TPP có chia rẽ Châu Á?

Thứ hai, 26/10/2015 10:12

(Cadn.com.vn) - Bất kỳ thỏa thuận thương mại nào cũng kèm theo “quả ngọt” và “trái đắng” và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng không ngoại lệ.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều lo ngại, TPP sẽ không được Quốc hội tất cả 12 quốc gia phê chuẩn. Nhưng dù nếu TPP không có hiệu lực, không ai có thể lay chuyển được thực tế, TPP vẫn đảm bảo nền tảng quan trọng để Mỹ tiếp tục tái khẳng định vị thế ở Châu Á, và sẽ giúp đảm bảo sự ổn định trong khu vực ngày càng bị xé nát bởi chủ nghĩa dân tộc và tranh chấp lãnh thổ.

Hiện nay, các nghị sĩ Mỹ đang tập trung cao độ để mổ xẻ những “quả ngọt” và “trái đắng” mà TPP có thể mang lại để đi đến quyết định quan trọng là có thông qua thỏa thuận này hay không. Ngay cả khi những ưu, khuyết điểm được đưa ra bàn cân, Nhà Trắng chắc chắn sẽ vẫn kiên quyết bảo vệ thỏa thuận thương mại quan trọng này. Chính quyền Tổng thống Barack Obama xem TPP là chìa khóa quan trọng đảm bảo mối quan hệ chiến lược của Mỹ ở Châu Á, từ đó giúp đảm bảo vị thế bền vững hơn của họ tại khu vực đông dân nhất và kinh tế tốt nhất thế giới.

Vì thế, nhiều người có lý do để lo ngại, TPP có thể khiến mối quan hệ Mỹ-Trung càng thêm căng thẳng. Trên thực tế, Mỹ đóng vai trò hàng đầu trong thỏa thuận thương mại vốn đại diện cho 40% GDP toàn cầu trong khi Trung Quốc vẫn “nói không” với TPP. Thậm chí, Nhà Trắng không ngần ngại công khai vận động các quan chức an ninh cấp cao ủng hộ TPP, gồm cả Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter – người đã tuyên bố: “Đối với tôi, việc ký kết TPP cũng quan trọng như có một tàu sân bay vậy”.

Tất cả các thỏa thuận thương mại, tất nhiên, chủ yếu nhắm trọng tâm các lợi ích kinh tế giữa các chính phủ. Nhưng khía cạnh an ninh trong TPP cũng rất được coi trọng, phản ánh thực tế nóng bỏng tại biển Hoa Đông và biển Đông – nơi Trung Quốc có những tuyên bố chủ quyền vô lý. Với TPP, mối quan hệ an ninh giữa 12 quốc gia thành viên sẽ trở nên gần gũi hơn không chỉ về kinh tế mà còn về an ninh. Thực tế đang chứng minh điều này là đúng. Mối quan hệ kinh tế gần gũi hơn thường dẫn đến tăng cường hợp tác quân sự, như trường hợp của Nhật và Australia.

Trung Quốc - cho đến nay - chắc chắn vẫn xem TPP là một “âm mưu” nhằm cô lập và kiềm chế các tham vọng toàn cầu của nước này. Nhưng thực tế cho thấy, các mục tiêu phổ quát của thỏa thuận này, trong đó có cải cách hành chính và bảo vệ môi trường, cũng là điều mà Trung Quốc hướng tới.

Và đã có nhiều lời kêu gọi Bắc Kinh nên tham gia TPP vào một thời điểm thích hợp vì mục tiêu phổ quát của TPP tương đồng với nghị trình cải cách kinh tế của chính Bắc Kinh.

Tất nhiên, hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá khi nào và liệu TPP có được tất cả 12 quốc gia phê chuẩn hay không và liệu Trung Quốc có đổi ý tham gia TPP hay không. Nhưng thực tế rõ ràng có thể trả lời đáp án “không” cho câu hỏi đặt ra: Liệu TPP có chia rẽ Châu Á hay không?

Thanh Văn