Tranh chấp khí đốt lên bàn hội đàm Nga – Ukraine

Thứ năm, 16/10/2014 08:20

(Cadn.com.vn) - Cuộc chiến khí đốt kéo dài cùng với hòa bình cho miền đông Ukraine sẽ lên bàn cuộc họp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Peter Poroshenko bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu diễn ra tại Italia, bắt đầu hôm nay (16-10).

Reuters dẫn tuyên bố của Điện Kremlin đưa ra hôm 15-10 cho biết, hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine đã điện đàm để thảo luận các biện pháp khôi phục lại hòa bình ở miền đông Ukraine. Cả hai nhất trí sẽ tiếp tục bàn về cuộc xung đột kéo dài đẫm máu này cũng như tranh chấp khí đốt tại Milan.

Từ khí đốt...

Tập đoàn Gazprom của Nga cắt nguồn cung khí đốt cho Ukraine từ hồi tháng 6 sau khi Kiev không thanh toán nợ cho Moscow, con số hiện nay ước tính hơn 5 tỷ USD.

Và tất nhiên, Ukraine phải đối mặt với khả năng thiếu hụt năng lượng trong mùa đông nếu không đạt được thỏa thuận mua bán khí đốt nào với Nga, nguy cơ lặp lại cuộc khủng hoảng khí đốt khiến gần như toàn bộ Châu Âu bị lạnh giá vì thiếu khí đốt trong năm 2006 và 2009.

Châu Âu nhận 1/3 nhu cầu khí đốt từ Nga, và khoảng một nửa trong số đó qua các trạm bơm trung chuyển của Ukraine. Các quan chức Nga và Ủy ban Châu Âu, vốn đứng trung gian hòa giải các cuộc đàm phán, nói rằng, một thỏa thuận đang ở rất gần. Tổng thống Poroshenko cũng bày tỏ hy vọng về “tiến bộ đáng kể” về vấn đề này trong các cuộc đàm phán ở Milan.

Tổng thống Nga Putin sẽ gặp người đồng cấp Ukraine Poroshenko tại Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu, diễn ra tại Milan từ ngày 16 đến 17-10. Ảnh: Reuters

... đến hòa bình cho đông Ukraine

Tuy nhiên, những nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận khí đốt, đang bị bao phủ bởi bóng ma xung đột ở đông Ukraine giữa lúc những cuộc pháo kích chết người tiếp tục làm suy yếu thỏa thuận ngừng bắn vốn rất mong manh.

Nói về vấn đề ở đông Ukraine, bản thân Tổng thống Putin tuyên bố, Moscow không thể khoanh tay đứng nhìn người dân ở đây chết đói, không thể nhận sự chăm sóc y tế. Phát biểu tại cuộc họp với các thành viên Hội đồng Nhân quyền ở Moscow, ông chủ Điện Kremlin nhấn mạnh, Moscow sẽ phối hợp với các đối tác phương Tây cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân ở đây và không đối đầu khi làm việc theo hướng này.

Rõ ràng, Nga đang nỗ lực hết mình cho Ukraine. Nhưng người ta lo ngại, phương Tây và Kiev sẽ cáo buộc Moscow mượn cớ hỗ trợ nhân đạo để hỗ trợ cho phe nổi dậy Ukraine. Thực tế cho thấy, Kiev và phương Tây vẫn luôn cáo buộc Moscow hỗ trợ phe nổi dậy ở đông Ukraine bằng cách điều binh sĩ và cung cấp vũ khí, động thái Nga luôn bác bỏ.

Chia rẽ sâu sắc vẫn ám ảnh lên mối quan hệ hai bờ Đông-Tây sau cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry tại Paris hôm 14-10. Vấn đề nằm ở chỗ Washington vẫn khăng khăng chỉ trích việc Moscow triển khai quân đến đông Ukraine, khi nói rằng “Moscow cần phải làm nhiều hơn nữa để được nới lỏng trừng phạt sau việc rút quân khỏi Ukraine”.

Trên thực tế, hôm 12-10, Tổng thống Putin ra lệnh cho quân đội rút quân về các căn cứ thường trực. Nhưng đây là lực lượng binh sĩ tham gia tập trận quân sự trong khu vực Rostov gần biên giới với Ukraine chứ không phải quân triển khai đến đông Ukraine.

Hiện nay, Nga-Mỹ có những chuyển biến tích cực hơn, nhưng đúng như lời Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố, cài đặt lại quan hệ song phương là “nhiệm vụ bất khả thi” nếu Nhà Trắng vẫn duy trì những biện pháp trừng phạt “ngu ngốc” chống lại Điện Kremlin.

Khả Anh