Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII:

Tiếp tục hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ ba, 19/11/2013 10:42

(Cadn.com.vn) - Sáng 18-11, QH họp tại hội trường nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở ý kiến đóng góp của các ĐBQH vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Trong báo cáo giải trình, ông Phan Trung Lý cho biết, qua thảo luận có ý kiến đề nghị bổ sung vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp (khoản 3 Điều 51): Cùng với việc bổ sung cụm từ “doanh nhân”, có ý kiến đề nghị bổ sung vai trò của doanh nghiệp vào khoản 3 Điều 51. Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1991 tán thành với ý kiến này và thấy rằng, vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường là rất quan trọng, đề nghị QH cho tiếp thu ý kiến này và thể hiện tại khoản 3 Điều 51 của Dự thảo.

Liên quan đến vấn đề thu hồi đất, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng đề nghị QH cho được tiếp thu ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc thu hồi đất, theo hướng sửa lại khoản 3 như sau: "Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định và được QH, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét phê duyệt vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và bồi thường theo quy định của pháp luật".

ĐB Huỳnh Nghĩa phát biểu tại buổi thảo luận tổ chiều 18-11.

Liên quan đến chương chính quyền địa phương, có ý kiến đề nghị thiết kế mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo hướng phân biệt rõ giữa thẩm quyền và tổ chức như sau: “Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với đặc điểm nông thôn và đô thị. Việc tổ chức chính quyền ở hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định”. Một số ý kiến khác đề nghị, trong khi chưa có tổng kết việc thực hiện thí điểm tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường, đề nghị giữ mô hình: Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được thành lập ở tất cả các đơn vị hành chính như Hiến pháp hiện hành.

Phát biểu tại phiên làm việc buổi sáng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết: “Ngày 28-11, QH sẽ quyết định thông qua Hiến pháp hệ trọng này. Trong thời gian còn lại, ĐBQH tiếp tục thảo luận, góp ý trên cơ sở tiếp thu ý kiến từ nhân dân... Chúng ta sẽ tiếp tục tiếp thu để có bản dự thảo tốt nhất, hoàn thiện nhất, tiếp thu những ý kiến hợp lý nhất. Mặc dù có thể còn ý kiến khác nhau nhưng chúng ta đã làm hết sức mình, hết trách nhiệm và lựa chọn theo đa số... Các ĐBQH sẽ tiếp tục cần mẫn, góp ý để bản Hiến pháp khi thông qua sẽ có được sự đồng thuận cao nhất”.

Từ ngày 19 đến ngày 21-11, QH dành thời gian cho việc chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường, các phiên chất vấn sẽ được truyền hình và phát thanh trực tiếp.

B.Cầm – TTXVN

Chiều 18-11, QH thảo luận tại tổ về dự án Luật Phá sản (sửa đổi) và dự án Luật Đầu tư công. Tham gia thảo luận dự án Luật Phá sản (sửa đổi), Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa cho rằng, điểm mới của luật là chế định Quản tài viên (QTV) thay thế Tổ quản lý, thanh lý tài sản hoạt động kém hiệu quả vốn là nguyên nhân gây ra tình trạng giải quyết phá sản kéo dài hiện nay. Các vị ĐB Huỳnh Nghĩa, Thân Đức Nam (Đà Nẵng), Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên)... đề nghị Ban soạn thảo cần tập trung quy định chặt chẽ chế định QTV và xử lý triệt để các quy định bất hợp lý khác hiện nay nhằm tạo điều kiện giải quyết nhanh chóng các vụ án phá sản, tránh trường hợp doanh nghiệp “xin chết” nhưng giải quyết quá kéo dài, có trường hợp gần 10 năm trời vẫn chưa giải quyết xong một vụ phá sản, gây khó khăn rất lớn do doanh nghiệp vì không còn gì để nuôi bộ máy ngồi chờ làm thủ tục phá sản.

Hữu Hoa