Tìm lối thoát cho Syria

Thứ năm, 23/01/2014 09:46

(Cadn.com.vn) - Các cường quốc cùng với các phe phái ở Syria ngày 22-1 đã tề tựu về Montreux, Thụy Sĩ, với tham vọng tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị ở quốc gia Trung Đông, song xem ra khó thành công.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã khai mạc Hội nghị hòa bình quốc tế về Syria (Genève II) vốn được mong chờ từ lâu với nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu kéo dài đã cướp đi sinh mạng của hơn 130.000 người. Theo lịch trình, hội nghị bắt đầu tại Montreux sau đó sẽ diễn ra ở Genève.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon (thứ hai từ trái sang) và đại diện các nước
tại phiên mở màn hội nghị. Ảnh: Reuters

Nhiều tham vọng...

“Các phe phái ở Syria có thể mang lại một khởi đầu mới... Hội nghị này là cơ hội để các bạn thể hiện tinh thần đoàn kết”, ông Ban phát biểu trước các đại diện đến từ 2 bên trong cuộc nội chiến ở Syria và khoảng 40 quốc gia khác.

Theo ông, sau gần 3 năm trải qua xung đột đau đớn, hôm nay là “một ngày của hy vọng”. “Các bạn có cơ hội rất lớn và hãy có trách nhiệm để mang lại hạnh phúc cho người dân Syria”, người đứng đầu cơ quan quyền lực nhất thế giới nhấn mạnh. Ông Ban khẳng định, người Syria chịu trách nhiệm chính trong việc chấm dứt nội chiến đồng thời hối thúc các bên tham chiến nắm bắt cơ hội để giải quyết xung đột. Hội nghị lần này đánh dấu lần đầu tiên kể từ khi bùng phát xung đột, cả hai phe ở Syria cùng ngồi lại với nhau. Tuy nhiên, không có cuộc đàm phán trực tiếp nào được lên kế hoạch cho đến ngày 24-1.

Tại hội nghị dự kiến kéo dài 10 ngày này, các nước tham gia, phe đối lập và cả phe chính phủ Syria cũng đều có bài phát biểu quan trọng. Trong ngày mở màn, 40 ngoại trưởng các quốc gia trên thế giới có bài phát biểu về vấn đề Syria, trong đó tập trung vào tương lai Tổng thống Bashar al-Assad. Tuy nhiên, ngay trong những bài phát biểu này đều cho thấy các quan điểm trái ngược. Trong bài phát biểu gây chú ý, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố, “không có cách nào” để Tổng thống Assad có thể tiếp tục tham gia vào chính quyền chuyển tiếp.

...ít thành công

Xem ra, triển vọng thành công cho hội nghị này khá mờ mịt.

Phe đối lập Syria đang hướng đến hội nghị với mục đích duy nhất - lật đổ Tổng thống Assad - trong khi phe chính quyền nói rằng, bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc loại bỏ nhà lãnh đạo này sẽ là “giới hạn đỏ” không thể vượt qua. Ngay trước thềm khai mạc Genève II, Ngoại trưởng Syria Walid Muallem tuyên bố, “vấn đề của Tổng thống Assad và chế độ Damacus là những giới hạn đỏ đối với chúng tôi và người dân Syria. Không ai có thể động tới vị trí này”.

Iran – quốc gia hụt đi đến Montreux vào phút chót cũng cho rằng, hội nghị lần này trên thực tế đã thất bại ngay từ khi nó bắt đầu. Hãng thông tấn IRNA ngày 22-1 dẫn lời Tổng thống Hassan Rouhani nói: “Do thiếu vắng sự tham dự của các đối tác có ảnh hưởng (Iran –PV), tôi nghi ngờ về khả năng thành công của Hội nghị Genève II trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố cũng như trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria”.

Mặc dù kỳ vọng là thấp, nhưng các nhà ngoại giao hàng đầu trên toàn thế giới cho rằng, các bên nên nghĩ thoáng rằng, hội nghị lần này chỉ đơn giản là kéo hai phe ở Syria lần đầu tiên ngồi lại với nhau. “Thật là sai lầm khi mong đợi về bất kỳ bước đột phá lớn nào trong vài ngày tới”, Ngoại trưởng Anh William Hague nhận định. “Mọi người phải hiểu rằng, đây là sự khởi đầu của một quá trình. Sẽ không có thành công nhanh chóng mà phải trải qua một chặng đường dài gay gắt”, một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Xung đột kinh hoàng ở Syria bắt đầu từ tháng 3-2011 khi ngọn gió  “Mùa xuân Arab” lan tỏa khắp Arab, Trung Đông và Bắc Phi. Khác với các quốc gia khác, “Mùa xuân Arab” ở Syria như được thêm sức lực từ những mâu thuẫn nội bộ tiềm tàng, trở thành siêu bão từng bước quật ngã quốc gia Trung Đông này. Những tháng gần đây, cuộc xung đột rơi vào bế tắc tàn bạo - với số người chết tăng lên trong khi không bên nào có dấu hiệu nhượng bộ.

Giờ đây, Mỹ, vốn hỗ trợ phe đối lập và kêu gọi ông Assad phải từ chức, cùng với Nga, sẽ nỗ lực để thúc đẩy các cuộc đàm phán bên bàn hội nghị. Tuy nhiên, công việc này sẽ vô cùng khó khăn. Xem ra “lành ít, dữ nhiều”.

Khả Anh