Trận đánh đi vào huyền thoại

Thứ sáu, 27/12/2013 10:45

(Cadn.com.vn) - Những ngày này, cùng với lãnh đạo chính quyền địa phương, đông đảo người dân P.Thanh Khê Đông, Q.Thanh Khê (TP Đà Nẵng) đã đến viếng, dâng hương và thăm lại ngôi nhà Mẹ Dũng sĩ Thanh Khê (đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia), nhân dịp Kỷ niệm 45 năm chiến công Mẹ Nhu, Mẹ Hiền và 7 Dũng sĩ Thanh Khê (26-12-1968–26-12-2013). Ông Cao Xuân Hiệu, Bí thư Đảng ủy phường xúc động bày tỏ: “Chiến công của Mẹ Nhu, Mẹ Hiền và 7 Dũng sĩ Thanh Khê và những trận đánh ngay trong lòng địch mãi mãi là niềm tự hào, là bài học quý giá về đường lối chiến tranh nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng; bài học về lòng thủy chung, kiên trung với Đảng, với cách mạng của nhân dân ta; bài học về tinh thần yêu nước, tinh thần chiến đấu quật cường của quân và dân Thanh Lộc Đán-Khu Tây-quận Nhì trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm.

Trên địa bàn Q.Thanh Khê ngày nay có một con đường mang tên Mẹ Nhu, một con đường mang tên Mẹ Hiền và một ngôi trường mang tên Dũng Sĩ Thanh Khê”. Những nhân chứng từ trận đánh ấy như bà Nguyễn Thị Tám, Anh hùng LLVTND; Nguyễn Đình Năm, Trần Chi, Huỳnh Thị Trang... cũng đã có mặt để giao lưu, kể lại những giây phút hào hùng, quyết tử, những ký ức vẫn còn tươi mới, vẹn nguyên của  một thời hoa lửa ngay trên chính mảnh đất được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND...

Viếng mộ mẹ Nhu trong quần thể khu di tích.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, trên địa bàn Khu Tây-quận Nhì đã diễn ra nhiều trận chiến đấu vô cùng oanh liệt. Tiêu biểu nhất là trận chiến đấu quả cảm của 7 chiến sĩ biệt động quận Nhì, với sự đùm bọc, chở che, tiếp sức của Mẹ Nhu, Mẹ Hiền và các cơ sở cách mạng, diễn ra vào ngày 26-12-1968 tại khu vực Thanh Khê 4, Thanh Khê 5. Trận đánh huyền thoại đó, ta đã đánh bại cuộc vây ráp tấn công của 3 tiểu đoàn Mỹ-ngụy có xe, pháo, máy bay yểm trợ; tiêu diệt và làm bị thương 80 tên địch.

Trong trận chiến đấu này, mẹ Lê Thị Dãnh (tức mẹ Nhu) và đồng chí Nguyễn Văn Huề đã anh dũng hy sinh. Anh Phạm Phú Long, mẹ Hiền, chị Trần Thị Xí và anh Hồ Văn Được-một cơ sở cách mạng được cài cắm trong hàng ngũ địch bị địch bắt bỏ tù, bị đánh đập, tra tấn dã man nhưng vẫn một lòng, một dạ kiên trung với Đảng, với cách mạng. Năm 1970, anh Long vượt ngục trở về tiếp tục hoạt động và hy sinh năm 1973. Chiến công của 7 Dũng sĩ Thanh Khê và những trận đánh ngay trong lòng địch của Đội biệt động quận Nhì có sự đóng góp rất lớn của mẹ Nhu, mẹ Hiền và các cơ sở cách mạng như vợ chồng cô Huỳnh Thị Trang-chú Hồ Văn Được, cô Lê Thị Nhi, chị Trần Thị Xí; gia đình bà Lê Thị Côi, bà Huỳnh Thị Chanh, bà Xã Nhất và nhiều gia đình cơ sở khác...

Tặng quà lưu niệm cho các nhân chứng lịch sử tại buổi giao lưu.

Tại lễ dâng hương, giao lưu với các nhân chứng lịch sử, đồng chí Cao Xuân Hiệu đã cảm tác những dòng thơ  xúc động “Chúng con về viếng mộ Mẹ chiều nay/ Trời se lạnh biển thì thầm sóng vỗ/ Con hẽm nhỏ nối hai đầu dãy phố/ Nơi Mẹ nằm tĩnh mịch bóng thời gian.../ Dáng Mẹ hiên ngang tạc vào thế kỷ/ Nén hương này con thắp lửa lòng con”.

Phương Kiếm