Tình yêu trên tuyến lửa Trường Sơn (Kỳ 1: Dấu ấn đường 20 quyết thắng)
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, dãy núi Trường Sơn chạy dọc miền trung Việt Nam được xem là mạng lưới giao thông quân sự chiến lược quan trọng, cung cấp binh lực, vũ khí... để chi viện cho tuyến miền Nam. Đây là tuyến lửa ác liệt khi lực lượng quân sự Mỹ liên tục ném bom đánh phá bằng các chiến dịch bộ binh và không quân. Trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại ấy, ngoài lưu giữ những dấu ấn lịch sử một thời còn lưu giữ những tình yêu đẹp. Đó là tình yêu đôi lứa được ươm mầm, trải qua bao thử thách của bom đạn hòa quyện với tình yêu đất nước son sắt, thủy chung.
Đại đội 168 vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND. |
100 ngày đêm mở đường
Ngày 27-7-1965, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai Trần Văn Thân (1942, quê ở xã Hưng Khánh, H. Hưng Nguyên, Nghệ An) cùng với 600 chiến sĩ được tuyển chọn từ 40 đại đội TNXP Nghệ An vào Trường Sơn phục vụ cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước. Sau gần 1 tháng băng rừng, hành quân ngày đi đêm nghỉ, vượt qua đạn bom, sông suối, đèo dốc, đại đội đã có mặt ở ở làng Ho, xã Kim Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình. "Chiều hôm đó, ngày 2-9-1965, đơn vị TNXP Nghệ An dừng chân ở chân đèo 1001. Lần đầu tiên những chàng trai trẻ xa quê hương đón Tết độc lập. Đó là cái Tết độc lập đầu tiên và đáng nhớ nhất cuộc đời với những trận mưa rừng xối xả, vắt nhằng nhịt thân to bằng ngón tay luôn sẵn sàng bám vào chân tay hút máu. Lần đầu tiên chúng tôi được thưởng thức thanh lương khô thay cơm trong buổi tối mừng Tết độc lập"-cựu TNXP Trần Văn Thân nhớ lại.
Ngày 3-9-1965, lãnh đạo binh trạm 8 và tuyến 2 thuộc Bộ Tư lệnh 559 đón và giao nhiệm vụ cho đơn vị, trong đó chia làm 3 đại đội, một đại đội vận tải thủy, một đại đội vận tải bằng xe đạp và 1 đại đội hành quân vào trạm 5 làm nhiệm vụ vận tải bộ. Trong hơn 3 tháng thực hiện nhiệm vụ này, có những đồng chí thường xuyên gùi hàng lương thực 60-70kg trên lưng qua dốc cao, suối sâu và đá tai mèo trơn trượt.
Tháng 12-1965, đơn vị nhận nhiệm vụ mới tiến về mở đường 20 Quyết Thắng. Lúc này đơn vị chỉ còn 2 đại đội 166 và 168, gần 1/3 CB, đội viên đã chuyển sang bộ đội nên không còn Đại đội 164. Đường 20 Quyết Thắng được xem là con đường chiến lược, phá thế vận tải độc đạo của hệ thống đường Trường Sơn. Với chiều dài 124km chạy từ Cửa Rừng (xã Sơn Trạch, Quảng Bình) đến ngã ba Đông Dương. Yêu cầu của Bộ Chính trị và Quân ủy trung ương là phải khẩn trương hoàn thành con đường này trong thời gian sớm nhất. Đội TNXP Nghệ An cùng với TNXP Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nam Hà, Ninh Bình và hai trung đoàn công binh quân đội vượt qua bao khó khăn thiếu thốn, con đường hoàn thành sau 100 ngày đêm. Năm 1966, công trường 20 giải thể, Binh trạm 14 của Bộ Tư lệnh 559 ra đời trực tiếp quản lý lực lượng trên truyến 20 Quyết Thắng. Lúc này, hầu hết TNXP Nghệ An chuyển qua bộ đội, Đại đội 3 được thành lập, ông Trần Văn Thân được bầu làm Đại đội phó. "Nhiệm vụ của chúng tôi là đảm nhận giao thông 37km đường từ Km 0 Cửa Rừng (xã Sơn Trạch, H. Bố Trạch, Quảng Bình) vào Km37 Dốc U bò, vừa nâng cấp mặt đường vừa rà phá bom mìn, lấp hố bom đảm bảo ATGT. Đoạn đường này qua nhiều cua dốc suối sâu, đường vòng tay áo. Đây cũng là những nơi trọng điểm mà địch đánh phá ác liệt nhất" - ông Trần Văn Thân kể. Tháng 3-1968, ông Trần Văn Thân được điều động về phụ trách công tác đoàn tại Đội 23. Những năm tháng ấy, đế quốc Mỹ đã thực hiện nhiều trận đánh phá vô cùng ác liệt bằng B52 trên Km 68 đường 20 Quyết Thắng. Tại đây, 8 CBCS của các đơn vị đã hy sinh khi máy bay Mỹ liên tiếp ném bom, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Khoái-Đại đội trưởng, đồng chí Võ Văn Tiến-Trung đội trưởng...
Suốt những năm tháng ấy, trên đường 20 Quyết Thắng, lực lượng TNXP đã phát huy tinh thần cách mạng quê hương Xô Viết anh hùng, bám trụ kiên cường trên các trọng điểm ác liệt ở những thời điểm tưởng chừng như không thể vượt qua được. Với những thành tích trong lao động và chiến đấu, Đại đội TNXP Nghệ An đã hai lần vinh dự đón nhận Huân chương chiến công hạng Nhì và hạng Ba, nhiều bằng khen và giấy khen của các tập thể, cá nhân trong nhiều thành tích, cống hiến tiêu biểu. Ngày 15-7 vừa qua, Đại đội 168 lực lượng TNXP Nghệ An vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Ông Trần Văn Thân với những ký ức oai hùng trên đường 20 Quyết Thắng. |
Trạ Ang mùa thu năm ấy
Mùa xuân 1968, đế quốc Mỹ mở nhiều cuộc tiến công trên các tuyến đường Trường Sơn mà chúng cho là cửa ngõ chi viện các chiến trường miền Nam. Đường 20 Quyết Thắng trong đó có đoạn từ Km12 đến Km 16 có ngầm Trạ Ang được đế quốc Mỹ lựa chọn là điểm để đánh phá. Đây là nơi có địa hình hiểm trở, đường giao thông độc đạo, một bên là vực suối hun hút sâu, một bên là dốc cao chênh vênh với độ cao từ 400-600m, ta-luy dương có độ cao 20-30m, đất đá dễ sạt lở. Cung đường này là "cuống họng" mà từ năm 1966 máy bay Mỹ đã ngày đêm bắn phá với tất cả các loại bom đạn biến nơi đây thành một vùng đất chết. Trong đó, đáng chú ý nhất là cuộc tập kích của không quân Mỹ vào lúc 0 giờ ngày 1-7 kéo dài đến ngày 30-9-1968. Suốt 90 ngày đêm, đế quốc Mỹ đã thực hiện 1.088 trận đánh phá, với 17.208 quả bom thả xuống nơi đây, không kể các loại bom sát thương khác, trong đó có 84 quả trúng đường và 184 quả trúng mục tiêu. Những trận đánh phá ấy đã làm 15 đồng chí TNXP, công nhân viên chức, kỹ sư cầu đường hy sinh, 35 đồng chí bị thương nặng, đất đá sạt lở nghiêm trọng gây tắc đường.
Trải qua 90 ngày đêm sống và chiến đấu trong biển lửa, lực lượng TNXP đã chiến đấu dũng cảm, mưu trí với quyết tâm "một tấc không đi, một ly không rời". Những TNXP đã cùng nhau san lấp hố bom, rà phá bom mìn, làm "cọc tiêu sống" cho từng đoàn xe qua. Trong lúc cùng anh em dùng máy ủi san lấp hố bom, Tiểu đội trưởng Đinh Bạt Tuyên đã anh dũng hy sinh trong loạt bom của giặc.
(còn nữa)
DƯƠNG HÓA