Tìm tương lai nào cho những người nhập cư Malaysia?
(Cadn.com.vn) - Malaysia được cho là “thiên đường sống” của những người nhập cư ở Châu Á, đặc biệt là những người Hồi giáo Rohingya đến từ Myanmar và Bangladesh. Tuy nhiên, tương lai của những người nhập cư ở đây không sáng sủa như họ mong đợi.
Karisma, 13 tuổi, mặc đồng phục học sinh màu tím và khăn trùm đầu màu đen, dễ dàng hòa nhập với các học sinh Malaysia khác. Cô bé sinh ra tại Malaysia, nhưng các nhà chức trách muốn cô bé nhanh chóng rời khỏi đây. Cha mẹ cô là người nhập cư Philippines làm việc trên các công trường xây dựng tại thị trấn Lahad Datu ở Sabah, bang phía đông Malaysia, nằm trên đảo Borneo. Karisma là một trong số hơn 100.000 trẻ em tại Malaysia không có giấy tờ hợp lệ.
Con cái của những người nhập cư có tay nghề thấp ở Malaysia không được học ở các trường của chính phủ. Ảnh: BBC |
Quá nhiều khó khăn
“Chỉ một vài người trong số họ có giấy khai sinh nhưng ngay cả những người có giấy khai sinh cũng không được đi học tại các trường công ở đây”, Torben Venning, một người Đan Mạch làm việc với những đứa trẻ con của những người nhập cư ở Sabah, cho biết.
Theo luật nhập cư Malaysia, lao động nước ngoài có tay nghề thấp không được phép có gia đình. Đó là một trong những biện pháp để hạn chế số lượng người nhập cư. Vì vậy, Karisma chỉ có thể nhận được nền giáo dục thông qua các trung tâm do ông Venning và vợ thành lập - tổ chức từ thiện PKPKM Sabah.
Hiện có những dấu hiệu cho thấy cuộc sống của con cái của những người nhập cư đang ngày càng khó khăn. Hơn 100 gia đình đến từ Philippines và Indonesia định cư tại làng Lobang gần trung tâm thị trấn. Đầu năm nay, một đám cháy lớn xảy ra, phá hủy tất cả nhà cửa. Bà Jahara Binti Sangkola, cư dân trong làng cho biết không còn nơi nào để đi. Bà đến đây khoảng 30 năm trước. Con trai của bà, Jainol, được sinh ra ở Malaysia nhưng không thể tìm được việc làm vì không được coi là người Malaysia. “Thật khó để chúng tôi kinh doanh một thứ gì đó”, anh nói.
Giảm nguồn lao động nước ngoài
Kế hoạch kinh tế 2011-2015 của Malaysia cho rằng, đất nước đang quá phụ thuộc vào lao động nước ngoài giá rẻ, có tay nghề thấp và sự phụ thuộc này cần phải được “giảm dần”.
Số liệu thống kê chính thức cho thấy, lượng người nhập cư có tay nghề thấp tăng gấp đôi trong vòng 15 năm qua, lên mức 2 triệu người. Ngoài ra, các nhóm nhân quyền ước tính còn có 2 triệu người nhập cư bất hợp pháp tại Malaysia. Hầu hết trong số họ đang cố gắng để thoát khỏi đói nghèo hoặc từ các cuộc xung đột ở các nước như Myanmar, Nepal, Bangladesh, Philippines…
Họ làm việc trong các lĩnh vực xây dựng, trồng trọt và chế tạo – những việc mà người Malaysia không muốn làm. Theo nhà kinh tế học Yeah Kim Leng, nhiều ngành công nghiệp cần nhiều lao động ở Malaysia đã hưởng lợi rất lớn từ lực lượng lao động nước ngoài nhưng chính phủ không nghĩ như vậy. Các doanh nghiệp cũng không mong muốn điều này. Họ cho rằng, lao động di cư khiến người dân địa phương mất việc làm.
Ông Yeah cho rằng, quá trình chuyển đổi sẽ dễ dàng hơn khi cơ cấu kinh tế thay đổi. Cho đến lúc đó, ông Yeah nói rằng, chính phủ sẽ trở nên thực dụng bằng cách cho phép nhiều người lao động nước ngoài khi nền kinh tế phát triển, và hạn chế cấp thị thực cho họ khi xảy ra suy thoái. Một chủ doanh nghiệp cho biết, bà dựa vào lao động nước ngoài nhưng không muốn những người nhập cư và con cái có nhiều quyền hơn.
Giờ đây, hy vọng đặt vào tổ chức từ thiện PKPKM Sabah – nơi tuyên bố sẽ mở một trung tâm học tập cho những trẻ em không có giấy tờ trên khắp thị trấn. “Khi cháu lớn lên, cháu muốn trở thành đầu bếp ở Malaysia”, cậu bé 12 tuổi Mark Devilleres nói. Tuy nhiên, ước mơ của cậu bé không dễ thành hiện thực.
An Bình
(Theo BBC)