“Thương hội người lùn” vượt qua số phận

Thứ bảy, 11/10/2008 00:00

(Cadn.com.vn) - “Bán thêm mấy ngày nữa rồi về quê, làm mùa xong lại đi chuyến khác. Hơn một tháng rong ruổi rồi chú ạ” - những thành viên trong “Câu lạc bộ người lùn” vừa ăn cơm bụi vừa trò chuyện, xung quanh là những túi hàng. “Thương hội” do họ lập ra để xuyên miền Trung bán đũa, tăm tre, bút... Thu nhập cho mỗi ngày rong ruổi trên các con phố khoảng 30-40 ngàn đồng, đó là một chuyện; việc họ trút bỏ được những mặc cảm, tự ti về bản thân để đứng vững giữa cuộc đời bằng đôi chân của mình là chuyện mới làm cho người ta khâm phục.

Nghị lực lớn của những người tí hon

Sáng dậy, giữa những dòng người tấp nập ngược xuôi hối hả cho một ngày mới, họ chia ra mỗi người một nẻo đường. Trưa, hẹn nhau ăn cơm bụi rồi về công viên hay tấp vào đâu đó đánh một giấc. Chiều lại đổi hướng qua những khu phố khác. Một ngày nhọc nhằn của họ kết thúc tại căn phòng trọ khoảng 15m2 với mức thuê 500.000 đồng/tháng. Mỗi nơi họ tới, chỉ lưu trú khoảng hơn một tháng. Hết hàng, họ lại về quê làm mùa, hẹn ngày lên đường khi thóc lúa, hoa màu đã yên vị trong nhà.

Đã 53 tuổi nhưng anh Phạm Đức Vinh (quê xã Nghĩa Khánh, H. Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) chỉ cao chưa đến 1m. Trong các cuộc “hành quân”, anh luôn là người đi sau cùng. Vào quán cơm, anh phải híc một cái mới lên được ghế, chân đung đưa, phải ngồi thật sát bàn. Thế nhưng anh là người may mắn tìm được người bạn đời. Vợ anh là chị Phan Thị Hợi (1969, cũng là người đồng hương), cao hơn chồng khoảng 5 phân. Kể về cuộc đời mình, anh Vinh cho biết: “Trong 5 anh chị em thì chỉ có tôi thấp tè như thế này. Cũng vì lùn mà lên cấp 2 tôi phải bỏ học, trường cách nhà khoảng 20 cây số, bố mẹ tôi mất chẳng có ai đưa đón như hồi học gần nhà. Có nhiều lúc tôi buồn lắm, luôn ru rú trong nhà nhưng nhớ lời mẹ dặn hồi còn sống, một ngày tôi bạo gan đến xin gia nhập Hội Người tàn tật tỉnh Nghệ An. Cuộc đời tôi sang trang từ đó”. Cùng địa phương, chị Hợi có nghe nói đến nghị lực sống và tài thổi sáo của anh Vinh. Qua mấy lần gặp gỡ, chị chủ động “đánh tiếng” với anh, không thẹn thùng lắm vì biết anh cũng có mong ước giản dị đó nhưng không dám nói. Đến với nhau bằng sự đồng cảm, sẻ chia và sự rung động thực lòng nên cuộc sống của hai người thật hạnh phúc.

Những người tí hon với hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc sống...

Tuy sức vóc chẳng bằng ai nhưng hai vợ chồng vẫn cần cù với mấy sào ruộng và mảnh vườn, việc nào nặng nhọc, gấp gáp quá phải thuê người làm. Hàng xóm láng giềng thấy anh chị sống thật thà, siêng năng nên có gặt thuê, cấy thuê cũng lấy vài ba chục nghìn cho chủ nhà khỏi áy náy. Xong mùa màng, hai vợ chồng liên lạc với 3 người tí hon khác trong hội để ứng trước một số mặt hàng như tăm, đũa, trà... lên đường đi bán. “Thương hội” người lùn còn có anh Đỗ Văn Hải (1970), anh Nguyễn Văn Thắng (1986), chị Nguyễn Thị Thu (1960, đều quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An), tất cả chỉ cao sàn sàn 1m. Chị Thu - thủ lĩnh của nhóm - kể về công việc của mình: “Chúng tôi khởi hành cách đây hơn 1 tháng, vào Quảng Ngãi rồi sau đó qua các tỉnh lân cận. Đến mỗi địa phương thì thuê nhà trọ, hằng ngày tỏa ra khắp nơi đi bán, tối về phòng trọ nghỉ ngơi, mai lại đến những khu vực khác. Trừ chi phí hằng ngày và tiền vốn hội cho mượn, còn lại được khoảng 40 nghìn đồng, đó là không tính những ngày mưa gió, ế hàng”.

Đi tìm ý nghĩa cuộc sống

“Chú chọn một món hàng đi, hộp đũa cũng được, bút cũng được..., có giá in sẵn trên đó rồi. Mua hàng trả tiền, không bớt cũng không lấy thêm đồng nào” - chị Phan Thị Hợi thẳng thắn. Tôi chọn và mua một hộp đũa trông rất đẹp, giá 20 ngàn đồng, hơi ngạc nhiên về chuyện này, hỏi ra mới biết đây là quy định của “thương hội”. Anh Thắng, người trẻ nhất nhóm, cho biết: “Cũng có nhiều người cho tiền, nhưng chúng tôi không lấy, họ mua một sản phẩm tương xứng chúng tôi mới lấy tiền. Ai cũng đi lại được và có khả năng làm việc nên có nội quy là không được lấy không một đồng tiền nào”. Tôi biết, cái quy định này không nằm ngoài việc những con người tí hon muốn xã hội, cộng đồng nhìn họ với ánh mắt như những người bình thường khác. Chẳng thể khá giả gì với những mặt hàng này, nhưng điều lớn lao mà những người tuy có khiếm khuyết về hình thể này làm được chính là sống bằng sức lao động của mình. Việc vượt qua những mặc cảm về bản thân và để vươn lên mọi khó khăn của họ đang góp phần thay đổi những cái nhìn của xã hội về người tàn tật, khiếm khuyết trên cơ thể.

... và bữa cơm bụi của "thương hội người lùn".

Sau Đà Nẵng, “thương hội người lùn” tiếp tục hành trình khứ hồi, nếu còn hàng thì sẽ ra Huế, Quảng Bình, hết hàng thì về thẳng Nghệ An luôn. Ai lại về nhà nấy để lo mùa màng, xong mùa lại lên đường, vừa biết đó biết đây lại vừa có thu nhập. “Mỗi người một công việc để sống thôi, đưa đũa cho chú đi bán chắc gì chú đã bán được”, cả nhóm cười sảng khoái rồi lại tay xách nách mang tiếp tục công việc của một ngày vất vả. Vậy đấy, những người lùn lại tiếp tục hành trình, nhưng đó không chỉ đơn thuần là kiếm tiền mưu sinh mà đó là dặm dài trên hành trình đi tìm ý nghĩa của cuộc sống...

Công Khanh