Tội phạm lừa đảo trên mạng xã hội “dắt mũi” người nhẹ dạ

Thứ tư, 23/09/2020 10:43

Đội Cảnh sát Kinh tế CAQ Liên Chiểu (Đà Nẵng) ngày 22-9 cho hay, từ đầu năm 2020 đến nay, đơn vị nhận được hàng chục đơn khiếu nại của người dân tố cáo liên quan đến hành vi lừa đảo qua mạng xã hội. Với các thủ đoạn, thông báo trúng thưởng qua điện thoại, bạn quen trên mạng xã hội tặng “quà khủng” đến tuyển nhân viên thu nhập cao..., các đối tượng lừa đảo đã dựng nên màn kịch rất hoàn hảo để “dắt mũi” người nhẹ dạ cả tin. Những câu chuyện dưới đây một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả người dân...

Bà Th., một nạn nhân bị lừa qua mạng.

Hao tài vì “bẫy lừa” qua mạng

Trung tá Phan Nguyễn Thành Nhân- Phó đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế CAQ Liên Chiểu, cho hay: Sau hàng loạt vụ việc lừa đảo thông qua mạng xã hội đã khiến các nạn nhân điêu đứng vì mất tiền của. Mới đây, bà Hà T. Th. (trú P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu) đã đề nghị cơ quan CA điều tra, xác minh vụ việc bà bị “bạn trai Tây” lừa đảo. Theo lời bà Th., khi sử dụng mạng xã hội facebook năm 2019, bà tham gia kết bạn với một tài khoản có nick “Biran”. Sau nhiều lần “tâm sự” chuyện đời tư, công việc, chủ tài khoản “Biran” thốt ra rằng “rất quý mến bà Th., nên muốn dành tặng cho bà vài món trang sức, đồng thời nhờ bà nhận giữ giúp một khoản tiền 400.000 USD, sắp tới qua Việt Nam sẽ nhận lại. Sau khi đồng ý, bà Th. đã gửi thông tin tên tuổi, địa chỉ và số điện thoại của mình cho tài khoản “Biran”.

Bẵng đi một thời gian ngắn, bà Th. nhận được một cú điện thoại từ thuê bao +84382441698 gọi tới. Đầu dây bên kia, giọng một người phụ nữ xưng tên là Trang, nhân viên Cty chuyển phát nhanh ở Hà Nội và thông báo bà Th. được một người ngoại quốc gửi tặng. Tuy nhiên, do món quà tặng gửi từ nước ngoài về có giá trị rất cao nên bà Th. phải nộp 24 triệu đồng vào tài khoản số: 1078.6839… Ngân hàng Viettinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh để làm thủ tục nhận. Tin tưởng là tiền và quà của “Biran” gửi về nên bà Th. đã đến ngân hàng gửi 24 triệu đồng theo yêu cầu. Vài ngày sau, bà Th. lại nhận được điện thoại của người phụ nữ trên gọi tới nói rằng, do gói hàng bên trong có rất nhiều tiền mặt, nên bà phải nộp thêm 75 triệu đồng nữa mới nhận được hàng. Bản thân bà Th. lúc đó không có đủ số tiền, nên bà Th. chuyển thêm 28 triệu đồng, nhưng chờ từ cuối năm 2019 và hết nửa năm 2020 vẫn không nhận được “quà” của “Biran”.

Khi bà Th. gọi lại số điện thoại cho người phụ nữ nhiều lần nhưng người này nói vì chưa chuyển đủ số tiền 75 triệu đồng nên không thể giao vì là hàng nước ngoài về có trang sức và tiền USD nhiều. Sau đó bà Th. cố chạy vạy được tiền, nhưng điện nhiều lần tới số điện thoại trên đều không liên lạc được. Lên mạng nhắn tin cho “Biran” thì tài khoản facebook này cũng đã mất tích!... Nóng ruột, bà Th. lên mạng tìm hiểu về cách nhận quà gửi tặng từ nước ngoài về tựa như trường hợp của mình, mới vỡ lẽ rằng, chỉ là chiêu trò lừa đảo.

Cũng liên quan đến mạng xã hội facebook, bà Vũ Tr. (1993, trú P. Hòa Khánh Bắc, Q. Liên Chiểu) vừa bị các đối tượng lừa đảo dựng kịch “móc túi” vài chục triệu đồng chỉ sau vài tin nhắn trên mạng chat. Lúc lên mạng xã hội, bà Tr. đọc được từ tài khoản facebook tên “N.D” đăng nội dung tuyển nhân viên dán nhãn mác cho các sản phẩm son hàng hiệu, thu nhập cao, nên bà chủ động trao đổi về công việc. Thấy “cá cắn câu”, chủ tài khoản đang “tuyển người” yêu cầu bà Tr. phải nộp số tiền đảm bảo do bên bán sản phẩm phải gửi các mặt hàng son về cho bà. Số tiền chủ tài khoản này đưa ra là 15 triệu đồng, trong đó chuyển 5 triệu đồng qua số tài khoản ngân hàng 0781… mang tên Nguyễn Thị Hoa, đăng ký tại Ngân hàng Vietcombank và mua 10 triệu đồng thẻ cào điện thoại gửi mã số qua tin nhắn facebook cho tài khoản facebook “N.D”. Không mảy may nghi ngờ, bà Tr. làm theo răm rắp với mong muốn cơ hội kiếm tiền nhanh đến với mình. Ai dè, khi chuyển tiền, card điện thoại vừa xong cũng là lúc trang facebook “N.D” “lặn” mất trên mạng xã hội. Tìm đủ mọi cách để lấy lại tiền không được, bà Tr. đã trình báo sự việc với cơ quan CA.

Đừng để đối tượng lừa đảo “dắt mũi”

Theo Trung tá Phan Nguyễn Thành Nhân, trường hợp như bà Th., bà Tr… chỉ là một trong số ít vụ việc điển hình bị các đối tượng lừa đảo qua mạng đưa vào tròng. Bởi trên địa bàn Q. Liên Chiểu, trong năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, Đội Cảnh sát Kinh tế đã nhận được gần 50 đơn tố cáo của nạn nhân bị lừa với số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Bình quân mỗi tháng, lực lượng Cảnh sát kinh tế CAQ nhận từ 2-3 đơn thư, hầu hết người dân bị các chủ tài khoản lừa gửi cho tiền và quà từ nước ngoài, trúng thưởng, lừa xin việc làm, nhắn tin cho bị hại thông báo người thân của họ đang dính đến đường dây tội phạm… sau đó buộc gửi tiền làm tin rồi biến mất khỏi trang mạng.

Điển hình nhất phải kể đến thủ đoạn đối tượng câu kết với một số người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam (chủ yếu là người gốc Phi, không có việc làm ổn định) lập các tài khoản trên mạng xã hội sau đó kết thân với một số người Việt Nam trên mạng xã hội (như trường hợp bà Th. đã nói trên). Sau khi làm quen, những đối tượng này tự xưng là quân nhân của Hoa Kỳ đang chiến đấu tại các chiến trường Trung Đông (Sirya, Lybia, Afghanistan…) đang bị thương, có một số tiền lớn muốn gửi về cho những người này đợi sau khi kết thúc chiến tranh sẽ qua gặp để nhận lại tiền và tặng cho những người này một số tiền lớn để cảm ơn. Sau đó, các đối tượng đồng bọn liên hệ với bị hại đưa ra các thủ đoạn lừa lấy tiền.

Ngoài những bị hại bị lừa số tiền lớn lên đến vài chục, thậm chí vài trăm triệu đến cơ quan CA tố cáo, cũng còn vô số trường hợp bị lừa đảo số tiền ít, trên dưới 10 triệu đồng không trình báo với cơ quan CA. Trung tá Nhân khuyến cáo, người dân đừng để đối tượng lừa đảo trên mạng “dắt mũi”, bởi tất cả những lời dụ ngọt, thông báo trúng thưởng, hứa hẹn tặng quà, lo liệu công việc qua mạng mà những chủ tài khoản họ không quen biết đưa ra chỉ là lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản mà thôi. “Để cảnh tỉnh đến đông đảo người dân, Đội CS kinh tế cũng đã chủ động đề xuất lãnh đạo CAQ có chương trình phối hợp với các cơ quan chức năng, Báo chí, Đài truyền hình thực hiện các bài viết, phóng sự nhằm thông báo các thủ đoạn của tội phạm thường sử dụng để lừa đảo, nhất là các cuộc họp, tuyên truyền pháp luật tại cơ sở, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất số nạn nhân bị lừa” – Trung tá Nhân nói. 

CÔNG HẠNH