Tình thế “tiến thoái lưỡng nan”

Thứ tư, 04/07/2018 08:20

Với một tập hồ sơ chính trị liên quan chặt chẽ đến cam kết giải quyết vấn đề công dân bị bắt cóc, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã mạnh dạn yêu cầu Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa việc công dân Nhật bị bắt cóc thời Chiến tranh Lạnh lên bàn Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi tháng 6.            

Sau cái gật đầu chấp thuận chính thức của Bình Nhưỡng với việc 5 công dân Nhật được trở lại quê hương vào năm 2002 và 2004 cũng như tuyên bố 12 người bị bắt cóc còn lại không còn sống, Triều Tiên xem vấn đề bắt cóc này đã được giải quyết. Không tin vào tuyên bố của Bình Nhưỡng, Tokyo nằng nặc đòi xem xét lại vấn đề này, như một điều kiện tiên quyết để bình thường hóa quan hệ ngoại giao và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên.

Nhưng tình hình giảm nhiệt trên bán đảo Triều Tiên đang làm phức tạp những nỗ lực của ông Abe trong việc giải quyết vấn đề bắt cóc. Nhà lãnh đạo Nhật rõ ràng phải đi theo con đường của Mỹ về vấn đề Triều Tiên và sửa đổi hoàn toàn lập trường cứng rắn của Tokyo, hoặc tiếp tục nhấn mạnh đến việc giải quyết vấn đề bắt cóc như một điều kiện tiên quyết cho sự tiến bộ trong quan hệ Nhật-Triều.

Tuyên bố của ông Trump về việc ủng hộ cho các mối quan tâm an ninh của Nhật với Triều Tiên trước khi Hội nghị Thượng đỉnh Trump-Kim diễn ra ở Singapore cho thấy, những nỗ lực của Thủ tướng Abe trong việc nuôi dưỡng quan hệ chặt chẽ với Tổng thống Trump sẽ được đền đáp. Nhưng sự chuyển hướng đột ngột và dường như không được phối hợp của ông chủ Nhà Trắng từ chiến dịch “áp lực tối đa” đã gây ra những lo ngại lớn ở Nhật, nơi mà người dân thất vọng trước tuyên bố chung Mỹ - Triều.

Thực tế, tuyên bố chung không đề cập đến vấn đề bắt cóc, cũng không phác thảo một lộ trình rõ ràng để phi hạt nhân hóa hoàn toàn hoặc phá hủy các tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Triều Tiên và vũ khí hạt nhân.  Việc tái lập quan hệ Mỹ - Triều đã buộc Nhật phải đánh giá lại chính sách của Bình Nhưỡng. Sau khi cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il chính thức thừa nhận vấn đề bắt cóc tại hội nghị thượng đỉnh Nhật - Triều năm 2002, phản ứng dữ dội trong nước ở Nhật Bản đã ngăn cản tiến trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Giờ đây, giới tinh hoa bảo thủ của Nhật dựa vào vấn đề bắt cóc để kêu gọi cải cách toàn diện hiến pháp sau chiến tranh của Nhật. Vấn đề đặt ra ở đây là, với họ, những vụ bắt cóc của Triều Tiên cho thấy sự yếu kém của Nhật Bản trong việc bảo vệ công dân của mình.

Trách nhiệm trên vai ông Abe rất nặng nề. Giải quyết vấn đề tên lửa và khủng hoảng hạt nhân của Triều Tiên sẽ làm suy yếu nỗ lực của Abe nhằm sửa đổi hiến pháp sau chiến tranh của Nhật Bản.

THANH VĂN