Tiếp tục tuyên chiến với sốt xuất huyết

Thứ ba, 22/08/2017 09:37

Đó là chủ đề của chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến do Báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức vào chiều 21-8. Đây là hoạt động nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc phòng bệnh và đưa ra những khuyến cáo cần thiết để người dân hiểu rõ hơn về cách phòng ngừa, phát hiện và điều trị bệnh SXH.

Diệt lăng quăng, bọ gậy-nguồn trong các dụng cụ sinh hoạt để ngăn không cho muỗi đẻ trứng. 

Hơn 30 dụng cụ trong hộ gia đình có lăng quăng, bọ gậy

Tình hình SXH của Việt Nam đang diễn biến khá là phức tạp. Đến nay, cả nước đã ghi nhận trên 90.000 ca mắc, 27 trường hợp tử vong, rải rác ở 61 tỉnh thành, tập trung nhiều ở các địa phương như: Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng... Theo Ths.Bs. Nguyễn Đức Khoa - Phó trưởng Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh SXH truyền qua muỗi, hiện nay SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccin phòng bệnh ở Việt Nam. Muỗi truyền SXH có đặc điểm ở trong các hộ gia đình, muỗi đẻ trứng ở các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà, biện pháp phun hóa chất chỉ là biện pháp tức thời. Chính vì vậy, biện pháp phòng SXH vẫn là diệt muỗi và lăng quăng, bọ gậy. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả trong công tác phòng chống bệnh SXH, cần thực hiện đồng bộ, huy động mọi người tổ chức diệt lăng quăng bọ gậy, làm sạch vệ sinh môi trường. "Bệnh SXH lây truyền qua muỗi. Muốn phòng bệnh SXH nên phòng tránh muỗi đốt, diệt lăng quăng, bọ gậy; phòng tránh muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài, ngủ màn..., muỗi SXH thường đốt vào buổi sáng và chiều tối. Mọi người có thể diệt muỗi bằng hóa chất, vợt điện, đèn bẫy muỗi, ngăn muỗi không vào nhà bằng cách dùng rèm che, lâu dài, mọi người cần diệt lăng quăng bọ gậy. Vừa rồi chúng tôi thống kê được có hơn 30 dụng cụ trong hộ gia đình có lăng quăng, bọ gậy. Những bể nước, chúng ta có thể thả cá, các bể nước ở công trình xây dựng có thể dùng hóa chất diệt. Thường xuyên thay rửa các chậu chứa nước. Muỗi truyền bệnh SXH thường đẻ ở mép nước, có thể dùng bàn chải cọ kỹ. Ngoài ra còn có khay nước tủ lạnh, lọ hoa, khay kê chạn... có thể bỏ muối hoặc dầu vào không để muỗi đẻ vào. Hoặc thu dọn các vật dụng có khả năng chứa nước như máng chăn nuôi, lốp xe, tàu lá..., để muỗi đẻ vào, cần thu gom, tiêu hủy hoặc chôn lấp những vật dụng như vậy. Đây là các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng ở trong và quanh nhà...", Ths.Bs. Nguyễn Đức Khoa khẳng định.

Trong đời mỗi người có thể nhiều lần mắc SXH

Theo Gs.Ts. Phạm Nhật An - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, SXH ở Việt Nam chủ yếu là SXH Dengue, triệu chứng gây bệnh hoàn toàn giống nhau ở cả người lớn và trẻ em nhưng đặc điểm khác nhau. Thứ nhất là ở trẻ em thường có nhiều trường hợp diễn biến nặng hơn do trẻ có sức đề kháng kém hơn ở người lớn, đáp ứng miễn dịch của trẻ kém hơn... Thứ hai, trẻ là đối tượng dễ bị lây nhiễm hơn vì trẻ không thể tự bảo vệ được mình trong khi muỗi SXH Dengue có thể đốt cả ban ngày lẫn ban đêm, thường là khi nhập nhoạng tối. Nhiều trường hợp bệnh nhi diễn biến nặng và nhanh. Gs. Ts Phạm Nhật An cho rằng: "SXH thường chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn sốt thường 1-3 ngày, giai đoạn nguy hiểm trong khoảng 3-7 ngày, sau 7 ngày là giai đoạn hồi phục. Nhưng tôi đã gặp nhiều trường hợp trẻ em ngay trong giai đoạn sốt đã có diễn biến nặng, ngược lại trong giai đoạn hồi phục vẫn có những diễn biến nặng. Thực chất các triệu chứng chung không khác nhau nhiều nhưng diễn biến và việc có thể mắc và các biến chứng thì ở trẻ em cần phải chú ý hơn".

Cũng theo Gs.Ts. Phạm Nhật An, SXH Dengue có những đặc điểm phân biệt với các loại sốt khác vì thực chất nguyên nhân sốt hàng đầu ở trẻ em là viêm nhiễm ở đường hô hấp trên mà hầu hết là do virus, triệu chứng cũng có sốt giống triệu chứng cúm. Tuy nhiên SXH Dengue có những điểm khác cần lưu ý gồm: SXH Dengue thường là sốt đột ngột, nhanh, sốt cao liên tục, dùng thuốc hạ sốt chỉ giảm chứ không về lại bình thường (khác với sốt ở cảm cúm hoặc do các loại virus khác là khi dùng hạ sốt có thể trở lại bình thường). Thứ hai là SXH Dengue thường làm đứa trẻ mệt mỏi, chán ăn. Virus SXH Dengue ngoài gây sốt còn có thể gây tổn thương ở những cơ quan khác (gây viêm dạ dày, đau mỏi cơ, khớp...). Thứ ba là đặc điểm cũng không dễ nhận thấy nhưng với các thầy thuốc có thể thấy được đó là da đứa trẻ có thể hơi phù nề, xung huyết. Đấy là những dấu hiệu cần lưu ý với SXH Dengue, đặc biệt là trong vụ dịch vì SXH Dengue là bệnh dịch theo mùa... BsCk 2. Nguyễn Hồng Hà - Nguyên phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cho rằng, khi bệnh nhân bị SXH, hầu hết bệnh nhân rất mệt mỏi và đều đến bệnh viện khám. Nếu bệnh nhân ở nhà thì không biết liệu mình có bị SXH hay không. Nếu sốt trong 1-2 ngày đầu nên đến bệnh viện để khám, xác định xem có phải bị SXH hay không. Hiện nay có test xét nghiệm kháng nguyên NS1 của virus dengue. Trong 3 ngày đầu, nếu bệnh nhân không bị sốt quá cao, nôn, bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân ở nhà điều trị theo dõi. Điều quan trọng là giai đoạn 2, tức là từ ngày thứ 4 trở đi rất nguy hiểm, cần phải đi khám, bác sĩ sẽ xem bệnh nhân có bị giảm tiểu cầu, hay cô đặc máu hay không để điều trị kịp thời. Một số dấu hiệu cảnh báo như mệt quá nhiều, ly bì, kích thích vật vã,  đau bụng, đau ở vùng gan, xuất huyết bất thường, xuất huyết tiêu hóa, rong kinh, các biểu hiện thoát dịch, nôn nhiều liên tục .... thì bệnh nhân cần đến bệnh viện ngay. "Bệnh SXH dengue có 4 tuýp huyết thanh, do vậy trong đời mỗi người có thể có nhiều lần mắc. Nói chung thường sau 2 lần mắc, miễn dịch tương đối bền vững có thể bảo vệ được cả 4 tuýp. Tuy nhiên ở lần nhiễm thứ 2 thường có diễn biến nặng vì kháng thể lần trước không ngăn cản được virus lần 2,  nó tạo điều kiện cho các virus xâm nhập vào cơ thể nhanh hơn, nhân lên nhanh hơn, khi các tế bào vỡ ra giải phóng các chất hóa học trung gian, chính các chất này tác động các tế bào lot của thành mạch làm tổn thương thành mạch, làm albulmin thoát ra ngoài gây mất nước. Bs.CK2  Nguyễn Hồng Hà khẳng định:

Biến chứng của SXH rất khó biết trước. Hầu hết những người mắc SXH những ngày đầu đều như nhau. Biến chứng thường xuất hiện từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7, nên việc theo dõi rất quan trọng. Bs CK 2. Nguyễn Hồng Hà khẳng định: "Có những dấu hiệu báo trước có thể xảy ra nặng như rối loạn tri giác, ly bì, kích thích vật vã, đau bụng, đau vùng gan, xuất huyết bất thường, có thể thấy ứ dịch, siêu âm có thoát dịch màng bụng, màng phổi, xét nghiệm máu có hạ tiểu cầu,... nhiều trường hợp bệnh nhân rất to khỏe nhưng vẫn có biến chứng. Với những trường hợp này cần cấp cứu xử trí trong vòng 24-48 giờ, phải duy trì được thể tích tuần hoàn tốt, đảm bảo tưới máu cho tổ chức tốt. Nếu để bệnh nhân đến muộn, có sốc, không mạch hay huyết áp dễ dẫn đến tử vong. Trường hợp nữa cũng dễ tử vong là xuất huyết nội tạng, đó là do rối loạn quá trình đông máu nhất là đông máu trong lòng mạch, gây chảy máu. Thường do liên quan đến sốc mà không giải quyết được. SXH nặng nề là do ứ dịch ở màng phổi, màng bụng, mô... làm bệnh nhân giảm máu tưới nuôi các cơ quan nội tạng, dễ dẫn tới suy đa tạng..."

LÊ HÙNG