Tổng thống Nam Phi trước sức ép từ chức

Thứ bảy, 08/04/2017 10:39

(Cadn.com.vn) - Ngày 7-4, hàng ngàn người biểu tình tại các thành phố lớn của Nam Phi, kêu gọi Tổng thống Jacob Zuma từ chức sau khi ông cải tổ nội các làm dấy lên  làn sóng chỉ trích mạnh mẽ tại Nam Phi.

Tại thủ đô Pretoria, tổ chức xã hội dân sự Cứu lấy Nam Phi (SaveSA) phản đối bên ngoài Tòa nhà Liên minh, nơi đặt trụ sở chính phủ và văn phòng Tổng thống.

Mmusi Maimane, lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ Đối lập (DA) dẫn dắt một cuộc diễu hành tại trung tâm thương mại Johannesburg. Chiến dịch “nắm lấy bàn tay” được tổ chức ở Cape Town, trong khi các nhóm khác sẽ xuống đường ở thành phố biển Durban. Ông Maimane cho biết: “Chúng tôi kêu gọi tất cả người dân Nam Phi hành động để thay đổi, cùng nhau đứng dậy và nói rằng, “Zuma phải từ chức và Nam Phi phải tiến lên phía trước”. Trên Twitter, nhiều người yêu cầu ông Zuma từ chức.

Đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC) cầm quyền kêu gọi người dân biểu tình hòa bình.

Người biểu tình phản đối Tổng thống Jacob Zuma ở thủ đô Pretoria ngày 7-4. Ảnh: AP

“Vụ thảm sát bộ trưởng lúc nửa đêm”

Ít nhất 10 bộ trưởng - trong đó có Bộ trưởng Tài chính Pravin Gordhan và cấp phó Mcebisi Jonas - đã bị Tổng thống Zuma đưa vào tầm ngắm. Ông Zuma cho rằng, những thay đổi trong nội các sẽ giúp quá trình chuyển đổi kinh tế và xã hội diễn ra triệt để, hứa hẹn mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người nghèo cũng như tầng lớp lao động. Tuy nhiên, một đại sứ Mỹ đã mô tả động thái này là “vụ thảm sát bộ trưởng lúc nửa đêm ở Nam Phi”.

Việc nhà lãnh đạo Nam Phi sa thải Bộ trưởng và Thứ trưởng Tài chính khiến giới phân tích ngạc nhiên. Ông Gordhan nắm chức Bộ trưởng từ năm 2009-2014, sau đó quay lại làm việc hồi tháng 9-2015. Ông có những đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế Nam Phi, đồng thời hỗ trợ mạnh mẽ cho các nhà đầu tư quốc tế. Ông Gordhan bị sa thải giữa thời điểm ông đang hoạt động quảng bá đầu tư tới Mỹ và Anh. Ông cố gắng thuyết phục các tổ chức xếp hạng rằng Nam Phi là quốc gia có tính ổn định về chính trị để thu hút đầu tư nước ngoài.

Động thái này của ông Zuma gây phương hại cho đồng minh và đối thủ, làm suy yếu quyền lực của ông và gây ra những rạn nứt trong ANC. Cơ quan xếp hạng S&P Global Ratings cho biết việc ông Gordhan bị sa thải là một trong những lý do Nam Phi bị hạ cấp tín nhiệm. Xếp hạng đã giảm hơn 11% kể từ ngày 27-3 khi ông Zuma yêu cầu ông Gordhan về nước khi vị bộ trưởng này đang đàm phán với các nhà đầu tư ở nước ngoài. Vài ngày sau, ông bị loại khỏi nội các.

Bỏ phiếu bất tín nhiệm

Theo kết quả thăm dò Cty nghiên cứu thị trường toàn cầu Kantar TNS công bố hôm 5-4 khoảng 70% người dân Nam Phi cho rằng Tổng thống Jacob Zuma nên từ chức. Tỷ lệ ủng hộ ông Zuma hiện đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay, với chỉ 20% người dân khu vực đô thị của Nam Phi cho rằng ông Zuma đang làm tốt nhiệm vụ của tổng thống.

Liên đoàn Lao động Nam Phi (Cosatu), một thành viên trong liên minh cầm quyền hiện nay của Nam Phi, đã kêu gọi Tổng thống Zuma từ chức. Tổng thư ký Cosatu Bheki Ntshalintshali cho biết thành viên trong liên minh cầm quyền này không còn tin tưởng vào khả năng lãnh đạo của ông Zuma nữa. “Cosatu không còn tin rằng Tổng thống Zuma là người phù hợp để đoàn kết và lãnh đạo đảng ANC, liên minh cầm quyền và lãnh đạo đất nước”, ông Ntshalintshali cho biết. Cosatu sẽ yêu cầu ANC và tổng thống Zuma giải thích tại sao tổ chức này đã không được tham vấn về việc cải tổ nội các vừa qua.

Mạnh tay hơn, Chủ tịch Quốc hội Nam Phi Baleka Mbete đồng ý sẽ sớm thảo luận về kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với ông Zuma của các đảng đối lập. Quốc hội nước này sẽ triệu tập phiên họp bất thường để thảo luận vào ngày 18-4 tới.

An Bình
(Theo Reuters, CNN)