Tổng thống Trump bất ngờ cứu ZTE, vì sao?
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố đang nỗ lực để đưa ZTE - nhà sản xuất thiết bị điện thoại và viễn thông lớn thế giới của Trung Quốc - trở lại thị trường kinh doanh khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu ông Trump có muốn “dịu giọng hơn” trước các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc tại Washington tuần này hay không.
ZTE phải đóng cửa từ đầu tháng 5-2018 do thiếu linh kiện nhập khẩu từ Mỹ. Ảnh: Getty Image |
Từ lệnh cấm vận...
Tháng trước, ZTE đã tuyên bố ngừng hoạt động tại Mỹ sau khi bị chính quyền ông Trump cấm các Cty của Mỹ cung cấp những linh kiện quan trọng cho Cty này đến năm 2025. Lệnh cấm được đưa ra sau khi Washington cáo buộc ZTE vi phạm một thỏa thuận ký kết vào năm ngoái, trong đó ZTE đồng ý trả 1,2 tỷ USD tiền phạt do vi phạm lệnh trừng phạt của Washington về Iran và Triều Tiên.
Các Cty của Mỹ cung ứng ít nhất 1/4 các linh kiện được sử dụng trong thiết bị của ZTE, trong đó gồm cả điện thoại thông minh và các thiết bị mạng viễn thông. ZTE chi hơn 2,3 tỷ USD nhập khẩu linh kiện từ khoảng 200 Cty Mỹ trong năm ngoái. Khó khăn hiện giờ của ZTE là hậu quả dễ thấy nhất từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ-Trung. Doanh nghiệp Trung Quốc đang thuê tuyển khoảng 75.000 người, và cũng là nhà cung ứng điện thoại thông minh lớn thứ 4 ở Mỹ.
ZTE phủ nhận những vi phạm và đang kháng nghị lệnh cấm xuất khẩu. Cty cũng cho biết lệnh cấm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại và phát triển của ZTE. Việc Mỹ mạnh tay với ZTE được cho là một phần trong nỗ lực lớn hơn của nền kinh tế số một thế giới nhằm kiềm chế tham vọng công nghệ của Trung Quốc. ZTE từ lâu cũng là mục tiêu giám sát của các nhà quản lý và quan chức Mỹ, những người cảnh giác về mối quan hệ với Trung Quốc. Cổ đông kiểm soát ZTE là Shenzhen Zhongxingxin Telecommunications Equipment, một Cty nhà nước Trung Quốc. Năm 2012, báo cáo của Quốc hội Mỹ về ZTE và Huawei cho hay, các Cty này “không thể tin được là không bị ảnh hưởng bởi nhà nước Trung Quốc, và vì thế gây ra mối đe dọa an ninh” cho Mỹ và hệ thống của cường quốc này.
...Đến quyết định giải cứu
Tuy nhiên, hôm 13-5, ông Trump viết trên Twitter rằng, ông đang nỗ lực để ZTE có thể sớm hoạt động lại bình thường. “Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc và tôi đang làm việc với nhau để giúp hãng di động lớn của Trung Quốc là ZTE có đường làm ăn trở lại một cách nhanh chóng. Quá nhiều việc làm ở Trung Quốc mất đi. Bộ Thương mại được hướng dẫn để làm việc này!”, ông Trump viết.
Trong bài đăng tiếp theo trên Twitter ngày 14-5, ông Trump khiến mọi người vỡ lẽ về việc tại sao ông cứu ZTE. “ZTE, Cty điện thoại lớn của Trung Quốc, mua một số lượng lớn các linh kiện từ các Cty Mỹ. Điều này cũng phản ánh thỏa thuận thương mại lớn hơn mà chúng tôi đang đàm phán với Trung Quốc và mối quan hệ cá nhân của tôi với ông Tập”.
Theo BBC, những nhà quan sát cho rằng, ngôn ngữ và giọng điệu trên Twitter cho thấy sự thay đổi thái độ đột ngột của ông Trump, người luôn cáo buộc Trung Quốc “cướp bóc” việc làm của người dân Mỹ. Douglas Jacobson, một luật sư ở Washington, người đại diện cho một số nhà cung cấp của ZTE cho biết: “Đây là một động thái rất kỳ lạ trong một trường hợp vô cùng đặc biệt vốn liên quan đến các mâu thuẫn địa chính trị. Chúng ta phải chờ xem diễn tiến của sự việc vì không đơn giản mà họ có thể khôi phục việc kinh doanh như bình thường”.
Adam Schiff, một nghị sĩ dân chủ từ California, đã bình luận về bài đăng trên Twitter của ông Trump rằng ông “nên quan tâm nhiều đến an ninh quốc gia hơn là việc làm của người Trung Quốc”. “Các cơ quan tình báo đã cảnh báo rằng công nghệ và điện thoại ZTE đang đặt ra một mối đe dọa an ninh mạng lớn cho Mỹ”, ông nói.
Tại sao phải nhượng bộ?
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, ông Trump có nhiều lý do để nhượng bộ Bắc Kinh trong bối cảnh những cuộc đàm phán cấp cao về thương mại sẽ diễn ra vào cuối tuần này ở Washington nhằm giải quyết những tranh chấp thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nhượng bộ này có thể đảm bảo một chiến thắng trong cuộc đối đầu thương mại sâu sắc hơn với Bắc Kinh. Ông Trump cũng cần sự hợp tác của Trung Quốc và tiếp tục gây áp lực lên Triều Tiên khi ông chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore vào ngày 12-6 tới.
Ngoài ra, còn có lập luận cho rằng, ZTE là biểu tượng của mối quan hệ gắn liền của hai nền kinh tế Mỹ-Trung, cho rằng hàng ngàn công ăn việc làm của cả hai nước phụ thuộc vào sự tồn tại của Cty này. Nhưng sự can thiệp của ông Trump vào ZTE khiến các chuyên gia thương mại ngạc nhiên vì nó đã vi phạm nguyên tắc rằng, các quyết định cưỡng chế thương mại không nên được áp dụng hay bãi bỏ vì lý do chính trị - một cây cầu mà các tổng thống trước đây đã phải do dự khi vượt qua. Chính trị hóa các quyết định cưỡng chế cũng làm suy yếu các lập luận của Mỹ đối với các chính phủ nước ngoài rằng, luật pháp là rất quan trọng đối với các hệ thống chính trị lành mạnh.
Hơn nữa, nhượng bộ của ông Trump về vấn đề ZTE khiến các nhà phê bình lo ngại, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ có những nhượng bộ đáng kể trong các cuộc đàm phán thương mại sắp tới với Trung Quốc, mặc dù ông chủ Nhà Trắng luôn khẳng định mình là nhà thương thuyết giỏi nhất thế giới.
AN BÌNH