Tòa soạn trong bối cảnh hội tụ truyền thông

Thứ năm, 22/06/2023 21:10
Trong thời kỳ hội tụ truyền thông, mô hình tổ chức và hoạt động tòa soạn báo chí buộc phải có những thay đổi. Quyết định số 1497/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030, trong đó, 80% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ. Đây là một đòi hỏi, một xu hướng tất yếu.

Lợi ích

Mô hình tòa soạn hội tụ, tích hợp, nhiều trong một, bao gồm tất cả loại hình báo chí (báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình,…), được xem là mô hình hiện đại, thông minh, có hiệu quả nhất trong bối cảnh hiện nay.

Mô hình này giúp các tòa soạn đảm bảo nhiều tiêu chí hội tụ như: không gian, nhân lực, phương thức thu thập, nội dung tin tức, phương cách truyền tin, thông tin quảng bá,… Nghĩa là các tòa soạn hội tụ có sự trang bị, hợp nhất về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật hiện đại, cơ cấu tổ chức tinh gọn, phối hợp linh hoạt với các bộ phận trong tòa soạn, đội ngũ nhà báo nhạy bén, thông thạo, làm chủ công nghệ mới, góp phần tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả, chất lượng thông tin, thu hút độc giả cũng như cải thiện hoạt động kinh doanh. Tất cả cùng hợp tác, thu thập, xử lý, đảm bảo đầu ra và đầu vào, đem đến kỹ năng truyền tải thông tin tối ưu nhất, tương tác với công chúng hiệu quả nhất.

Việc tổ chức lại bộ máy vận hành, sản xuất của tòa soạn không chỉ đáp ứng xu thế báo chí hiện đại, thay đổi cách thức làm việc truyền thống, mà còn thỏa mãn đòi hỏi, thị hiếu của công chúng, tạo ra sự tương tác, thúc đẩy sự gắn kết với công chúng. Công chúng tiếp cận thông tin phong phú, đa dạng hơn, ngoài cách đọc truyền thống còn có thể tiếp cận bằng nhiều phương tiện truyền thông khác như hình ảnh, âm thanh, video,… ngay tại bài mà họ đang đọc/xem. Việc bật chế độ chia sẻ (share) thông qua các trang mạng như facebook, zalo, google, zingme,... đã giúp tòa soạn tăng thêm sự ảnh hưởng và sức lan tỏa của tờ báo. Nhiều tờ đã xác tín và tận dụng nguồn tin công chúng gửi đến để có được nguồn tin mới mẻ, nhanh chóng…

Thực tế

Ở Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, báo điện tử VnExpress, báo Nhân dân, báo Tuổi trẻ, báo điện tử VietnamNet, Cổng thông tin điện tử Chính phủ,… được xem là một trong những cơ quan báo chí đã làm chủ, ứng dụng công nghệ mới, chuyển từ báo chí một loại hình sang báo chí đa loại hình, tinh gọn bộ máy tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Không đứng ngoài dòng chảy, một số báo chí địa phương cũng đã và đang xây dựng, vận hành theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện.

Tuy nhiên, nhìn chung, nhiều tòa soạn địa phương chưa thực sự hướng đến mô hình tòa soạn hội tụ, chưa coi trọng báo điện tử, chỉ xem báo điện tử là nơi sao chép, photocopy báo in, chưa có giải pháp hợp lý đổi mới mô hình tổ chức hoạt động trong bối cảnh truyền thông hiện đại. Thách thức đối với nhiều tòa soạn địa phương là nguồn tài chính, cơ sở vật chất và nhân lực còn hạn chế.

Một số giải pháp

Để mô hình tòa soạn hội tụ phát triển, phục vụ đắc lực cho nền báo chí Việt Nam, rất cần sự quan tâm, tư duy đổi mới, nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của xu thế truyền thông đa phương tiện của lãnh đạo quản lý báo chí từ trung ương đến địa phương; rất cần sự hỗ trợ, đầu tư của chính quyền địa phương về cơ sở vật chất lẫn nhân lực, đảm bảo hoạt động của báo chí.

Nhằm phát huy thế mạnh mô hình này, tòa soạn phải được trang bị các phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại, đảm bảo hiện đại hóa cơ sở vật chất, sắp xếp, xử lý công việc hợp lý, xây dựng tin tức, bài vở trên nhiều loại thiết bị, điều khiển bộ máy nhân sự một cách có hiệu quả, tránh tình trạng lãng phí kinh tế, tạo được hiệu ứng hai chiều đối với các sản phẩm báo chí trong tòa soạn và công chúng.

Ngay trong các cơ quan báo chí cũng phải thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nếu không, họ sẽ ì một chỗ, lạc hậu. Quy luật đào thải khắt khe buộc phải đổi mới tòa soạn, phù hợp với địa phương, nhu cầu của công chúng, xu thế đa phương tiện là một quá trình đòi hỏi, bắt buộc diễn ra liên tục.

Xét tình hình thực tiễn, nhiều tòa soạn địa phương còn gian nan, chưa vận hành thông suốt mô hình hội tụ, phức hợp, nhiều trong một, tuy nhiên, sự có mặt của các ấn phẩm báo điện tử sẽ như là một cú hích, giúp tòa soạn tập dượt trên các kênh truyền thông, sử dụng có hiệu quả về tài chính, nhân lực, tránh tình trạng lãng phí không đáng có. Tin rằng, dần dần mọi việc sẽ ổn thỏa khi mỗi nhà báo luôn ý thức học hỏi, nâng cao tính năng động, nhạy bén của bản thân, mỗi tòa soạn đều lấy nguyên tắc và thế mạnh hội tụ để phát triển các loại hình báo chí.

HOÀNG THỤY ANH