Tổng thống Putin giành trọn niềm tin với người dân Nga

Thứ hai, 18/03/2024 15:09
Sáng nay (18-3), Tổng thống Vladimir Putin đã tổ chức họp báo sau kiểm phiếu sơ bộ. Kết quả cho thấy ông Putin giành được chiến thắng vang dội trong một cuộc bầu cử tổng thống thời hậu Xô viết.

Chiến thắng của lòng dân

Theo kết quả sơ bộ theo Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga (CEC), công bố tính tới sáng sớm nay 18-3 (theo giờ Hà Nội), sau khi hơn 80% số phiếu đã được kiểm, đương kim Tổng thống Vladimir Putin dẫn đầu với 87,21% số phiếu ủng hộ, giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga 2024. Phát biểu với báo giới, ông Putin cảm ơn những người Nga đã đi bỏ phiếu, đồng thời bày tỏ kết quả của cuộc bầu cử lần này sẽ cho phép xã hội Nga củng cố và trở nên vững mạnh hơn.

Kết quả kiểm phiếu bầu cử Tổng thống Nga tính đến sáng 18/3 (giờ Hà Nội). Ảnh: RiaNovosti
Kết quả kiểm phiếu bầu cử Tổng thống Nga tính đến sáng 18/3 (giờ Hà Nội). Ảnh: RiaNovosti

Các đối thủ của ông Putin là đại diện Đảng Cộng sản Nga Nikolai Kharitonov giành 4,26% phiếu bầu; đại diện đảng Dân chủ Tự do Leonid Slutsky giành 3,16% số phiếu; và đại diện đảng Nhân dân Mới, ông Vladislav Davankov nhận được sự ủng hộ của 3,96% cử tri.

Ông Putin nói: “Kết quả bỏ phiếu liên quan đến những sự kiện kịch tính mà đất nước chúng ta đang trải qua, nó liên quan đến tình hình hiện tại, với thực tế là chúng ta phải chiến đấu theo đúng nghĩa đen. Chúng ta chiến đấu vì lợi ích của nhân dân và tạo ra một tương lai cho sự phát triển toàn diện, có chủ quyền và an toàn của Liên bang Nga và Tổ quốc chúng ta”.

"Đây là lý do tại sao tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao. Người dân đến tạo điều kiện để củng cố chính trị nội bộ tiến lên. Sự đoàn kết này sẽ cho phép chúng ta hành động hiệu quả trên tiền tuyến, trong kinh tế, phát triển nhân đạo, đạt được mục tiêu của các dự án phát triển xã hội. Chúng tôi có những kế hoạch phát triển rất lớn, mọi người cảm nhận được điều đó và đến bỏ phiếu để tạo điều kiện cho sự phát triển và củng cố Tổ quốc - nước Nga của họ”.

Đây là lần thứ năm ông Putin đắc cử một nhiệm kỳ Tổng thống Nga, với số phiếu ủng hộ vượt xa mọi kỷ lục của nước Nga hiện đại, theo RiaNovosti. Kì bầu cử 2018, ông Putin thắng với 76,69% số phiếu ủng hộ. Trước đó 6 năm, ông Putin vượt qua các đối thủ nhờ sự ủng hộ của 63,6% cử tri.

Năm 2004 và 2000, ông Putin dẫn đầu với tỷ lệ ủng hộ lần lượt là 71,31% và 52,9%. Năm 1996, ông Boris Yeltsin trở thành lãnh đạo sau hai vòng bầu cử, với số phiếu vòng hai là 53,82%. Trong khi đó, ông Dmitri Medvedev thắng cử Tổng thống Nga nhiệm kỳ 2008-2012 với số phiếu 70,28%.

Tổng thống Nga phát biểu trước người ủng hộ ở Moscow đêm 17/3. Ảnh: Sputnik
Tổng thống Nga phát biểu trước người ủng hộ ở Moscow đêm 17/3. Ảnh: Sputnik

Cuộc bầu cử Tổng thống tại Nga 2024 chứng kiến tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao chưa từng có, ở mức hơn 74% (số liệu tính đến sáng 18-3). Năm nay cũng là lần đầu tiên người dân tại các khu vực Nga tuyên bố sáp nhập trong chiến dịch Ukraine là Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson đi bỏ phiếu bầu Tổng thống Nga.

Tại Donetsk, tỷ lệ ủng hộ của ông Putin là 95,23%; tại Lugansk là 94,12%; tại Zaporizhzhia là 92,83% và tại Kherson là 88,12%.

Theo Wall Street Journal, ông Putin đã không tham gia bất kỳ hoạt động tranh cử nào như các đối thủ. Thay vào đó, ông thúc đẩy thông điệp thông qua các lịch trình làm việc hàng ngày của Tổng thống, như cuộc gặp với các nhóm thanh niên và xây dựng chương trình phát triển đất nước.

Trung tâm Levada, tổ chức thăm dò dư luận uy tín ở Nga, tháng trước cho biết khoảng 86% người dân tán thành công việc của ông Putin trong vai trò Tổng thống. Tỷ lệ ủng hộ này đã tăng 6% so với cuộc thăm dò tương tự hồi tháng 9/2023 và luôn duy trì trên 80% kể từ đó.

Hình ảnh từ các điểm bỏ phiếu được truyền về trung tâm của Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga. Ảnh: RG
Hình ảnh từ các điểm bỏ phiếu được truyền về trung tâm của Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga. Ảnh: RG

Ngoài ra, kết quả do Levada công bố cũng cho thấy 75% người được hỏi tin tưởng đất nước đang đi đúng hướng, cao hơn 13% so với tháng 9-2023, trong khi số phản đối chỉ bằng 1-5. Khảo sát cũng chỉ ra 73% người dân ủng hộ hoạt động của Chính phủ Nga và 21% không tán thành.

Phát biểu trong đêm 17-3 tại Moscow, ông Putin khẳng định kết quả bầu cử là biểu hiện niềm tin từ phía người dân Nga rằng nước Nga đã, đang và sẽ phát triển đúng hướng.

"Nguồn quyền lực duy nhất của đất nước là người dân Nga", ông Putin nhấn mạnh. "Tôi sẽ cố gắng hết sức để giải quyết các nhiệm vụ đặt ra trước mắt đất nước và đạt được những mục tiêu mà tất cả chúng ta đều coi là ưu tiên cao nhất".

Ông Putin sau đó gửi lời cảm ơn tới quân đội Nga vì đã bảo vệ đất nước trên tiền tuyến. Ông khẳng định một trong những ưu tiên trong nhiệm kỳ 6 năm tới là tăng cường năng lực phòng thủ của đất nước và củng cố quân đội.

Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel đã gửi lời chúc mừng ông Putin tái đắc cử và nhấn mạnh rằng chiến thắng của đương kim Tổng thống Nga là minh chứng cho thấy sự ghi nhận của nhân dân quốc gia Á-Âu với những đóng góp của ông. Chủ tịch Cuba khẳng định La Habana sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với Moskva trong nhiều lĩnh vực vì hạnh phúc của người dân. Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodríguez cũng đăng tải trên mạng xã hội thông điệp chúc mừng chiến thắng của ông Putin.

Ngoài ra, lãnh đạo các nước Venezuela, Nicaragua, Bolivia, Tajikistan, Triều Tiên... cũng đã gửi lời chúc mừng đến ông Putin.

Putin đưa nước Nga trở lại vị thế cường quốc

Sự nghiệp chính trị đỉnh cao của ông Putin bắt đầu tháng 8-1999 khi Tổng thống Nga khi đó Boris Yeltsin bổ nhiệm ông vào vị trí Thủ tướng Nga. Chiều muộn 31-12-1999, ông Boris Yeltsin tuyên bố từ chức Tổng thống Nga trong bài phát biểu trên truyền hình, trong đó khẳng định "một thế hệ mới đang đến và có thể làm nhiều hơn, tốt hơn".

Vào thời khắc giao thừa sau đó vài tiếng, ông Putin xuất hiện trước công chúng trên truyền hình, gửi thông điệp năm mới đầu tiên đến dân chúng Nga. "Giấc mơ thường trở thành hiện thực vào đêm giao thừa, đặc biệt là giao thừa năm nay", ông Putin phát biểu với tư cách là quyền Tổng thống Nga. "Tôi tin những giấc mơ tốt đẹp của chúng ta chắc chắn sẽ thành hiện thực".

Kể từ đó, qua 4 nhiệm kỳ Tổng thống (2000-2004; 2004-2008; 2012-2018; 2018-2024) và một nhiệm kỳ Thủ tướng (2008-2012, dưới thời Tổng thống Dmitri Medvedev) ông Putin đã chứng minh vai trò cá nhân trong việc đưa nước Nga trở lại vị thế cường quốc.

Giới quan sát đánh giá chiến thắng của ông Putin không bất ngờ. Được giao trọng trách "chèo lái" đất nước vào thời điểm Nga trải qua nhiều xáo trộn sau khi Liên Xô tan rã, cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998 và chiến tranh Chechnya lần thứ nhất, ông Putin đã từng bước đưa nước Nga ra khỏi bất ổn.

Thiết giáp Nga trong cuộc xung đột ở Gruzia năm 2008. Ảnh: AP
Thiết giáp Nga trong cuộc xung đột ở Gruzia năm 2008. Ảnh: AP

Về kinh tế, vào thời điểm Tổng thống Putin lên nắm quyền nhiệm kỳ đầu tiên, Nga chỉ có 12 tỷ USD dự trữ ngoại hối với nợ công ở mức cao, tương đương 92,1% GDP. Đến nay, Nga có hàng trăm tỷ USD dự trữ ngoại hối, nợ công Nga còn khoảng 21,8%.

Dự trữ vàng của Nga đã tăng gần 7 lần sau 24 năm, từ mức 343 tấn vào năm 2000 lên 2.332 tấn vào năm 2024, theo Trading Economics.

Trong thời kỳ ông Putin nắm quyền, tỷ trọng của Nga trong kinh tế toàn cầu tăng từ 2% lên khoảng 4%. 10 năm từ 1999 đến 2008, GDP Nga tăng 94% và GDP bình quân đầu người tăng gấp đôi. Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 và căng thẳng với phương Tây bùng nổ từ năm 2014 khiến đà tăng chậm lại.

Khi Nga mở chiến dịch ở Ukraine, làn sóng trừng phạt chưa từng có từ phương Tây đẩy kinh tế Nga vào tình thế khó khăn, đồng ruble lao dốc, người dân ồ ạt rút tiền và loạt doanh nghiệp nước ngoài rời khỏi Nga. Nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng suy giảm do các biện pháp hạn chế từ phương Tây.

Nhưng Nga thích ứng ngoạn mục với các lệnh trừng phạt, chuyển hướng xuất khẩu năng lượng từ châu Âu sang Trung Quốc và Ấn Độ; mở rộng sản xuất, tiêu dùng nội địa.

Đời sống của người Nga phát triển hơn nhiều sau 24 năm ông Putin nắm quyền, giúp ông nhận được sự ủng hộ của dân chúng. Ảnh: GettyImages
Đời sống của người Nga phát triển hơn nhiều sau 24 năm ông Putin nắm quyền, giúp ông nhận được sự ủng hộ của dân chúng. Ảnh: GettyImages

Theo Fortune, Nga đối mặt mức lạm phát khá cao là 7%, gần gấp đôi mục tiêu 4% của Ngân hàng Trung ương Nga. Nhưng tỷ lệ thất nghiệp được duy trì ở mức tương đối thấp và nền kinh tế Nga dự kiến tăng trưởng 2,6% trong năm nay, gấp đôi dự báo trước đó, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Con số này vượt xa mức tăng trưởng ước tính 0,9% của châu Âu.

Bên cạnh đó, việc Nga tăng chi tiêu cho quốc phòng đã tạo động lực mạnh mẽ với nền kinh tế. Các khoản vay được chính phủ trợ cấp đang hỗ trợ tích cực người mua nhà, tạo cú hích với lĩnh vực xây dựng đang bùng nổ. Bằng chứng là một số dự án nhà cao tầng ấn tượng đang mọc lên trên bờ sông Moscow; cũng như các khu vực Nga mới sáp nhập.

Tình hình an ninh tại Nga cũng chuyển biến tốt lên trông thấy dưới thời ông Putin. Kết quả thăm dò của Gallup thực hiện lần đầu năm 2006 cho thấy chỉ 27% người dân Nga cảm thấy an toàn khi đi một mình trong đêm tại nơi họ sống, ngang ngửa với quốc gia đứng chót bảng khi đó là Chad (24%). Năm 2023, tỷ lệ này là 71%, cao hơn nhiều nước phương Tây.

Người ủng hộ ông Putin tuần hành tại một thành phố ở Nga. Ảnh: GettyImages
Người ủng hộ ông Putin tuần hành tại một thành phố ở Nga. Ảnh: GettyImages

Hãng tin CNN của Mỹ tuần trước khẳng định, ông Putin có vị thế đặc biệt đối với người dân Nga. Tại một triển lãm ở ngoại ô Moscow có sự tham dự của phóng viên CNN, "tất cả những người mà CNN trò chuyện đều hoàn toàn ủng hộ ông Putin".

Dmitri, một nhân viên bất động sản 41 tuổi đến từ Cộng hòa Komi ở vùng cực Bắc nước Nga nói với CNN: "Chúng tôi chắc chắn bỏ phiếu cho Putin, ông ấy đã khiến nước Nga trở thành một đất nước tốt đẹp hơn nhiều". Khi được hỏi về chiến dịch ở Ukraine, Dmitri khẳng định "chiến thắng sẽ thuộc về nước Nga. Tôi ủng hộ ông ấy (Tổng thống Putin). Và nếu cần, tôi sẽ đi chiến đấu".

Sergei, một nhân viên văn phòng 25 tuổi, thì khẳng định anh thấy công việc của mình tại Nga rất tốt, ổn định và bác bỏ ý kiến ​​cho rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây khiến Nga nghèo hơn. "Tôi không cảm thấy bất kỳ tác động nào của lệnh trừng phạt với tư cách là một công dân Nga bình thường", anh nói với CNN.

Về đối ngoại, ông Putin đã đưa Nga trở lại vị thế cường quốc có tiếng nói quan trọng thông qua việc Moscow tham gia giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế lớn. Hình ảnh nước Nga cứng rắn cũng được chứng minh bằng chiến dịch Chechnya; cuộc chiến ở Gruzia; việc Nga sáp nhập Crimea; chiến dịch chống phiến quân ở Syria và hiện nay là chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Ông Putin cho biết lực lượng vũ trang Nga đang tiến lên mỗi ngày và giữ thế chủ động trên chiến trường. Ông Putin cảnh báo sự hiện diện của quân đội các nước phương Tây tại Ukraine có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh diện rộng.

“Tôi nghĩ rằng mọi thứ đều có thể xảy ra trong thế giới hiện đại. Nhưng tôi đã nói điều này rồi và mọi người đều thấy rõ rằng cuộc xung đột này sẽ chỉ còn một bước nữa là dẫn đến chiến tranh thế giới lần thứ ba với quy mô toàn diện. Tuy nhiên, tôi không nghĩ có ai quan tâm đến điều này”.

Ông Putin cho rằng nhiều nước phương Tây đang hướng chỉ trích vào Nga nhằm mục đích che đậy những vấn đề nội bộ của họ.

“Quân đội NATO đang có mặt ở đó. Chúng tôi biết điều này. Ở đó chúng tôi nghe thấy tiếng Pháp và tiếng Anh. Chẳng có gì tốt trong việc này. Đầu tiên là vì những người lính này sẽ phải trả giá. Đó hoàn toàn không phải là lựa chọn của chúng tôi. Nếu ai đó muốn che đậy các vấn đề nội bộ của đất nước họ bằng lối hùng biện hung hăng bên ngoài của họ… thì đây là một thủ thuật quen thuộc và được sử dụng rộng rãi".

Thành Chung

(tổng hợp)