Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII:

Cần thành lập cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng độc lập

Thứ năm, 07/11/2013 23:28

(Cadn.com.vn) - Cả ngày 7-11, phiên thảo luận ở hội trường về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm “nóng ran” những ý kiến góp ý thể hiện bức xúc của cử tri, được các đại biểu (ĐB) phản ánh xung quanh công tác của các cơ quan tư pháp và công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2013.

Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan tư pháp trong công tác phòng, chống tội phạm năm qua đã tạo chuyển biến tích cực, góp phần đáng kể ổn định tình hình KT-XH. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại buổi thảo luận lo ngại: Tình hình phòng, chống tội phạm (PCTP) dù quyết liệt nhưng tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp, có dấu hiệu tăng lên.

Phải mạnh tay hơn nữa

Khí thế hừng hực, song...

Cơ quan, lực lượng PCTN đã được tổ chức đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, bài binh bố trận rầm rộ, khí thế hừng hực, song tội phạm tham nhũng chưa sát thương là bao nhiêu... Cử tri cho rằng, nợ xấu tài chính tiền tệ cũng đáng lo ngại, song lo ngại nhất là nợ xấu lòng tin và tồn đọng trách nhiệm trong phòng, chống tham nhũng 

ĐB LÊ NHƯ TIẾN (Quảng Trị)

Bày tỏ lo ngại sâu sắc về những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường ngày càng diễn biến phức tạp ở mức đáng báo động, coi thường pháp luật và gây ra nhiều hậu quả nặng nề, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) viện dẫn nhiều vụ xả thải ra môi trường tự nhiên mới được phát hiện gần đây tại nhiều địa phương. ĐB cho rằng, để xảy ra tình trạng này là do việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường đã không được chấp hành nghiêm, trước hết là ở người thi hành công vụ. Các quy định về báo cáo đánh giá tác động môi trường không đáp ứng yêu cầu, thậm chí còn bị cắt dán cho nhiều địa phương khác nhau, chỉ thay đổi địa danh.

Theo ĐB Nga, việc buông lỏng quản lý; xử lý hành chính nương nhẹ, công tác kiểm tra không đạt yêu cầu, hoặc dung túng, bao che cho doanh nghiệp là nguyên nhân dẫn đến các vụ vi phạm liên tiếp xảy ra. ĐB cho rằng, việc xử lý những vụ vi phạm này theo hướng trách nhiệm hình sự là hoàn toàn không khó khăn, vấn đề là có xử lý hay không?

Nhận định tình hình tội phạm gia tăng, ảnh hưởng lớn đến an ninh, trật tự an toàn xã hội và hội nhập quốc tế, ĐB Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) cho rằng, công tác quản lý Nhà nước chậm phát hiện ra những kẽ hở trong chính sách, pháp luật, các chế tài đối với tội phạm vị thành niên không đủ sức răn đe tội phạm và ngăn chặn tội phạm gia tăng. Vai trò của các tổ chức chính quyền, gia đình, nhà trường trong phòng, chống tội phạm chưa thực sự được đề cao, còn tình trạng coi nhiệm vụ này là của riêng ngành CA. Quan tâm đến một số loại tội phạm mới, ĐB đề xuất cần có sự chủ động chuẩn bị về trang thiết bị, lực lượng để đối phó hiệu quả, cần có giải pháp phòng ngừa kịp thời, tăng cường quản lý chặt chẽ tạm trú, tạm vắng. Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, cần chăm lo lực lượng PCTP, đặc biệt những người trên mặt trận PCTP nguy hiểm.

Tán thành với các báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo của TAND, Viện KSND tối cao, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng: Chính phủ chỉ đạo các địa phương tránh phô trương hình thức trong việc tuyên truyền pháp luật, cần tổ chức đánh giá công tác này trong thời gian qua và xây dựng chương trình tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến người dân một cách phù hợp.

Công tác phòng chống tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra

Ghi nhận những nỗ lực của các cơ quan chuyên trách PCTN, nhiều ý kiến đánh giá, năm qua công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế. Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm. Công tác phát hiện tham nhũng còn yếu, chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng đã và đang gây bức xúc trong xã hội. Nhiều ý kiến đề nghị chỉ rõ, chỉ đúng những địa chỉ cụ thể, đơn vị, tổ chức, trách nhiệm cá nhân những nơi để xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng nghiêm trọng. Buổi thảo luận ghi nhận nhiều ý kiến đề nghị thành lập cơ quan riêng về PCTN trực thuộc Quốc hội hoặc Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN.

ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, chúng ta có đủ bộ máy PCTN, mặc dù các cơ quan này có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công tác PCTN. ĐB đặt vấn đề: Liệu trong lực lượng PCTN có việc bao che cho tham nhũng hay không? ĐB đề nghị cần lập lực lượng chuyên trách điều tra PCTN  trực thuộc Quốc hội hoặc Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN với đội ngũ cán bộ tinh nhuệ về trí tuệ và nghiệp vụ, có chế độ đãi ngộ xứng đáng. Có như vậy mới có thể đủ sức điều tra nhanh các vụ án tham nhũng lớn, không để xảy ra tình trạng tồn đọng kéo dài như hiện nay, không cho thời gian để bị can, bị cáo chạy án, tránh gây hoài nghi, làm suy giảm lòng tin của nhân dân.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa phát biểu tại hội trường.

Phải rà lại tất cả các bước tiến hành tố tụng

Quan tâm đến các vụ án oan sai, ĐB Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre) chia sẻ: Công tác trong ngành tòa án, tham gia nhiều vụ xét xử, mỗi khi nghe thông tin về những vụ án oan sai, bà không khỏi đau xót, bởi việc này không chỉ ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của người bị kết tội sai, mà cả người thân trong gia đình họ. Những vụ án oan sai là bài học cho những người làm công tác bảo vệ pháp luật rút kinh ngiệm trong quá trình thực hiện nghiệp vụ. ĐB Trịnh Thị Thanh Bình nhấn mạnh: Những người làm công tác bảo vệ pháp luật cần phải rà lại tất cả các bước tiến hành tố tụng, hành vi tiến hành tố tụng của những người thực hiện để xem sai ở khâu nào: Thu thập chứng cứ, lấy lời khai hay không đảm bảo tác nghiệp chuyên môn. Tiến hành không chặt chẽ sẽ dẫn đến nguy cơ oan sai.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng bên cạnh xem xét khách quan những chứng cứ thu thập được, những người thực thi nhiệm vụ bảo vệ pháp luật cũng cần nâng cao trình độ, năng lực để giảm tối đa những vụ án oan sai. “Chứng cứ là vấn đề hết sức quan trọng, do vậy phải căn cứ vào chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra. Nếu chứng cứ đó khách quan, cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá khách quan sẽ tránh oan sai. Nếu chủ quan và sự phối hợp làm việc không tốt sẽ dẫn tới oan sai” – ĐB Nguyễn Bá Thuyền nhận định.

Bộ Công an sẽ tập trung nguồn lực phòng chống tội phạm tham nhũng và kinh tế

Chiều 7-11, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ CA, đăng đàn tại QH. Dự báo tình hình sắp tới, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho rằng tội phạm vẫn diễn biến phức tạp. Bộ CA sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp, kết hợp với phòng ngừa xã hội, đẩy mạnh tấn công trấn áp tội phạm, liên tục mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tập trung xóa bỏ các băng nhóm tội phạm nguy hiểm, các tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội, tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, ma túy, công nghệ cao, mua bán người, môi trường, kinh tế, chức vụ và tham nhũng.

Cho ý kiến về việc tăng số Phó Thủ tướng

Chiều 7-11, Ủy ban Pháp luật của QH họp phiên toàn thể thẩm tra Tờ trình của Thủ tướng về việc tăng thêm số Phó Thủ tướng nhiệm kỳ khóa XIII. Qua thảo luận, Ủy ban Pháp luật nhất trí với Tờ trình của Thủ tướng về việc tăng thêm số Phó Thủ tướng nhiệm kỳ khóa XIII từ 4 như hiện nay lên 5.

Từ đầu Kỳ họp, Thủ tướng đã giới thiệu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam để QH phê chuẩn vào chức danh Phó Thủ tướng; đồng thời, đề nghị miễn nhiệm Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.  

Thời gian tới, tập trung giải quyết khâu yếu nhất hiện nay là phát hiện tội phạm tham nhũng. Bộ sẽ tiếp nhận kịp thời, tập trung xác minh các tin báo tố giác tội phạm tham nhũng từ tất cả các kênh, xây dựng quy chế phối hợp giữa cơ quan điều tra với các cơ quan thanh tra, kiểm toán, hải quan, thuế vụ ngay trong quá trình thanh tra, kiểm toán. Nếu có chứng cứ vi phạm pháp luật sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra, không phải đợi sau khi có kết luận thanh tra, kiểm toán mới vào cuộc. Đối với các vụ án đã khởi tố, Bộ CA đã thống nhất với các ngành Tư pháp khẩn trương điều tra, truy tố, xét xử kịp thời theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng đồng tình với việc QH tiếp tục ban hành Nghị quyết mới về công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm nhưng đề nghị cần gắn Nghị quyết này với các nghị quyết khác của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chương trình hành động của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI. Bộ Công an sẽ tập trung nguồn lực vật chất và cán bộ giỏi chuyên trách trong lĩnh vực phòng chống tội phạm tham nhũng và kinh tế.

Trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, Đại tướng Trần Đại Quang nhấn mạnh mục tiêu hàng đầu là không để xảy ra oan sai và không để lọt tội phạm. Bộ Công an đã tập trung chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác điều tra, qua đó tỷ lệ án oan sai đã giảm đáng kể. Bộ trưởng cũng đồng tình với chỉ tiêu giảm tỷ lệ án oan sai mà Nghị quyết 37 của Quốc hội đề ra.

Về thi hành án tử hình được nhiều đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết hiện đã tử hình được 7 bị án, còn 678 bị án đang chờ tử hình mà nguyên nhân chính là thiếu nguồn thuốc để thi hành án tử hình. Trước thực trạng này, Bộ CA đề nghị QH ban hành Nghị quyết lập lại hình thức tử hình bằng xử bắn từ nay đến năm 2015, bên cạnh thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc.

B.Cầm – TTXVN