Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII:

Không thể để người nghèo bù đắp chi phí chữa bệnh cho người giàu!

Thứ bảy, 09/11/2013 10:47

(Cadn.com.vn) - Ngày 8-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về thực hiện chính sách, pháp luật  bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012. Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa đã tham gia phát biểu ý kiến.

ĐB Huỳnh Nghĩa cho rằng, đến nay, nước ta đã có bước tiến dài về chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc, người nghèo. Từ chỗ bội chi, đến năm 2012 quỹ BHYT đã có kết dư lũy kế gần 13.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, những bức xúc về BHYT luôn là vấn đề nóng, được dư luận đặc biệt quan tâm. Nổi lên là tình trạng quá tải ở bệnh viện, 2-3 người bệnh phải nằm chung một giường; tính công khai, minh bạch trong cung ứng dịch vụ y tế và quyền lợi người tham gia bảo hiểm còn hạn chế; vấn đề y đức xuống cấp trầm trọng; thủ tục hành chính phiền hà,... đã trực tiếp đe dọa phá vỡ ý nghĩa nhân văn trong chính sách BHYT của Đảng và Nhà nước ta.

Theo ĐB, chúng ta đang tiến tới BHYT toàn dân. Sức hút để  người dân mua BHYT chính là chất lượng khám, chữa bệnh phải được nâng cao. Nhưng hiện nay, vẫn còn tồn tại các vấn đề lớn như chất lượng thuốc BHYT chưa cao, tệ “phong bì”, phiền hà, rườm rà trong thủ tục khám chữa bệnh và thanh toán BHYT,... đã góp phần làm cho người mua BHYT tự nguyện vẫn còn thấp, mới đạt 22%. Cần tập trung xử lý, giải quyết cơ bản vấn đề này thì mới thực sự thu hút và bảo đảm quyền lợi người mua BHYT. ĐB cho rằng, một vấn đề nan giải hiện nay mà nhiều cử tri kiến nghị là thủ tục chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT quá phiền hà. ĐB đề nghị cần quy định theo hướng, đối với người có thẻ BHYT được quyền đến khám tại các bệnh viện chuyên khoa và được thanh toán BHYT như tại nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, mà không cần làm thủ tục chuyển viện, nhằm hạn chế thủ tục rườm rà, tốn thời gian, gây bức xúc cho người bệnh.

ĐB cho rằng, hiện nay mức đóng BHYT của nước ta còn thấp nên tổng quỹ BHYT không nhiều. Nếu không nâng mức đóng BHYT sẽ không đủ chi. Ngược lại, nếu nâng mức đóng BHYT thì ảnh hưởng đến người dân. Khoa học ngày càng phát triển thì tiền chi cho việc áp dụng kỹ thuật cao đắt tiền ngày càng tăng, dễ làm bội chi quỹ. Do đó, bảo hiểm xã hội tìm mọi cách hạn chế người cung cấp dịch vụ y tế bằng việc khống chế số dịch vụ kỹ thuật áp dụng trên một người bệnh. Chính điều này làm cho các bệnh viện cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, phát hiện bệnh chậm hơn, chất lượng điều trị kém hơn. Về mặt nhân văn, người dân hoàn toàn được quyền thụ hưởng những thành tựu tiến bộ của y học hiện đại. Để giải quyết vấn đề trên, ĐB đề nghị xem xét tăng mức đóng BHYT của người dân trong một chừng mực nhất định; đồng thời Nhà nước cần có quỹ hỗ trợ phù hợp. Đối với việc thanh toán chi phí BHYT thì không giao bảo hiểm xã hội thực hiện mà cần có một bộ phận trung gian giám định chi độc lập.

Theo ĐB, trên thực tế, tại các tỉnh miền núi do dân cư phân tán, đi lại khó khăn, xa bệnh viện, dù có bệnh nhưng người dân cũng ít đến bệnh viện nên quỹ BHYT kết dư cao; còn tại các thành phố lớn thì bội chi quỹ. ĐB nhận định, điều này có nghĩa là người nghèo tham gia BHYT để bù đắp chi phí khám chữa bệnh cho người giàu, là một nghịch lý không thể chấp nhận được. ĐB đề nghị số tiền kết dư cần đầu tư trở lại cho địa phương để tổ chức cung ứng dịch vụ, nâng cấp kỹ thuật y tế, mua sắm phương tiện vận chuyển để người dân được hưởng lợi một cách công bằng.

Hữu Hoa