Transnistria với mối lo trở thành điểm nóng tiếp theo sau Ukraine

Thứ hai, 02/05/2022 11:28
Hơn hai tháng từ khi chiến sự bùng phát tại Ukraine, nguy cơ xung đột lan sang vùng ly khai Transnistria ở Moldova đang gia tăng.
Một cơ sở hạ tầng bị phá hỏng sau một vụ nổ ở Transnistria. Ảnh: Reuters
Một cơ sở hạ tầng bị phá hỏng sau một vụ nổ ở Transnistria. Ảnh: Reuters

Transnistria là một dải đất hẹp chạy dọc đường biên giới Ukraine-Moldova, nơi ước tính có 20.000 tấn vũ khí, đạn dược và chất nổ từ thời Liên Xô và hơn 1.000 binh sĩ Nga đồn trú với tư cách lực lượng gìn giữ hòa bình.

Moldova lâu nay vẫn lo ngại sẽ bùng nổ xung đột ở Transnistria như Ukraine, nhất là sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Một loạt vụ nổ ở Transnistria trong tuần này càng làm tăng thêm mối lo ngại. Các quan chức Moldova cho biết các cuộc tấn công được lên kế hoạch để "tạo cớ làm bùng nổ căng thẳng an ninh" trong khu vực tranh chấp. Các vụ nổ xảy ra vài ngày sau khi một chỉ huy cấp cao của Nga tuyên bố những người nói tiếng Nga ở Moldova đang bị trấn áp mạnh tay. Quân đội Ukraine vào cuối ngày 26-4 cảnh báo, quân đội Nga ở Transnistria "đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu hoàn toàn". Ngoài ra, lực lượng an ninh của phe ly khai Moldova cũng đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng cao độ.

Tổng thống Volodymyr Zelensky từng cảnh báo việc Nga đưa quân vào Ukraine có thể chỉ là sự khởi đầu và Moscow có ý định kiểm soát thêm lãnh thổ của các nước khác. Ông Zelensky còn lo ngại binh sĩ Nga ở Transnistria có thể tấn công Ukraine từ phía tây. Thực tế, rất ít người Moldova đến khu vực này vì nhiều mối lo ngại. Những binh sĩ Nga ở đó chủ yếu để canh gác kho đạn dược, vốn bị bỏ lại sau khi quân đội Liên Xô rút khỏi châu Âu vào cuối Thế chiến II và để bảo vệ một xưởng đúc thép trong khu vực. Lịch sử Transnistria gắn liền với Moldova, quốc gia vốn là một phần của Romania, sau đó sáp nhập vào Liên Xô trong năm 1940. Transnistria tách khỏi Moldova trong thời kỳ Liên Xô sụp đổ vào đầu những năm 1990, và khu vực này là nơi sinh sống của những người có liên hệ gần như bình đẳng với Nga, Romania và Moldova.

Mặc dù Liên hợp quốc không công nhận Transnistria là quốc gia độc lập và xem là một phần của Moldova nhưng trên thực có khoảng 500.000 người sống ở đó và lãnh thổ này có tên chính thức: Cộng hòa Moldova Pridnestrovian, nơi có chính quyền, pháp luật và cả đồng tiền riêng. Các quan chức Moldova từ lâu đã có cách tiếp cận thận trọng với Transnistria vì e dè Nga. Trong giao tranh với Ukraine, Moscow có thể dùng Transnistria làm nơi hỗ trợ y tế và thực phẩm, hộ tống đoàn xe vận tải và bảo vệ mạng lưới đường sắt. Đây cũng có thể là nơi an toàn để quân đội Nga chấn chỉnh lực lượng và sửa chữa trang thiết bị. Mới đây, một chỉ huy quân đội Nga gây bất ngờ khi gợi ý, Moscow dự định thiết lập hành lang nối liền từ miền Nam Ukraine tới Transnistria dù không quan chức cấp cao nào chính thức xác nhận điều này.

"Việc kiểm soát miền Nam Ukraine sẽ là một con đường nữa dẫn đến Transnistria, nơi thực tế cũng đang có hiện tượng người nói tiếng Nga bị áp bức", tướng Rustam Minnekaev, quyền chỉ huy Quân khu miền Trung của Nga tuyên bố. Phát biểu của ông Minnekaev khiến Moldova phản ứng gay gắt và làm dấy lên những tranh cãi và lo ngại về số phận của dải đất này.

Nga và Ukraine tiếp tục tiến hành trao đổi tù binh

Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết Kiev và Moscow ngày 30-4 đã tiến hành một đợt trao đổi tù binh, trong đó 7 binh sỹ và 7 dân thường Ukraine được trở về nhà.

Trong thông báo trên mạng xã hội, bà Iryna Vereshchuk cho hay trong số binh sỹ trên có một nữ quân nhân đang mang thai 5 tháng. Tuy nhiên, bà không cho biết Ukraine đã trao trả cho phía Nga bao nhiêu người. Hai nước đã tiến hành một số đợt trao đổi tù binh trong cuộc xung đột bắt đầu từ ngày 24-2. Hôm 27-4, Ukraine cho biết phía Nga đã trả tự do cho 33 binh sỹ Ukraine.

KHẢ ANH