Trao truyền sứ mệnh bảo vệ chủ quyền biển đảo cho thế hệ trẻ

Chủ nhật, 19/01/2014 23:38

(Cadn.com.vn) - Ngày 19-1, tại TP Đà Nẵng, đã diễn ra các hoạt động khẳng định chủ quyền của biển đảo Việt Nam, gồm: Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam – những bằng chứng lịch sử” và Hội thảo khoa học “Chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến
thả chim hòa bình nhân dịp Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam – những bằng chứng lịch sử”.  Ảnh: P.V

Bằng chứng lịch sử và pháp lý không thể chối cãi

Sáng 19-1, tại Bảo tàng Đà Nẵng, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với UBND TP Đà Nẵng tổ chức triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử”. Bản đồ và tư liệu  trưng bày lần này là bằng chứng lịch sử và pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa – Trường Sa. Các tư liệu cho thấy các nhà nước Việt Nam, từ thời phong kiến, đến thời kỳ xã hội chủ nghĩa ngày nay, đã khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên hai vùng đảo này. Với nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật, ấn phẩm và gần 150 bản đồ được trưng bày là tập hợp các nguồn tư liệu được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả trong nước và quốc tế.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son trao tư liệu khẳng định chủ quyền Việt Nam
đối với Hoàng Sa và Trường Sa cho Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến tại Triển lãm
“Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam – những bằng chứng lịch sử”.

Triển lãm gồm những nhóm tư liệu chính như: Phiên bản của các văn bản Hán Nôm, Việt ngữ và Pháp ngữ do triều đình phong kiến Việt Nam và chính quyền Pháp ở Đông Dương thay mặt Nhà nước Việt Nam khẳng định quá trình xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền đối với Hoàng Sa – Trường Sa. Đặc biệt là 20 bản sao châu bản triều Nguyễn ban hành liên quan trực tiếp đến Hoàng Sa –Trường Sa. Phiên bản các văn bản hành chính dưới thời Việt Nam Cộng hòa và phiên bản các văn bản hành chính của Nhà nước CHXHCN Việt Nam khẳng định chủ quyền tiếp tục khẳng định chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa. Sưu tập 65 bản đồ chứng minh chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa do Việt Nam và phương Tây công bố từ thế kỷ XVII đến nay. Đặc biệt có 4 atlas và 30 bản đồ do các nhà nước Trung Quốc xuất bản và phát hành chính thức qua các thời kỳ lịch sử, thể hiện Trung Quốc không hề liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa –Trường Sa.

Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 25-1 để đông đảo người dân, du khách có thể tham quan, tìm hiểu.

Tại triển lãm, UBND huyện Hoàng Sa (TP Đà Nẵng) cũng đã tổ chức trao giải cho các đồ án đoạt thứ hạng cao trong cuộc thi tuyển phương án kiến trúc nhà Trưng bày Hoàng Sa. Theo đó, từ 43 đồ án dự thi, Ban tổ chức đã chọn ra 4 giải khuyến khích, 3 giải ba và 3 giải nhì, không có giải nhất. 3 đề án đoạt giải nhì gồm: Đồ án mã số TH1504, đồ án PD3102 và RS1312 đều có những nét ưu điểm riêng nổi trội. Do vậy, Ban tổ chức quyết định sẽ tổ chức triển lãm riêng để tham khảo ý kiến nhân dân và đưa ra hội đồng kiến trúc thành phố để quyết định đồ án sẽ được chọn xây dựng nhà Trưng bày Hoàng Sa.

Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển KT-XH TP Đà Nẵng
giới thiệu với lãnh đạo Bộ TT&TT và TP Đà Nẵng về tư liệu khẳng định chủ quyền Việt Nam
đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Phát huy vai trò của thế hệ trẻ

Chiều 19-1, tại khách sạn Hoàng Sa nằm trên đường Dương Đình Nghệ, địa điểm có thể nhìn ra Công viên Biển Đông diễn ra Hội thảo khoa học “Chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”, do Hội khoa học lịch sử TP Đà Nẵng, UBND huyện Hoàng Sa và Trung tâm nghiên cứu văn hóa Minh Triết phối hợp thực hiện. Hội thảo quy tụ các nhà nghiên cứu uy tín, các nhà quản lý, đặc biệt là rất đông bạn trẻ tham dự.

Thiếu niên TP Đà Nẵng thăm Triển lãm
“Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam – những bằng chứng lịch sử”.

Tại Hội thảo, các diễn giả đã trình bày 4 tham luận, chia làm hai phần, phân tích các nhân tố trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo trong tình hình hiện nay. Các diễn giả đã đưa ra nhiều luận cứ khẳng định rằng, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, kể cả việc đòi lại Hoàng Sa đang bị chiếm đóng trái phép, tuy vô vàn khó khăn, thách thức nhưng chắc chắn sẽ giành được thắng lợi sau cùng. TS Đinh Hoàng Thắng, nguyên đại sứ Việt Nam tại Hà Lan nói: Bản thân vấn đề chủ quyền biển đảo của Việt Nam nằm trong tổng thể quan hệ quốc tế đương đại rất phức tạp. Trong đó, chúng ta có cơ sở pháp lý, có chính nghĩa và chúng ta được dư luận quốc tế ủng hộ..., nghĩa là chúng ta có cơ hội. Vấn đề còn lại hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức và hành động chúng ta.

Ông Đặng Công Ngữ, Chủ tịch UBND H. Hoàng Sa (TP Đà Nẵng) phát biểu khai mạc Hội thảo
khoa học "Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa".

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cho rằng, theo những quy ước quốc tế, để khẳng định chủ quyền, cần phải bảo đảm hai nhân tố. Đó là nhân tố vật chất - thể hiện sự cai quản, chiếm hữu trên thực tế; và nhân tố tinh thần – thể hiện nhận thức, ý chí, quyết tâm đối với vùng lãnh thổ. Do lịch sử, ta tạm thời bị mất yếu tố vật chất ở Hoàng Sa nhưng dứt khoát chúng ta không thể đánh mất tinh thần. Do đó, chúng ta phải hàng ngày, hàng giờ nhắc nhở về chủ quyền ở Hoàng Sa để mọi người dân, nhất là thế hệ trẻ nung nấu quyết tâm đòi lại Hoàng Sa.

Tóm lược các ý kiến tham luận, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu văn hóa Minh Triết, cho rằng: Để đòi lại Hoàng Sa, bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ trong bối cảnh hiện nay, phải dựa vào luật pháp quốc tế; đặt mối quan hệ chủ quyền biển đảo Việt Nam đan cài lợi ích khu vực và thế giới; và phát huy vai trò của thế hệ trẻ.

Chiến sĩ QĐND Việt Nam thăm Triển lãm
“Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam – những bằng chứng lịch sử”.

Nguyễn Lê - Hoàng Anh