Trăn trở ở Phước Lộc

Thứ tư, 08/07/2020 17:16

Sau đại dịch bạch hầu giữa năm 2015 khiến nhiều người chết, những năm qua, thôn 2, xã Phước Lộc (H. Phước Sơn, Quảng Nam) đã có nhiều khởi sắc. Trẻ sinh ra đã được tiêm phòng đầy đủ hơn, cùng với đó chính quyền cơ sở đã hỗ trợ một số điều kiện để đưa người dân nơi đây đến gần hơn với ánh sáng văn minh. Tuy nhiên, để cuộc sống người dân thật sự đổi thay là điều không đơn giản.

Vợ chồng anh Hồ Văn Đời bên căn nhà tuềnh toàng, không có tài sản gì đáng giá.

Lên đời là mua... bia

Giữa cái nắng trưa hè như “đổ lửa”, vợ chồng Hồ Văn Đời (40 tuổi, trú thôn 2, xã Phước Lộc, H. Phước Sơn, Quảng Nam) phơi đầu trần, ngồi trước hiên nhà như đang chờ đợi điều gì. Thấy chúng tôi từ cuối làng đi ra, Đời với gọi theo: “Mua chim không?”. Tiếng đồng bào vùng cao nói nghe không rõ, nên tôi phải đến gần Đời để hỏi lại: “Mua cái gì?”. Đời đáp: “Mua chim không? Tôi mới bắt được con chim đây!”. Vừa nói, Đời vào trong nhà mang ra chiếc lồng sắt, bên trong có con chim chích chòe vôi vừa mới chuyền khỏi tổ. “Chim đây. Nó rời tổ bay trong rừng. Cả buổi sáng tôi chạy theo mới bắt được đó”- Đời kể lại chuyện mình bắt chim.

- Thế con chim này anh bán bao nhiêu?

- 40 ngàn!

- Tôi đưa anh 50 ngàn luôn đây?

- Được đó!

- Mà tiền đó để mua gì ăn, chứ đừng uống rượu nhé!

- Ừ mình biết rồi!

Đối với tôi và nhiều người hay đến xã vùng cao Phước Lộc, Hồ Văn Đời không còn xa lạ. Bởi năm 2016, Đời thật sự “lên đời” vì được nhận hơn 145 triệu đồng từ tiền đền bù của thủy điện Đắc Mi 2. Với người dân nơi “thâm sơn cùng cốc này”, tiền triệu đối với họ là giấc mơ, thế mà bỗng chốc cầm trên tay đến cả trăm triệu. Có tiền, Đời đi mua bia lon về chất chật nhà “nhằm có cái để uống dần”. “Lâu nay nghèo nên mình cứ uống rượu, có tiền thì phải mua bia mà uống chứ”- Đời hồn nhiên nói. Với suy nghĩ đó, suốt ngày vợ chồng Đời chìm trong men say, chẳng bao lâu, số tiền trên hết sạch.

Sau đợt nhận đền bù đó, Đời tiếp tục nhận thêm tiền đền bù gần 150 triệu do thủy điện nâng cao trình tích nước lên 6 mét. Tưởng chừng “rút kinh nghiệm” đợt đầu, vợ chồng Đời biết chi tiêu, dành dụm. Thế nhưng chỉ vài ngày, số tiền trên cũng vơi hết theo những hơi men. Có tiền nhiều xài phung phí thành quen. Khi đã hết tiền đền bù từ thủy điện, “khát bia”, Đời bán luôn căn nhà gỗ mà gia đình đang ở lấy 5 triệu đồng để thỏa mãn cơn say...

Vào bên trong căn nhà mà vợ chồng Đời đang ở, tài sản có giá trị nhất có lẽ là con chim mà Đời mới vừa bán. Trong nhà trống trơn. Vài bộ quần áo cũ vắt trên dây; chiếc sạp làm bằng tre để làm nơi ngủ cũng đã mục nát; bên cạnh bếp lửa nham nhở tro bụi, vài chiếc xoong, nồi móp méo nằm chỏng chơ dưới đất. Nhìn thấy vết thương trên đầu của Đời, tôi hỏi vì sao có cục u phía sau gáy, Đời nói: “Tối qua say quá không biết chi. Sáng dậy nghe người ta nói mình bị thanh niên cuối làng đánh vì mình gây gổ. Nhưng mình có gây chi đâu, người ta ghét mình nên họ đánh thôi”- Đời phân bua. Vợ Đời từ khi chúng tôi gặp cứ dùng tay chống cằm, không nói lời nào. Mà cũng lạ, ngồi hay đứng chị ta đều chống cằm. Khi chúng tôi chuẩn bị rời đi, chị này mới nói và đưa tay xin tôi vài đồng. Tôi hỏi: “Xin tiền để làm gì?”. Chị đáp: “Mấy ngày nay mình chưa có giọt rượu nào trong người!”.

Sinh con ở bìa rừng

Cạnh đó, trong căn nhà rộng chừng 40m2 lợp bằng tôn, xung quanh thưng ván và phên tre, chị Hồ Thị Thủy (24 tuổi) đang ru con ngủ. 5 năm trước, chị Thủy quen với một thanh niên từ miền Bắc đến Quảng Nam làm nghề phu vàng. Hai người nên duyên vợ chồng, song sau khi đứa con đầu tiên chào đời được 5 tháng thì thanh niên này bỏ đi, để lại vợ con bơ vơ trong căn nhà trống hoác, không có tài sản gì đáng giá. Sau những ngày tháng nuôi con một mình, đến cuối năm 2018, chị Thủy quen một người đàn ông khác và dự định đi bước nữa. Hai người chưa tổ chức đám cưới thì chị Thủy mang bầu.

Chị Hồ Thị Thủy kể chuyện mình phải ở ngoài bìa rừng sau khi sinh con theo luật tục của đồng bào.

Theo luật tục của người dân tộc Giẻ Triêng ở đây, mang bầu trước khi cưới là rất xui xẻo, mang điều xấu cho dân làng. Do vậy, chị Thủy không được sinh con trong nhà mà phải ra bìa rừng. Hôm trở dạ, Thủy đến Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn hạ sinh đứa bé, 5 ngày sau được xuất viện. Hai mẹ con về đến đầu làng thì chồng đón sẵn, đưa ra bìa rừng. Ở đó, một lều nhỏ được làm bằng tấm bạt che nắng, che mưa và mấy tấm ván ghép tạm làm giường nằm. Hàng ngày, người chồng phục vụ cơm nước và giặt giũ áo quần cho hai mẹ con. Không người làng nào được đến gần. Sau 10 ngày ở lều, vợ chồng Thủy vay mượn tiền mua một con lợn trên 10 ký để nộp cho làng làm lễ cúng. “Biết ra bìa rừng ở thì mẹ và đứa con bị ảnh hưởng đến sức khỏe, do mưa nắng và điều kiện vệ sinh không đảm bảo như ở nhà, nhưng không dám làm trái phong tục của làng. Bởi theo phong tục, nếu đưa con về nhà ở, sau này trong làng có người bất ngờ chết hay tai họa ập đến thì mọi tội lỗi đổ lên đầu đứa trẻ”- chị Thủy nói.

Ông Lưu Huyền Thoại - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc cho hay, những năm qua ông đã cùng chính quyền địa phương và người có uy tín trong làng nỗ lực vận động, loại bỏ dần nhiều luật tục không phù hợp của người Giẻ Triêng, trong đó có vấn nạn buộc phụ nữ sinh con ở bìa rừng. Qua đó cơ bản thay đổi được nhận thức của người dân trên địa bàn. Tuy nhiên vẫn còn rơi rớt lại một, hai trường hợp tập trung ở thôn 2, với lý do chưa tổ chức đám cưới đã mang bầu.

 “Để xóa bỏ hủ tục của người dân không đơn giản, vì nó đã tồn tại lâu đời trong tiềm thức của mỗi người dân địa phương nơi đây. Do vậy, phải cần thời gian để người dân sớm thích nghi, vượt qua các hủ tục”- ông Thoại chia sẻ.

BÃO BÌNH