Thủy điện xả lũ và câu chuyện của "chúng ta"

Chủ nhật, 17/11/2013 23:01

(Cadn.com.vn) - Hơn 23 giờ đêm 15-11, nguồn tin từ nhiều huyện thuộc tỉnh Quảng Nam cho biết chỉ trong vài giờ, nước lũ đã xồng xộc vào làng.

Nước dâng đột ngột làm người dân kinh hoàng, hoảng loạn hối hả dọn lụt, cố tìm mọi cách để cứu lấy con heo con gà, bao lúa và vật dụng thiết yếu của gia đình. Cảnh tượng chạy trốn “giặc nước” thật thê thảm không khác gì những những năm tháng mưa bom bão đạn.

Từ ngàn xưa đến nay, lũ lụt năm nào mà chẳng có. Nhưng điều xót xa và bức bối nhất là mấy năm gần đây, việc thủy điện xả nước đúng lúc lũ về đã phụ họa cho cơn thịnh nộ của thiên tai làm thất điên bát đảo cuộc sống thường nhật của người dân. Còn nhớ cách đây chưa tròn một tháng, tại H. Đại Lộc (Quảng Nam), thủy điện xả nước nhưng thông tin không kịp thời đã tạo nên tin đồn vỡ đập. Học sinh bỏ học nửa chừng, người dân nhốn nháo ôm áo quần và mì tôm, dắt trâu bò, gánh gà vịt hớt hơ hớt hải lên núi trốn, có gia đình đang tổ chức đám cưới, khách mời bỏ tiệc chạy lũ... Những cảnh tượng ấy ai nhìn thấy mà không xót xa nghẹn lòng?

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, nhiều công trình thủy điện đồng loạt xả lũ cùng với mưa lớn kéo dài đã khiến vùng hạ lưu các con sông lớn ở địa bàn miền Trung bị ngập sâu trong nước. Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho hay: theo thống kê sơ bộ, tính đến ngày 17-11, mưa lũ ở miền Trung đã làm 34 người chết, 3 người mất tích, 3 người bị thương; gần 100.000 nhà bị ngập, sập và tốc mái và ngập; ngập úng 431 ha lúa và hoa màu, giao thông chia cắt... Miền Trung đang oằn mình vì bão lũ đã đành, song ngoài thiệt hại do thiên tai, điều trớ trêu là người dân đang phải trả giá cho những hệ lụy của thủy điện bằng tính mạng và của cải đong đầy mồ hôi nước mắt. Những con số thống kê chưa đầy đủ như vậy chẳng khác nào những nhát dao cứa vào thân thể mỗi người!

Trong khi đó, chỉ vài ba ngày trước tại nghị trường cũng nóng bỏng câu chuyện liên quan đến thủy điện khi Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nói thế này: “Quy hoạch thủy điện trải qua nhiều thời kỳ là quy hoạch chung của cả nước chứ không phải quy hoạch riêng của Chính phủ hay Bộ Công Thương... Chúng ta nói về chúng ta chứ không phải chúng ta nói về Chính phủ, cũng không phải chúng ta chỉ nói về bộ, ngành này hay bộ ngành khác mà chúng ta nói về chúng ta”. Chỉ một đoạn phát biểu  ngắn, ông Bộ trưởng đã lặp lại 6 lần hai chữ “chúng ta” làm cho một vị ĐBQH không nén nổi bức xúc: “Tôi không hiểu Bộ trưởng nói gì!”. Thật ra, việc ông Bộ trưởng cố tình điệp từ “chúng ta” như vậy là có ý cả. Bởi theo Bộ trưởng: “Từ năm 2006 trở lại đây, theo phân cấp thì tất cả quy hoạch thủy điện nhỏ đều giao về cho các địa phương phê duyệt”. Vậy phải chăng chữ “chúng ta” ấy là dành cho lãnh đạo các địa phương? Tuy nhiên, trả lời báo chí, lãnh đạo địa phương lại cho rằng, không có vị nào dám đặt bút ký quy hoạch thủy điện của địa phương mình nếu không có sự đồng thuận của Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT. Vậy phải chăng, dù lập luận kiểu gì thì Bộ Công Thương cũng không thể nào lọt ra ngoài hai chữ “chúng ta” đó?

Duy chỉ có điều này là chắc chắn: những người dân đang gánh chịu những thiệt hại do lũ lụt mà trong đó có tác nhân do việc quy hoạch, vận hành thủy điện chưa phù hợp  không thể có trong danh sách “chúng ta” ấy!

Nghị trường nóng lên hai chữ “chúng ta” cũng cần thiết, song vấn đề cấp bách lúc này là phải xác định địa chỉ trách nhiệm thật cụ thể để giải quyết rốt ráo hệ lụy từ thủy điện. Hãy loại bỏ ngay những dự án thủy điện “lợi ít hại nhiều”; cân nhắc thật kỹ các dự án sắp thực hiện; giao trách nhiệm cụ thể cùng với các chế tài nghiêm ngặt trong vận hành các thủy điện đang hoạt động để tránh tình trạng mùa nắng thì tranh nhau tích nước, mùa mưa lại xả lũ vô tội vạ để an toàn đập, đẩy hết khó khăn, thiệt hại về con người và tài sản  cho người dân vùng hạ du.

Xin hãy sớm hành động vì người dân vùng hạ du đang phải gánh chịu quá nhiều thiệt hại vì lũ lụt cùng những hệ lụy từ thủy điện, “chúng ta” ạ!

Nguyễn Đức Nam