TikTok - Trận tuyến mới giữa Mỹ - Trung

Thứ ba, 14/07/2020 09:36

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo xác nhận Mỹ đang cân nhắc cấm các ứng dụng truyền thông xã hội Trung Quốc, bao gồm TikTok. Như vậy, TikTok là một trong các ứng dụng nổi bật của Trung Quốc tiếp theo rơi vào tầm ngắm của chính phủ Mỹ kể từ khi Washington phát động chiến dịch chống lại Cty công nghệ Trung Quốc, tiêu biểu là Huawei.

TikTok luôn khẳng định không liên quan đến chính phủ Trung Quốc. Ảnh: Shutterstock.

“Nghiêm túc xem xét”

Trong cuộc phỏng vấn với Fox News hôm 6-7, ông Pompeo nhấn mạnh Mỹ đang “rất nghiêm túc” xem xét quyết định này. Khi được hỏi liệu Mỹ có nên thực hiện lệnh cấm như trên hay không, đặc biệt là với TikTok, ông Pompeo trả lời: “Về việc các ứng dụng Trung Quốc xuất hiện trên điện thoại của mọi người, tôi có thể đảm bảo rằng Mỹ sẽ buộc điều này đi đúng hướng. Tôi không muốn nói gì trước Tổng thống Donald Trump, nhưng đây là thứ chúng tôi đang cân nhắc”. Ngoại trưởng Mỹ cũng nói thêm rằng người Mỹ nên tải ứng dụng trên “chỉ khi quý vị muốn thông tin của quý vị rơi vào tay” Trung Quốc.

Trước đó, các nghị sĩ Mỹ bày tỏ mối lo ngại về an ninh quốc gia liên quan tới cách TikTok xử lý dữ liệu của người dùng. Các nghị sĩ cho biết họ quan ngại về luật lệ của Trung Quốc liên quan tới việc yêu cầu các công ty nội địa phải “ủng hộ và hợp tác với hoạt động tình báo” của Bắc Kinh. Trước đây, các quan chức Lầu Năm Góc cũng đã yêu cầu các binh sĩ Mỹ không sử dụng ứng dụng này bởi nghi ngờ chúng hoạt động gián điệp, theo dõi người dùng. Hồi tháng 1, Quân đội Mỹ đã cấm binh sĩ sử dụng ứng dụng TikTok của Trung Quốc do lo ngại những vấn đề an ninh mạng. Quyết định mới được đưa ra đã yêu cầu các binh sĩ Mỹ không sử dụng ứng dụng video ngắn này trên điện thoại do Chính phủ Mỹ cấp. Trang mạng Military.com đăng tải quyết định này cho thấy, Quân đội Mỹ đã ban hành các tài liệu hướng dẫn cho binh sĩ phản ứng khi nhận được các tin nhắn bất thường cũng như cách bảo vệ thông tin cá nhân của mình.

Nền tảng có nguồn gốc từ Trung Quốc này đã phổ biến trong quân đội Mỹ. Không có thông tin chi tiết nào đề cập đến số lượng người dùng TikTok là binh sĩ Mỹ nhưng dựa trên các hashtag phổ biến liên quan đến nội dung quân sự, có thể thấy số lượng quân nhân Mỹ sử dụng ứng dụng này không phải là ít, thậm chí có thể đến hàng trăm nghìn người.

Tuyên bố của ông Pompeo được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ- Trung đang leo thang trên hàng loạt các lĩnh vực từ chiến tranh thương mại, cách xử lý dịch Covid-19, tới tình hình Hồng Kông, vấn đề Biển Đông. Gần đây, Ấn Độ cấm ứng dụng này cùng 58 ứng dụng khác trong bối cảnh căng thẳng Trung - Ấn leo thang vì vụ đụng độ gây chết người hồi tháng trước ở khu vực tranh chấp chủ quyền. Phía Ấn Độ nói rằng động thái của họ được thực hiện vì lo ngại vấn đề an ninh quốc gia và quyền riêng tư cá nhân. “Các ứng dụng này được sử dụng trong các hoạt động gây tổn hại cho chủ quyền và sự toàn vẹn của Ấn Độ, quốc phòng của Ấn Độ, an ninh quốc gia và trật tự công cộng”, Bộ Công nghệ Thông tin Ấn Độ cho biết trong thông báo. Ở Australia, Chủ tịch Ủy ban lập pháp đang xem xét sự can thiệp của nước ngoài qua TikTok cùng các nền tảng khác. Mục tiêu của cuộc điều tra là làm rõ cách các nền tảng truyền thông xã hội tiếp cận quyền riêng tư của người dùng thế nào và cách kiểm duyệt nội dung của họ.

Không liên quan đến chính phủ Trung Quốc?

TikTok là ứng dụng quay video ngắn của Cty ByteDance có trụ sở ở Trung Quốc. TikTok được thiết kế để không thể truy cập tại Trung Quốc đại lục. Đây là một phần chiến lược của hãng nhằm thu hút người dùng toàn cầu. TikTok luôn cố tìm cách khẳng định không liên quan đến chính phủ Trung Quốc để thu hút người dùng toàn cầu.

Gần đây, ban lãnh đạo Cty ByteDance cũng đang xem xét thành lập Ban giám đốc mới cho TikTok và xây dựng một trụ sở mới cho ứng dụng bên ngoài Trung Quốc. “TikTok do CEO người Mỹ dẫn dắt với hàng trăm nhân viên, lãnh đạo chủ chốt về an toàn, an ninh, sản phẩm và chính sách cộng đồng tại Mỹ”, người phát ngôn TikTok cho biết trong thông báo phát đi sau bình luận của ông Pompeo. “Chúng tôi không có ưu tiên nào cao hơn việc thúc đẩy trải nghiệm an toàn và bảo mật cho người dùng. Chúng tôi không bao giờ cung cấp dữ liệu người dùng cho chính phủ Trung Quốc và sẽ không làm vậy nếu được yêu cầu”.

Hôm 6-7, TikTok cũng thông báo sẽ rời khỏi thị trường Hồng Kông trong vài ngày sắp tới, không lâu sau khi Trung Quốc áp luật an ninh quốc gia với đặc khu hành chính này. “Trước những sự kiện gần đây, chúng tôi đã quyết định ngưng hoạt động của ứng dụng TikTok tại Hồng Kông”, theo phát ngôn viên của TikTok. Sau khi Trung Quốc áp luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông, Facebook, WhatsApp, Twitter, Google và Telegram thông báo “tạm dừng” hợp tác với các yêu cầu cung cấp thông tin người dùng từ chính quyền Hồng Kông để “đánh giá lại luật an ninh quốc gia Trung Quốc” áp dụng ở thành phố này. Trước đây, TikTok khẳng định sẽ không đáp ứng bất cứ yêu cầu nào của chính phủ Trung Quốc về việc kiểm duyệt nội dung hoặc cung cấp thông tin người dùng. TikTok cũng cho biết chưa bao giờ nhận được yêu cầu như vậy.

AN BÌNH