Thương vụ Rosneft trên bàn nghị sự Nga-Trung
(Cadn.com.vn) - Thương vụ mua bán cổ phần từ Tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga được cho là nằm trong chương trình nghị sự ưu tiên của Tổng thống Vladimir Putin khi ông có chuyến thăm Trung Quốc vào cuối tuần này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một lễ ký kết tại Điện Kremlin hồi năm 2013. Ảnh: Reuters |
Ngày 25-6 tới, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có chuyến công du đến Trung Quốc, nơi ông chủ Điện Kremlin sẽ có cuộc hội đàm được chờ đợi với Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình nhằm bàn về hàng loạt thỏa thuận thương mại, trong đó có thương vụ mua bán cổ phần từ Tập đoàn dầu khí Rosneft.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 20-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã xác nhận thông tin này. Time dẫn nguồn từ Cơ quan báo chí Điện Kremlin cũng cho biết, Tổng thống Putin sẽ hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình “để tăng cường hơn nữa hợp tác toàn diện Nga-Trung, trong mối quan hệ đối tác bình đẳng và bảo mật”. Trong đó, giới phân tích cho rằng, chương trình nghị sự trên bàn hội đàm sẽ ưu tiên vấn đề thương mại và phát triển kinh tế.
Theo các nguồn tin, Nga đang xem xét bán 19,5% cổ phần của Tập đoàn dầu khí Rosneft - hiện do chính phủ nắm giữ - cho Ấn Độ và Trung Quốc - hai quốc gia bày tỏ quan tâm đến việc này nhưng không nước nào tuyên bố tham gia giao dịch chung. Mới đây, phía New Delhi tuyên bố không loại trừ khả năng cùng mua chung số cổ phần này với Bắc Kinh. Trong khi đó, Bắc Kinh chưa có bất kỳ động thái nào. Giới quan sát cho rằng, đến Bắc Kinh lần này, Tổng thống Putin hứa hẹn sẽ thuyết phục phía Trung Quốc đồng ý với một thỏa thuận chung như thế này.
Rosneft - tập đoàn sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới - được xem là “viên kim cương” của nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, Tổng thống Putin đã phải xem xét bán một phần “viên kim cương” này khi Nga đang phải đấu tranh để đáp ứng các cam kết chi tiêu công trước khi cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào năm 2018. Nếu thành công, đây thật sự là thương vụ béo bở kỷ lục của Nga khi tổng giá trị cổ phiếu trong thương vụ này sẽ không dưới 700 tỷ roubles (khoảng 11 tỷ USD). Đây là số tiền lớn có thể giúp Nga bù thâm hụt ngân sách trong lúc dầu mỏ xuống giá thảm hại cùng với các biện pháp trừng phạt của phương Tây khiến nền kinh tế Nga gặp nhiều khó khăn.
Việc đưa hai trong ba nền kinh tế lớn nhất Châu Á vào Rosneft còn giúp Tổng thống Putin tăng cường vị thế địa chính trị tại thời điểm cuộc xung đột ở Ukraine và Syria đẩy mối quan hệ giữa Nga với phương Tây xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Thương vụ này cũng giúp cân bằng ảnh hưởng của Tập đoàn BP Plc của Anh – hiện nắm gần 20% cổ phần của Rosneft sau thỏa thuận mua lại vào năm 2013 – trước thời điểm bán đảo Crimea sáp nhập về với Nga.
Những ưu tiên trong ngành năng lượng của Nga đang được chuyển về hướng Đông trong bối cảnh căng thẳng kinh tế giữa Moscow với phương Tây gia tăng đã kiềm chế việc tiếp cận nguồn vốn và san bằng nhu cầu ở Châu Âu. Moscow từ đó đến nay tập trung đẩy mạnh nguồn cung dầu mỏ và khí đốt cho Trung Quốc, thị trường lớn nhất của khu vực. Hồi tháng 5, tập đoàn dầu khí ONGC lớn nhất ở Ấn Độ trả 1,27 tỷ USD cho 15% cổ phần của Vankor, một trong những mỏ dầu lớn nhất của Nga đi vào sản xuất trong 25 năm qua. Chủ tịch Rosneft Andrey Belousov mới đây cho biết, Nga muốn bán cổ phần cho hai đối tác chiến lược Trung-Ấn này, song không nói rõ lý do.
Đối với Trung Quốc và Ấn Độ - hai quốc gia tiêu thụ dầu nhiều nhất thế giới - thương vụ này sẽ giúp họ củng cố vị thế ở Rosneft và trên thị trường dầu mỏ thế giới. “Đây sẽ là lựa chọn hợp lý”, chuyên gia kinh tế Vladimir Tikhomirov nhận định.
Khả Anh