Tổng thống Trump và nguy cơ bị lật đổ

Thứ bảy, 08/09/2018 12:50

Thượng nghị sĩ bang Massachusetts (Mỹ) Elizabeth Warren hôm 6-9 đã có phát ngôn gây sốc khi cho rằng, đã đến lúc phải sử dụng quyền hiến pháp để loại bỏ Tổng thống Donald Trump khỏi Nhà Trắng nếu các quan chức cấp cao cho rằng, ông không thể đảm nhận vai trò này.

Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren (trái) cho rằng cần tước quyền của Tổng thống Donald Trump (phải).  Ảnh: AP

Trả lời phỏng vấn truyền thông hôm 6-9, bà Warren đã kêu gọi các quan chức cấp cao trong chính phủ lật đổ Tổng thống Donald Trump.

Lời kêu gọi lật đổ của bà Warren

CNN dẫn lời bà Warren cho hay: "Nếu các quan chức cấp cao trong chính quyền nghĩ vị tổng thống của nước Mỹ này không thể làm được việc của mình, họ cần áp dụng Tu chính án thứ 25".

"Hiến pháp đã nêu quy trình thực hiện trong trường hợp Phó Tổng thống và các quan chức cấp cao nghĩ rằng Tổng thống không thể hoàn thành công việc của ông ấy. Hiến pháp không quy định việc các quan chức đi lòng vòng quanh tổng thống, lấy tài liệu ra khỏi bàn làm việc của ông ấy, viết các bài nặc danh… Tất cả các quan chức đều đã tuyên thệ bảo vệ Hiến pháp Mỹ. Và đã đến lúc họ cần làm công việc của mình", bà Warren nói thêm.

Thượng nghị sĩ Warren bác bỏ những ý kiến cho rằng, việc áp dụng Tu chính án thứ 25 sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp. Bà đặt câu hỏi: "Chúng ta đang chịu cuộc khủng hoảng như thế nào nếu các quan chức cấp cao tin rằng Tổng thống không thể làm được việc của mình, và sau đó từ chối tuân thủ quy tắc vốn đã được nêu trong Hiến pháp. Không có quy định trong trường hợp này". Trên trang mạng cá nhân, bà Warren cũng chỉ trích các quan chức Mỹ vì không dám nói lên tiếng nói của mình. "Nếu các quan chức cấp cao tin rằng, tổng thống không còn phù hợp, họ nên chấm dứt việc núp sau bài bình luận ẩn danh (trên tờ New York Times) rồi khoe khoang đang cứu vãn đất nước. Thay vào đó, họ nên làm điều mà Hiến pháp yêu cầu họ làm: đó là viện dẫn Tu chính án thứ 25 và tước quyền của tổng thống", bà Warren viết.

Những lời bình luận nặng nề của Thượng nghị sĩ Warren, người được coi là ứng viên tiềm năng tranh cử tổng thống năm 2020, xảy ra trong bối cảnh tờ New York Times trước đó một ngày đăng bài viết hiếm với tiêu đề "Tôi là một phần của phe chống đối trong chính quyền Trump" của một quan chức cấp cao giấu tên trong chính quyền nêu bật những quan ngại sâu sắc về Tổng thống và kêu gọi áp dụng Tu chính án thứ 25 nhằm loại bỏ ông Trump khỏi văn phòng.

Trong bài viết, tác giả nói rằng, các chính sách "bốc đồng, thù địch và thiếu hiệu quả" của ông Trump dường như đang khiến nước Mỹ chia rẽ và rất nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền đang nỗ lực để đảo ngược một phần chương trình nghị sự của Tổng thống Trump. Tác giả của bài viết cũng cho biết một số thành viên trong nội các của ông Trump từng cân nhắc tới phương án viện dẫn Tu chính án thứ 25 để tước quyền lãnh đạo của tổng thống, song họ quyết định dừng lại để tránh "cuộc khủng hoảng hiến pháp". Nhà Trắng đã phản ứng mạnh mẽ với bài bình luận này, gọi tác giả là kẻ phản bội và hèn nhát.

Có dễ thực hiện?

Được phê chuẩn từ năm 1967, Tu chính án thứ 25 của Hiến pháp Mỹ quy định cách thức xử lý khi tổng thống được xác định không đủ khả năng thực hiện các công việc vì lý do nào đó, ngoài việc bị thương hoặc qua đời. Trong lịch sử Mỹ, Tu chính án thứ 25 chỉ mới được áp dụng hai lần, mỗi lần kéo dài vài giờ đồng hồ khi các Tổng thống Ronald Reagan và George W.Bush đang phẫu thuật.

Điều 4 trong Tu chính án thứ 25 cho phép Phó tổng thống Mỹ và quan chức chính phủ gửi đề xuất tới Quốc hội khi họ tin rằng tổng thống không còn khả năng hoàn thành công việc. Nếu được thông qua, Phó tổng thống sẽ lên nắm quyền và trở thành Tổng thống Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc trong trường hợp muốn loại bỏ Tổng thống Trump bằng Tu chính án thứ 25, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence là người duy nhất có thể đứng đơn nộp lên Quốc hội Mỹ để xem xét về năng lực của Tổng thống. Trong khi đó, ông Pence đã ra tuyên bố khẳng định mình không phải là người viết bài luận trên New York Times, đồng thời chỉ trích tác giả bài viết.

Trong trường hợp ông Pence nhận được sự ủng hộ của 2/3 nghị sĩ ở cả hạ viện và thượng viện để loại bỏ ông Trump, cuộc khủng hoảng vẫn chưa chấm dứt. Brian Kalt, giáo sư luật hiến pháp tại Trường Luật Đại học Michigan, cho biết vì điều 4 Tu chính án thứ 25 không giới hạn số lần tổng thống nộp đơn khiếu nại lên Quốc hội, nên về lý thuyết, ông Trump vẫn có thể hết lần này đến lần khác nộp đơn lên Quốc hội để tuyên bố mình có đủ năng lực lãnh đạo. Nếu vậy, trong suốt thời gian còn lại của nhiệm kỳ, ông Trump có thể buộc Quốc hội Mỹ phải bỏ phiếu mỗi tháng một lần, trong khi ông vẫn là ông chủ Nhà Trắng với cương vị Tổng thống Mỹ.

Vì vậy, giới phân tích cho rằng, việc viện dẫn Tu chính án thứ 25 để loại bỏ một tổng thống có đủ điều kiện sức khỏe và tinh thần để "phản công" là không phù hợp. "Khả năng áp dụng Tu chính án thứ 25 để đối phó với ông Trump trong hoàn cảnh này là sai lầm và nguy hiểm", Bernstein nhận định. Dù khó xảy ra nhưng những chỉ trích của bà Warren nhất định sẽ châm ngòi cho một cuộc tranh luận về tiềm năng tái đắc cử của ông Trump vào năm 2020 cũng như gây nhiều khó khăn trong quãng thời gian còn lại trong nhiệm kỳ của ông chủ Nhà Trắng.

AN BÌNH