổng mức đầu tư gần 900 tỷ đồng, gồm một cầu tàu dài 310 mét khả năng tiếp nhận tàu container lên đến 4.000 Teus và một cầu tàu dài 210 mét. Cầu tàu mới được trang bị hệ thống cẩu QCC hiện đại, với sức nâng đạt 40 tấn, tầm với 40 mét và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ đi kèm. Năm 2019, cảng Đà Nẵng đặt mục tiêu đạt sản lượng 8,7 triệu tấn, trong đó container đạt 385.000 TEUs.

Thương cảng Kỳ Hà

Sau khi Quảng Nam và Đà Nẵng tách thành hai đơn vị hành chính độc lập vào năm 1977. Đến năm 2000, cùng với việc hình thành Khu kinh tế Mở Chu Lai, Cảng Kỳ Hà (trước đây là một cảng cá nhỏ phục vụ hậu cần nghề cá của H. Núi Thành) được tỉnh Quảng Nam triển khai xây dựng. Sau 2 năm xây dựng, cảng được đưa vào sử dụng năm 2002. Ngày 29-7-2016, Bộ GT-VT đã có Quyết định số 2369/QĐ-BGTVT phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Trung Trung Bộ (nhóm 3) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, nhóm 3 gồm 6 cảng biển: Quảng Bình, Quảng Trị, TT- Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Trong đó, cảng biển Kỳ Hà được quy hoạch chi tiết như sau: Cảng biển Kỳ Hà là cảng tổng hợp địa phương (loại II) có bến chuyên dùng, bao gồm các khu bến: Kỳ Hà, Tam Hiệp. Lượng hàng thông qua dự kiến vào năm 2020 khoảng 5,0 đến 5,8 triệu tấn/năm; năm 2030 khoảng 11,7-12,7 triệu tấn/năm. Trong đó, riêng container dự kiến vào năm 2020 khoảng 60.000 đến 80.000 TEU/năm; năm 2030 khoảng 0,29 đến 0,34 triệu TEU/năm.

Để đạt được các mục tiêu trên, quy hoạch đã đưa ra nhiều chính sách, cơ chế và giải pháp, như: Đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển bằng các hình thức PPP (BOT, BTO...); tăng cường xúc tiến đầu tư, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển cảng biển bằng các hình thức theo quy định; nguồn vốn ngân sách chỉ đầu tư cho các hạng mục cơ sở hạ tầng công cộng (luồng tàu, đê chắn sóng...) của cảng biển, bến cảng quan trọng...

Nhìn lại một chặng đường dài lịch sử của đất nước, dù phải trải qua biết bao biến đổi thăng trầm, nhưng điều chúng ta luôn tin tưởng: Những thương cảng của xứ Quảng vẫn luôn giữ một vai trò nhất định, vượt mọi bão táp phong ba, đồng hành cùng những khát vọng dân tộc, vươn ra biển lớn sánh vai cùng bè bạn năm châu.

TRẦN TRUNG SÁNG