Trả hồ sơ vụ giám đốc chi 1,1 tỷ đồng "hoa hồng" cho cán bộ
TAND tỉnh TT-Huế vừa trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Tư vấn đầu tư, dịch vụ việc làm (viết tắt: Trung tâm) thuộc Ban quản lý Khu Kinh tế Chân Mây- Lăng Cô tỉnh TT-Huế. Các bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án này gồm: Lê Hữu Lam, nguyên Giám đốc Trung tâm (nay là Trung tâm xúc tiến tư vấn đầu tư dịch vụ việc làm thuộc Ban Quản lý KKT- Công nghiệp tỉnh TT-Huế) và Nguyễn Lợi, nguyên Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch.
Bị cáo Lam (bìa trái) và Nguyễn Lợi. |
Trung tâm là đơn vị sự nghiệp có thu, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản để hoạt động với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn: quy hoạch, đầu tư, xây dựng, nguồn nhân lực, việc làm, du lịch và dịch vụ, đất đai và tham mưu quản lý trên các lĩnh vực được giao. Nguồn kinh phí thường xuyên do ngân sách nhà nước cấp phục vụ trả lương cho cán bộ công chức, viên chức. Nguồn thu chính của Trung tâm từ hoạt động dịch vụ đo vẽ lập bản đồ địa chính, những chi phí phát sinh liên quan đến hoạt động dịch vụ đều được chi ra từ nguồn thu dịch vụ này.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh TT-Huế, với chức năng nhiệm vụ được giao, trong thời gian từ năm 2011- 2015, lợi dụng giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại Trung tâm, bị cáo Lam đã chỉ đạo Nguyễn Lợi nâng khống chi phí giao khoán tiền công thực hiện công trình quy hoạch nông thôn mới 4 xã của H. A Lưới (TT-Huế) từ 35% lên thành 75%, tương ứng với số tiền hơn 172 triệu đồng lên thành gần 370 triệu đồng. Số tiền chênh lệch ông Lam chỉ đạo để ngoài sổ sách, sử dụng vào các chi phí nhưng không có hóa đơn chứng từ, gây thiệt hại cho Trung tâm 197 triệu đồng.
Ngoài ra, trong quá trình chỉ đạo, điều hành, Lam đã đưa ra chủ trương thông qua khoán sản phẩm cho người lao động để giữ lại hơn 2,8 tỷ đồng. Số tiền này được dùng để chi cho các hoạt động của Trung tâm và chi tiền hoa hồng phần trăm giá trị công trình cho các chủ đầu tư. Cụ thể, Lam đã chi số tiền hơn 1,6 tỷ đồng để phục vụ cho lợi ích cán bộ viên chức, người lao động của Trung tâm như chi thưởng lễ, tết, ốm đau, hiếu hỷ, công đoàn; chi phần trăm giá trị công trình cho chủ đầu tư với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.
Cáo trạng cho rằng, khoản tiền hơn 1,1 tỷ đồng chi phần trăm cho các chủ đầu tư nhưng không có người nhận và khoản tiền nâng khống chi phí tiền công khoán hơn 197 triệu đồng sử dụng để bù chi phí không có hóa đơn chứng từ thanh toán cần buộc các bị can phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Vì vậy, bị cáo Lam và Lợi đã vi phạm Luật Kế toán năm 2003, gây thiệt hại cho Trung tâm hơn 1,3 tỷ đồng nên phạm tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Vì vậy, đại diện VKSND tỉnh TT-Huế đề nghị tuyên phạt bị cáo Lam từ 4 năm 6 tháng đến 5 năm 6 tháng tù. Đối với bị cáo Lợi, đề nghị tuyên phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Trình bày tại tòa, bị cáo Lam cho rằng, thực chất số tiền 197 triệu đồng là chi phí có thật do cán bộ, nhân viên Trung tâm đã tạm ứng để phục vụ công tác lập đồ án quy hoạch nông thôn mới và phục vụ lợi ích cho cán bộ công nhân viên chứ không phải gây thiệt hại cho Trung tâm. Về khoản tiền hơn 1,1 tỷ đồng chi “hoa hồng” cho các chủ đầu tư, ông Lam khẳng định hoàn toàn có thật và ông cũng đã cung cấp cho cơ quan điều tra bảng kê chi tiết đã chi “hoa hồng” cho nhiều cán bộ là lãnh đạo cấp xã, cấp huyện và cả một số lãnh đạo Sở, ban, ngành.
“Đây là tiền công khoán của người lao động và được người lao động tự nguyện trích lại để thưởng cho các tập thể, cá nhân đã giao việc làm cho đơn vị trong thời gian từ năm 2011-2015. Vì vậy, theo bị cáo đây không phải là tiền của Trung tâm như quy kết của cơ quan điều tra và cáo trạng của viện kiểm sát nên bị cáo không gây thiệt hại cho trung tâm”, bị cáo Lam trình bày.
Theo bị cáo Lam, trước khi chi tiền “hoa hồng” giá trị công trình cho các chủ đầu tư đã giao việc, trung tâm đã họp và thống nhất. Bị cáo Lam nói tiền hoa hồng này chi cho chủ đầu tư nhằm khuyến khích, động viên chủ đầu tư đã quan tâm giao việc cho đơn vị, giúp đơn vị hoàn thành chức năng nhiệm vụ được giao và nâng cao thu nhập cho người lao động. Trên cơ sở đó, Lê Hữu Lam khẳng định, bị cáo không phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tại tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Lam phân tích, tiền ông Lam bị quy kết gây thiệt hại cho trung tâm thực chất là tiền khoán của người lao động, các khoản chi đã được người lao động thống nhất và không có ai khiếu nại gì nên không thể quy kết bị cáo Lam phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 30-11, căn cứ vào các chứng cứ và lời khai tại tòa, HĐXX TAND tỉnh TT-Huế quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vì vụ án có nhiều tình tiết phức tạp cần làm rõ.
H.LAN