Tình tiết mới gây tranh cãi trong vụ bắt giữ “công chúa” Huawei
Các luật sư của bà Mạnh Vãn Chu - Giám đốc Tài chính (CFO) của tập đoàn công nghệ khổng lồ Huawei, đã liệt kê chi tiết danh sách email, ghi chú và các hồ sơ khác để tìm cách chứng minh rằng, cảnh sát Canada đã vi phạm các quyền cơ bản của bà Mạnh trong quá trình bắt giữ bà vào tháng 12-2018 tại sân bay Vancouver.
Bà Mạnh Vãn Chu ra về sau phiên điều trần tại Tòa án British Columbia ở Vancouver, Canada. Ảnh: AFP |
Vụ bắt giữ “công chúa” Huawei lại bất ngờ bùng nổ những tranh cãi mới, liên quan đến việc các cơ quan chức năng Canada đã thu giữ các thiết bị điện tử của bà Mạnh, một hành động bị cáo buộc vi phạm các quyền cơ bản của vị nữ doanh nhân này.
Hãng tin AP ngày 2-10 đưa tin: Tại phiên tòa ngày 1-10 ở British Columbia, tình tiết mới gây tranh cãi này đã được tiết lộ. Theo nguồn tin, chính Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã yêu cầu Canada tịch thu ngay lập tức và niêm phong các thiết bị điện tử mà bà Mạnh đem theo và gửi sang Mỹ.
CÓ HAY KHÔNG CÓ “ĐỘNG CƠ CHÍNH TRỊ”?
Bà Mạnh, 47 tuổi bị Canada bắt vào tháng 12-2018 tại Vancouver theo yêu cầu của Mỹ. Con gái của nhà sáng lập Huawei, ông Nhậm Chính Phi bị cáo buộc đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ khi làm ăn với Iran. Phía Mỹ đã yêu cầu Canada cho dẫn độ bà Mạnh sang nước này để điều tra, cáo buộc tội gian lận ngân hàng và bị buộc tội lừa dối ngân hàng HSBC về việc kinh doanh của Huawei tại Iran. Tuy nhiên, bà Mạnh kiên quyết khẳng định mình vô tội và đang chiến đấu việc dẫn độ của Washington.
Hiện các luật sư của bà đã tìm nhiều cách để trì hoãn việc dẫn độ sang Mỹ, bao gồm cả việc viện dẫn phát biểu của ông Trump về Huawei và cuộc chiến thương mại đang căng thẳng giữa Mỹ - Trung để chứng minh có “động cơ chính trị” trong vụ bắt giữ này. Và giờ đây, họ đang dần thay đổi chiến thuật, bằng việc chuyển sang tìm bằng chứng cho thấy cảnh sát Canada đã vi phạm các quyền cơ bản của bà Mạnh trong quá trình bắt giữ. Các luật sư của cáo buộc các nhân viên công vụ của Cơ quan Biên phòng Canada (CBSA), Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) và FBI đã “bắt tay” điều tra thân chủ của mình ngay tại sân bay Vancouver, vi phạm các quyền của bà Mạnh theo hiến pháp. Các luật sư cũng liệt kê chi tiết danh sách email, ghi chú và các hồ sơ khác để tìm cách chứng minh rằng, cảnh sát Canada đã vi phạm các quyền cơ bản của bà Mạnh trong quá trình bắt giữ bà vào tháng 12-2018 tại sân bay Vancouver.
Tại Tòa án Tối cao British Columbia ngày 1-10, các luật sư cho biết đang tìm kiếm thêm tài liệu từ CBSA, RCMP và cả Bộ Tư pháp Canada (DOJ). Tuy nhiên, họ cho biết gặp nhiều khó khăn trong quá trình này và cáo buộc giới chức trách Canada đang bưng bít các thông tin.
PHÍA CANADA NÓI GÌ?
Đáp lại những cáo buộc này, luật sư đại diện cho chính phủ Canada, Diba Majzub nói rằng, các nhân viên của CBSA đã cung cấp cho cảnh sát mật khẩu của các thiết bị điện tử cá nhân của bà Mạnh. Tuy nhiên, ông Majzub nhấn mạnh đây không phải là hành động có chủ ý, mà chỉ là một sơ suất. Theo những thông tin công bố tại tòa, các nhân viên CBSA thẩm vấn bà Mạnh 3 giờ tại sân bay Vancouver trước khi cảnh sát tạm giam vị nữ lãnh đạo của Huawei. Các nhân viên CBSA đã thu giữ điện thoại di động, máy tính bảng, cùng một số thiết bị khác và viết mật khẩu của bà Mạnh vào một mảnh giấy, sau đó chuyển giao cho RCMP. CBSA sau đó phát hiện ra sơ suất trên và yêu cầu cảnh sát không được dùng hay chia sẻ mật khẩu này.
Trong một tuyên bố, RCMP cũng khẳng định không sử dụng mật khẩu hay truy cập các thiết bị này. Trong khi đó, công tố viên Canada Robert Frate cũng tuyên bố, trong vụ bắt giữ bà Mạnh, các hành động của các nhân viên công vụ Canada không có gì sai trái và theo đúng chức năng, nhiệm vụ của họ. Ông Frater khẳng định, việc thẩm vấn bà Mạnh tại sân bay gần như không thể giấu giếm, vì các hành động đều được ghi âm, ghi hình và ghi chép lại. Ông Frater cũng cho biết, mặc dù các thiết bị điện tử của bà Mạnh bị thu giữ, nhưng không hề bị lục soát.
Bất chấp những lời giải thích này, các luật sư của bà Mạnh vẫn đang chiến đấu hết mình chống lại lệnh dẫn độ của Mỹ, nhất là khi phiên tòa xem xét dẫn độ bà được mở vào tháng 1-2020. “Nếu cuối cùng chúng tôi có thể chứng minh các quan chức Canada lạm dụng thẩm quyền của họ, thủ tục dẫn độ phải dừng lại”, nhóm luật sư của bà Mạnh khẳng định.
KHẢ ANH