Tranh cãi ADIZ trên biển Đông

Thứ năm, 06/02/2014 10:18

(Cadn.com.vn) - Cuộc khẩu chiến xung quanh việc Trung Quốc đang có kế hoạch thiết lập Vùng Xác định phòng không (ADIZ) trên biển Đông đang ngày càng nóng lên sau khi Mỹ ngày 5-2 cảnh báo Bắc Kinh, đó là “hành động khiêu khích”.

AP dẫn lời trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel chỉ trích Trung Quốc về các tuyên bố chủ quyền gây quan ngại của Bắc Kinh đối với biển Đông và biển Hoa Đông, đồng thời cảnh cáo nước này không được thiết lập ADIZ trên biển Đông. Trả lời họp báo, ông Daniel Russel cho biết, Nhà Trắng quan ngại trước các tuyên bố chủ quyền khiêu khích “theo cách phi ngoại giao và phi pháp” của Trung Quốc, ám chỉ những quy định gần đây mà Bắc Kinh áp đặt đối với các tàu cá của nước ngoài hoạt động tại một phần của biển Đông.

Việc Trung Quốc mở ADIZ ở biển Hoa Đông bị chỉ trích mạnh mẽ vì nó bao phủ cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản và cả quần đảo của Hàn Quốc. Tuy nhiên, giờ đây, Trung Quốc vẫn bác bỏ khả năng thiết lập ADIZ trên biển Đông, khu vực vốn đang bị nhốt trong cuộc tranh chấp lãnh thổ kéo dài với Philippines và các quốc gia Đông Nam Á khác. Theo người phát ngôn Hồng Lỗi, Trung Quốc không thấy “bất kỳ mối đe dọa an ninh hàng không từ các nước ASEAN”  và bày tỏ lạc quan về mối quan hệ với các nước láng giềng và tình hình chung trong khu vực biển Đông.

Trung Quốc thiết lập ADIZ (đường đứt đoạn) trên biển Hoa Đông. Ảnh: BBC

Trung Quốc, thay vào đó, đổ lỗi cho Nhật Bản tạo tin này. Trong cuộc họp báo được tổ chức tại Bắc Kinh hôm 4-2, Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila cung cấp cho báo chí địa phương, về những chứng cứ được cho là nhằm buộc tội các lực lượng cánh hữu Nhật Bản nhiều lần “hò hét” về kế hoạch Trung Quốc thiết lập ADIZ trên biển Đông. Ông cho rằng, đây là kế hoạch mang “động cơ kín đáo” nhằm “chuyển sự chú ý quốc tế và che đậy âm mưu thay đổi hiến pháp hòa bình của Nhật Bản và mở rộng sức mạnh quân sự”.

Bắc Kinh cũng buộc tội giới truyền thông Mỹ và Nhật có những “nhận xét vô trách nhiệm”, ám chỉ đến những bài viết trên các phương tiện truyền thông của Tokyo nói về khả năng Bắc Kinh có kế hoạch thành lập ADIZ trên biển Đông và việc Washington cảnh báo chống lại động thái như vậy. “Là một nước có chủ quyền, Trung Quốc có quyền bảo vệ an ninh quốc gia với bất kỳ phương tiện nào, bao gồm cả việc thành lập ADIZ để đáp ứng với tình hình an ninh hàng không”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi, cho biết trong cuộc họp báo.

Thủ tướng Nhật bảo vệ quyền phòng vệ tập thể

Thủ tướng Shinzo Abe ngày 5-2 khẳng định, Nhật Bản phải đối mặt với “những bất lợi” khi còn do dự về việc thực thi quyền phòng vệ tập thể đồng thời bày tỏ kỳ vọng gỡ bỏ lệnh cấm mà Tokyo tự áp đặt về việc này.

Phát biểu trước Ủy ban Ngân sách Thượng viện, ông Abe cho biết Nhật Bản có thể thực hiện quyền này “nếu chính phủ đưa ra cách hiểu mới về Hiến pháp” và “không nhất thiết phải sửa đổi Hiến pháp”. Bản Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản hiện cấm sử dụng vũ lực như là một phương tiện giải quyết tranh chấp quốc tế.

Biển Đông hiện đang là chủ đề của nhiều tranh chấp lãnh thổ, nhất là Philippines và Trung Quốc trong vụ việc mà Manila đã đệ đơn kiện lên Tòa án LHQ. Bắc Kinh cũng đang vấp phải chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế khi vô lý ra tuyên bố chủ quyền toàn bộ biển Đông với “đường lưỡi bò” gây tranh cãi. Có lẽ vì thế mà Tổng thống Philippines Benigno Aquino so sánh các nỗ lực tuyên bố chủ quyền đối với các khu vực tranh chấp của Trung Quốc với hành động của Đức Quốc xã, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới không tạo ra những chính sách nhượng bộ sai lầm.

Tờ New York Times số ra ngày 5-2 trích lời của ông Aquino phát biểu trong cuộc phỏng vấn hôm 4-2 nói rằng, đất nước của ông không thể đơn độc chống lại quốc gia láng giềng hùng mạnh. Mặc dù Tổng thống Aquino xác nhận, Philippines - vốn có lực lượng quân sự yếu nhất khu vực - sẽ không nhường bất kỳ phần lãnh thổ nào cho Trung Quốc, song khẳng định, Malina cần sự trợ giúp của nước ngoài. “...nên nhớ, vùng Sudetenland được đưa ra trong một nỗ lực nhằm nhượng bộ Hitler để tránh Thế chiến II”, ông Aquino nói như một cách ám chỉ tới sự thất bại của Phương Tây nhằm hậu thuẫn Tiệp Khắc cũ khi Đức Quốc xã chiếm đóng nhiều khu vực phía Tây của quốc gia này vào năm 1938, trước thềm Thế chiến II.

Khả Anh