Tối lửa, tắt đèn có nhau
Sáng 8-11, cùng với nhiều địa phương khác, người dân thôn 5 (xã Hòa Khương, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cũng tưng bừng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18-11-1930 – 18-11-2020). Lão nông Đặng Xuân hồ hởi trải lòng: “Nhiều năm qua, ngày hội này đã trở nên quen thuộc, đi vào nề nếp của người dân địa phương, bởi nó phù hợp và đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của bà con. Đây là dịp để người dân trong thôn quây quần, cùng nhau đánh giá những phần việc đã làm được và chưa làm được một năm qua; đồng thời, hàn gắn những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống thường ngày để lòng nhẹ nhõm hơn, cùng xây dựng tình đoàn kết láng giềng tối lửa, tắt đèn có nhau”.
Người dân thôn 5 (xã Hòa Khương, H. Hòa Vang) phấn khởi tham gia các trò chơi trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. |
Với người dân thôn 5, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Mặt trận Tổ quốc các cấp phát động từ năm 2016 như một luồng khí mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Niềm phấn chấn, khí thế thi đua sôi nổi đã len lỏi vào từng mái nhà, thúc giục người dân hăng say lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ phát triển kinh tế… Theo Trưởng thôn Ngô Văn Trương, cùng với phát triển kinh tế gia đình, người dân còn tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, nhiều mô hình phòng chống tội phạm hiệu quả như “Thôn không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Gia đình không có người vi phạm pháp luật”. Tinh thần tương thân, tương ái của người dân trong thôn được phát huy triệt để trong các việc hiếu, hỷ. Từ năm 2005 đến nay, thôn 5 luôn được các cấp chính quyền vinh danh là “Thôn văn hóa tiêu biểu”, tỷ lệ hộ gia đình văn hóa tăng đều qua từng năm, năm 2019 đạt tỷ lệ gần 98%, trong thôn không còn hộ nghèo ở nhà tạm. Bên cạnh đó, một bộ phận thanh niên tích cực “ly nông” sang nước bạn Lào lao động nên đời sống người dân được cải thiện nâng cao, thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt 55 triệu đồng/năm, cao hơn mức thu nhập bình quân đầu người của toàn xã…
Có một thực tế là xã hội càng phát triển theo hướng hiện đại thì các giá trị văn hóa càng có nguy cơ khó bảo tồn. Một khi cộng đồng không còn giữ được tình làng nghĩa xóm, gia đình không còn giữ được các chuẩn mực và giá trị truyền thống thì thuần phong mỹ tục, luân thường đạo lý sẽ bị lãng quên. Cho nên, điều cốt lõi là phải phát huy dân chủ trong nhân dân trên cơ sở “lấy sức dân xây dựng cuộc sống cho dân” đã được các hội đoàn thể, các tộc họ trong thôn cam kết thi đua, thực hiện… “Từ ngày hôm trước, các hộ dân đã tụ tập về nhà văn hóa thôn, người thì quét dọn, trang hoàng cờ hoa rực rỡ để tổ chức phần lễ thêm tươm tất, người thì chuẩn bị tham gia phần hội với các trò chơi dân gian. Tất cả tạo nên một không khí phấn khởi, vui tươi. Ngày hội được tổ chức trên tinh thần tiết kiệm, an toàn nhưng vẫn mang lại cho mọi tầng lớp nhân dân và các đại biểu tham dự một ngày hội thật ý nghĩa, bổ ích. Đây cũng là dịp để các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận các cấp được trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, cùng sinh hoạt với nhân dân; qua đó thắt chặt mối quan hệ với dân, tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, bà Đinh Thị Nguyệt - Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn chia sẻ.
Có thể nói, việc hưởng ứng và thực hiện xây dựng đời sống văn hóa ở thôn 5 đã góp phần thay đổi diện mạo thôn, xóm và cả ý thức người tham gia. Con người thân thiện với nhau hơn, ý thức được trách nhiệm của mình với cộng đồng. Ai có sức góp sức, ai có của góp của, cùng với chính quyền thực hiện nhiều hoạt động thiết thực để từng bước thay đổi diện mạo quê hương một cách toàn diện, bền vững và nỗ lực xây dựng thôn đạt chuẩn “Thôn kiểu mẫu nông thôn mới” vào cuối năm 2020.
VY HẬU