Thương chiến Mỹ - Trung có thể kéo dài và đau đớn

Thứ năm, 16/05/2019 11:39

Tổng thống Donald Trump đang lên kế hoạch gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tháng 6 bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm G20 tại Nhật Bản. Đây rõ ràng sẽ là cơ hội vàng để hai bên giảm bớt căng thẳng hiện nay.

Có rất nhiều cách để Mỹ và Trung Quốc có thể làm tổn thương nền kinh tế của nhau.  Ảnh: AFP

Trong khi cuộc chiến thương mại đang leo thang khó kiểm soát, cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn đưa ra một thỏa thuận của chính mình để tìm kiếm một  tiếng nói chung. Tuy nhiên, khả năng này dường như là rất ít khả thi.

Chỉ 2 tuần trước, Mỹ và Trung Quốc dường như đang lướt qua một thỏa thuận thương mại nhằm giải quyết căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhưng kể từ sự cố trong các cuộc đàm phán - Mỹ đã tăng thuế lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc, và đang đe dọa đánh thuế thêm 300 tỷ USD hàng hóa khác - khiến nền kinh tế thế giới lo lắng.

Càng gỡ càng rối

Trong tuyên bố mới nhất hôm 15-5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết đang lên kế hoạch tiếp tục tổ chức đàm phán thương mại với Trung Quốc. Người phát ngôn bộ này cho biết, Bộ trưởng Steven Mnuchin sẽ sớm lên kế hoạch tổ chức một cuộc đàm phán thương mại khác tại Trung Quốc.

Mặc dù người phát ngôn Bộ Tài chính Mỹ không cung cấp thêm thông tin về thời gian tổ chức cuộc đàm phán tiếp theo, nhưng nói rằng, Tổng thống Donald Trump đang lên kế hoạch gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tháng 6 bên lề hội nghị thượng đỉnh của Nhóm G20 tại Nhật Bản. Đây rõ ràng sẽ là cơ hội vàng để hai bên giảm bớt căng thẳng hiện nay. Cơ hội càng rõ hơn khi trước đó, trên mạng Twitter, Tổng thống Trump cho rằng, thỏa thuận thương mại giữa nước này với Trung Quốc sẽ đạt được “nhanh hơn nhiều” so với mọi người nghĩ. “Khi thời điểm thích hợp, chúng tôi sẽ đạt một thỏa thuận với Trung Quốc. Điều đó chắc chắn sẽ diễn ra, nhanh hơn nhiều so với mọi người nghĩ”, ông viết.

Nhưng ông chủ Nhà Trắng vẫn tiếp tục bảo vệ cuộc chiến thương mại của ông với Trung Quốc, cho rằng, đây là khuôn mẫu cho thương lượng giữa Mỹ với các nước khác. “Hiện chúng tôi đang ở vị thế tốt hơn nhiều so với bất cứ thỏa thuận nào mà chúng tôi đã có thể đạt được”, ông nhấn mạnh. Trên thực tế, Tổng thống Trump dường như xem căng thẳng tiếp tục với Bắc Kinh là tốt cho ông về mặt chính trị và đã nói rằng, mức thuế cao đánh vào Trung Quốc giúp cho sự tăng trưởng kinh tế gần đây của Mỹ.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể không đưa ra những tuyên bố thẳng thắn như ông Trump trên Twitter, nhưng đã báo hiệu rằng, họ sẽ không nhượng bộ Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 14-5 nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ “chơi đến cùng” nếu Mỹ muốn tiếp tục cuộc chiến thương mại.  Thị trường tiêu cực?

Ông Douglas Rediker, Chủ tịch của International Capital Strategies và cựu đại diện Mỹ tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định, rõ ràng mỗi bên đã tự đào sâu vào một số lỗ hổng trong cuộc thương chiến này.

Một số chuyên gia khác nhấn mạnh, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã gây ra những hậu quả tiêu cực đối với tình hình kinh tế toàn cầu. Các chỉ số chính của Mỹ đã mất hơn 2% vào hôm 13-5, thời điểm Trung Quốc công bố các biện pháp thuế quan trả đũa đối với Mỹ sau động thái áp thuế mới của của Washington. Tuy nhiên, một số khác nhận định phản ứng trên thị trường vào hôm 13-5 là cường điệu và vẫn mong đợi một thỏa thuận. Đó là lý do vì sao trong ngày 14-5, thị trường chứng khoán ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương đã tăng điểm, giảm bớt những tổn thất nặng nề do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hoành hành trong tuần qua. “Các cổ phiếu đang cố gắng để lấy lại những gì đã bị mất từ ngày đầu tuần”, nhà phân tích Chris Beauchamp lưu ý và cho biết, “nhưng bầu không khí thận trọng nói chung vẫn chiếm ưu thế”. Tại Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã tăng 0,8%, giành lại khoảng 1/3 khoản lỗ hôm 13-5 sau khi Trung Quốc công bố thuế quan mới đánh vào cổ phiếu. Tất cả các thị trường chứng khoán chính của Châu Âu ngày 14-5 đều đóng cửa ở mức cao hơn.

KHẢ ANH