"Trận chiến" quyết định

Thứ ba, 05/05/2015 09:37

(Cadn.com.vn) - Nước Anh sẽ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng phát xít, kết thúc Thế chiến II vào ngày 8-5 tới. Tuy nhiên, 24 giờ trước khi diễn ra Lễ mừng Chiến thắng cùng với các lễ hội ở Châu Âu, một "trận chiến mới" bắt đầu ở Anh. Đó là "Trận chiến nước Anh" - nói về cuộc tổng tuyển cử quan trọng ở nước này, được đánh giá là cuộc chiến giữa đảng Lao động và đảng Bảo thủ.

Theo giới phân tích, cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 7-5 sắp tới được đánh giá là cuộc so tài gay cấn và mang tính quyết định nhất kể từ sau khi kết thúc Thế chiến II vào năm 1945 ở nước Anh. Đối với nhiều nhà quan sát, một điều chắc chắn là, người đàn ông đi qua cánh cửa nhà số 10 Phố Downing với tư cách Thủ tướng sẽ là một trong hai cái tên nổi bật nhất hiện nay: Thủ lĩnh phe Bảo thủ, đương kim Thủ tướng David Cameron và nhà lãnh đạo đảng Lao động đối lập Ed Miliband.

Hôm 1-5, cả hai đã đối mặt với những câu hỏi hóc búa từ khán giả chương trình Question Time (Chất vấn) trên BBC về kế hoạch kinh tế. Đây là lần chất vấn cuối cùng trên truyền hình trong chiến dịch vận động bầu cử của các đảng phái chính trị tại Anh trước khi bước vào cuộc đua sống còn. Vì vậy, những gì cần thay đổi chỉ sẽ là cấu trúc của chính quyền mà người dân Anh chờ đợi được biết sau khi thức dậy vào sáng 8-5 khi công việc kiểm phiếu bầu cử Quốc hội 650 ghế đã hoàn thành.

Anh có 523 đơn vị bầu cử, Scotland có 59, Wales có 40 và Bắc Ireland có 18. Điều này có nghĩa là đảng nào chiếm được 326 ghế sẽ giành chiến thắng đa số tuyệt đối và lãnh đạo đảng đó sẽ trở thành Thủ tướng. Nếu không có đảng nào giành đa số ghế, Quốc hội sẽ rơi vào tình trạng "Quốc hội treo". Và đảng nào chiếm được nhiều số ghế nhất có thể thành lập chính phủ thiểu số hoặc liên minh với đảng khác để thành lập chính phủ.

Trong cuộc bầu cử năm nay, ngay cả các nhóm chính trị khôn ngoan nhất cũng không thể đưa ra dự đoán kết quả. Đảng Bảo thủ và Lao động vẫn đang bám sát nhau trong vài ngày cuối cùng trước khi cuộc bỏ phiếu bắt đầu vào lúc 7 giờ ngày 7-5 Mặc dù các nhà lãnh đạo đảng khẳng định không hề muốn bắt tay với các đảng thiểu số, kỳ vọng về việc một trong hai đảng đạt mục tiêu vàng - 326 ghế - là không cao. Trong số các đảng nhỏ hơn, đảng Quốc gia Scotland (SNP) hiện đang chạy đua vào Nghị viện Scotland, mặc dù chỉ có 6 thành viên Quốc hội tại Westminster so với 40 ghế của đảng Lao động và 1 ghế duy nhất của đảng Bảo thủ.

Vì vậy, chắc chắn, sẽ có hàng loạt các cuộc đàm phán đằng sau hậu trường giữa các nhà lãnh đạo các đảng. Và người dân Anh có thể phải chờ đợi khá lâu để có thể đón một chính phủ mới.

Thanh Văn