Tranh cãi Mỹ-Triều phủ bóng Thế vận hội Pyeongchang
Những động thái “ăn miếng trả miếng” của Mỹ và Triều Tiên đang phủ bóng chính trị mịt mù lên Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang.
Các thành viên đội Olympic Triều Tiên đến làng vận động viên tại Hàn Quốc tham gia Thế vận hội PyeongChang. Ảnh: CNN |
Hàn Quốc có thể sẽ chào mừng Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang, bắt đầu vào ngày 9-2 tới, như là “Thế vận hội Hòa bình”, nhưng điều đó đã không ngăn Mỹ và Triều Tiên tìm kiếm các điểm chính trị để công kích nhau.
Trong động thái chắc chắn “làm phiền” Bình Nhưỡng, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố sẽ cùng cha của cựu sinh viên Mỹ từng bị Triều Tiên bỏ tù Otto Warmbier đến dự lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang, tờ Washington Post cho hay. Theo giới phân tích, hy vọng về các cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa Triều Tiên và Mỹ trong kỳ Thế vận hội rất mong manh.
Trò chơi chính trị
Bất chấp động thái tan băng trong mối quan hệ liên Triều với sự tham gia của phái đoàn Triều Tiên tại Thế vận hội PyeongChang, căng thẳng vẫn tiếp tục gia tăng giữa Mỹ-Triều. Và những tranh cãi chính trị Mỹ-Triều bắt đầu nóng lên trước thềm Thế vận hội. Trong Thông điệp Liên bang đầu tiên của mình hôm 30-1, Tổng thống Mỹ Donald Trump không ngừng chỉ trích nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un.
Điều gây chú ý, cha mẹ của Otto Warmbier được mời tham dự buổi lễ đọc Thông điệp Liên bang của Tổng thống Trump, trong đó nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh, nước này sẽ không lặp lại “sai lầm của các chính quyền tiền nhiệm đã đẩy chúng ta vào tình thế rất nguy hiểm” với Bình Nhưỡng. Trong diễn biến mới nhất vào ngày 5-2, một trợ lý của Phó Tổng thống Mike Pence cho biết, “chắc chắn nhà lãnh đạo này sẽ không cho phép Triều Tiên tuyên truyền xâm chiếm thông điệp của Thế vận hội”.
Sinh viên Otto Warmbier qua đời sau khi được thả ra khỏi nhà tù Triều Tiên vào năm 2017, và cha mẹ Warmbier cho rằng, anh đã bị Bình Nhưỡng tra tấn trong thời gian giam giữ - cáo buộc mà Triều Tiên hoàn toàn bác bỏ. Sự xuất hiện của ông Fred Warmbier tại Thế vận hội lần này có thể sẽ khiến Bình Nhưỡng tức giận. Mới đây, Bình Nhưỡng đã hủy bỏ một cuộc biểu diễn văn hóa chung được tổ chức trước Thế vận hội, cáo buộc truyền thông Hàn Quốc không tôn trọng họ. Trong khi đó, giới phân tích cho rằng, việc hai miền Triều Tiên cải thiện quan hệ là điều mà Mỹ cảm thấy không thoải mái trong điều kiện hiện tại. “Những trò chơi này đang được coi là nền tảng cho chiến tranh ngoại giao của cả Mỹ và Triều Tiên... căng thẳng chắc chắn sẽ tăng lên”, một chuyên gia nhận định.
Về phần mình, Triều Tiên cũng đã đưa ra thông điệp lẫn lộn. Cuối tuần này, phái đoàn của nước này đến tham dự Thế vận hội sẽ do ông Kim Yong Nam dẫn đầu. Ông Kim hiện tại là một trong ba quan chức hàng đầu của nước này cùng với nhà lãnh đạo Kim Jong-Un. Trong một tuyên bố, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, sự hiện diện của Kim Yong Nam cho thấy sự nghiêm túc của Bình Nhưỡng trong việc tìm kiếm mối quan hệ hòa giải liên Triều và thành công cho Thế vận hội mùa Đông. Nhưng trước khi ông Kim ngồi xuống để xem buổi lễ khai mạc, Triều Tiên sẽ tổ chức cuộc diễu hành quân sự khổng lồ với hàng trăm tên lửa tầm xa, động thái như gửi thông điệp rõ ràng rằng, các nước không nên đánh giá thấp sức mạnh quân đội của họ.
“Thế vận hội Hòa bình”
Trong tất cả các trò chơi chính trị này, bên có nguy cơ bị lu mờ chính là Hàn Quốc.
Việc Triều Tiên đồng ý tham gia Thế vận hội đã trở thành câu chuyện lớn nhất trong suốt thời gian qua và khiến Hàn Quốc đang bị lãng quên, đặc biệt là sau khi các quan chức quyết định hợp nhất đội khúc côn cầu hai miền Bắc-Nam tham gia một trận đấu giao hữu với Thụy Điển và diễu hành dưới một lá cờ thống nhất trong lễ khai mạc. “Thật khó khăn cho Hàn Quốc để có cơ hội tổ chức Thế vận hội. Và bây giờ chúng ta thậm chí còn không được phép cầm cờ của chúng ta, thay vào đó, chúng ta phải cổ vũ với lá cờ thống nhất”, một người dân nói với CNN. Các chiến thắng ngoại giao cũng có thể bị hạn chế. Bởi mối quan tâm trước mắt là làm dịu xung đột sắp xảy ra trên bán đảo, nhưng những động thái gần đây của chính quyền Trump có thể làm suy yếu “bất cứ lợi ích ngắn hạn nào mà người Hàn Quốc có thể có được”.
KHẢ ANH