Trập trùng biên ải...
Kỳ 1: Con đường biên ải
(Cadn.com.vn) - Hơn 10 năm trước, khi lên La êe (H. Nam Giang, Quảng Nam), những người lính Biên phòng đón chúng tôi vừa thân tình vừa xúc động: "Lâu lắm, có lẽ cũng hơn 10 năm rồi mới có nhà báo lên với chúng tôi...". Những ngày Quảng Nam đang tưng bừng kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh, tôi lại lên La êe. Thượng tá Lê Văn Thắng- Chính trị viên Đồn Biên phòng La êe bảo: "Có lẽ cũng đã hơn 5 năm rồi, ít nhà báo lên La êe lắm, La êe xa quá, đường đi khó quá mà...". Lời tâm sự chẳng phải phân trần, chẳng phải giãi bày, nhưng sao nghe cứ ngậm ngùi...
Kỳ thực La êe so với 10 năm trước nay đã nhiều đổi thay lắm rồi. Sừng sững chắn giữ ngay đầu dải biên cương là cơ ngơi của Đoàn kinh tế 207- Bộ Quốc phòng. Xã La êe xưa là địa bàn đóng chân của Đồn Biên phòng Giằng 1, tức Đồn 653, nay đã chia tách làm 2 xã, La êe và Chơ Chun từ năm 2011. Như vậy Đồn La êe bây giờ quản lý 2 xã với 6 thôn, hơn 2.000 nhân khẩu đồng bào Tà Riềng và Cơ Tu. Chia tách đã hơn 6 năm, nhưng Chơ Chun vẫn là xã "5 không", mới chỉ 2 thôn có điện, còn trụ sở UBND xã, trường học, đường giao thông, trạm y tế vẫn nhà tranh vách lá tạm bợ. Chỉ có La êe cũ đã xây dựng được trụ sở UBND xã, trường học từ cấp mầm non đến THCS, mấy ki-lô-mét đường bê-tông ở trung tâm xã. A Lăng Đhép- Phó chủ tịch UBND xã La Êe bảo, thế là đã khá lắm rồi, chứ muốn làm gì thêm nữa, còn khó lắm, chẳng cần nói, nhà báo cũng thấy, đường lên La Êe khó quá. Con đường A Lăng Đhép than phiền, thực ra chỉ chưa đầy 40 km, rẽ từ QL14D, qua La êe lên Chơ Chun, bao nhiêu năm qua vẫn thế, lúc nào cũng ngập ngụa bùn đất. Hôm lên La êe, điện thoại liên lạc trước, những người lính biên phòng đã dặn: "Anh phải lên buổi sáng, chứ buổi chiều gặp mưa giữa đường là vào không được mà ra cũng không được đâu".
![]() |
Đồn Biên phòng La êe tuần tra song phương cột mốc, đường biên với CA biên giới Lào. |
Thời tiết ở vùng biên ải Tây Trường Sơn này nói oái oăm như thế, trong khi ở đồng bằng nắng như đổ lửa, vậy mà ở đây vẫn cứ sáng nắng chiều mưa. Con đường buổi sáng vẫn có thể ngồi xe máy thận trọng đổ dốc, nhưng chiều đến chỉ sau một cơn mưa rừng đã là những bãi bùn ngập ngụa, trơn như đổ mỡ. Chắc hẳn nhiều bạn đọc cả nước còn nhớ, trên trang phai bút của các thầy cô giáo ở La êe cuối năm 2016, là hình ảnh các thầy cô giáo bùn lấm bê bết, xúm nhau đẩy những chiếc xe máy vượt dốc để vào điểm trường dạy học. Có người nói đó là hình ảnh đầy gian khó, nhưng tôi bảo đấy là hình ảnh đẹp, vì chỉ có những thầy cô giáo rất yêu nghề, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục ở miền biên cương này mới lạc quan như thế. Tôi gọi cung đường biên ải này là đường của những người lính biên phòng và các thầy cô giáo. Mà thật như vậy, trên suốt dọc đường tôi ra, vào La êe ngoài một số người đi thi công các công trình, tôi chỉ gặp lính biên phòng và thầy cô giáo. Alăng Đhép giải thích, cán bộ huyện, xã thì thỉnh thoảng có việc mới đi, còn người dân thì hầu như ít đi, chỉ có bộ đội và thầy cô giáo thôi. Giao thông khó khăn như vậy, nên làm cái gì cũng khó.
Thượng tá Thắng cho biết, doanh trại đồn biên phòng cũ trước đây làm bằng gỗ, lợp tôn, từ năm 2015 dỡ ra xây dựng lại, toàn đơn vị phải "sống tạm" hơn 2 năm nay, mà chắc là phải hết năm 2017 này nữa. Cũng chỉ tại con đường! Tất cả vật liệu phải chở từ đồng bằng lên, nhưng hễ mưa là đường tắc nghẽn, tê liệt, có khi mấy tháng trời, vậy là công trình phải dừng thi công, thợ thầy không có việc bỏ về đồng bằng hết, cả năm cứ thi công "bữa đực, bữa cái" như thế, khó biết bao giờ mới hoàn thành. A Lăng Đhép bảo, bộ đội khổ, người dân thì thật là còn quá khó khăn, mỗi khi mưa xuống, La êe, Chơ Chun thực sự là những "ốc đảo" ở vùng biên cương.
![]() |
Quân y đồn biên phòng khám bệnh cho nhân dân vùng biên giới. |
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và nhà nước, được sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng, nhiều mô hình phát triển kinh tế, xã hội đã được xây dựng, như mô hình trồng lúa nước, chăn nuôi, trồng rừng... Nhưng sản phẩm bà con làm ra, không thể mang ra ngoài thị trường để tiêu thụ được, vậy là vẫn nghèo đói. Tôi không muốn nói kỹ hơn về cái nghèo, cái khó của đồng bào Tà Riềng, Cơ Tu nơi đây, bởi vì ngoài số lượng lúa, bắp sản phẩm từ ruộng rẫy đã tạm đủ ăn quanh năm, còn lại hỏi cái gì cũng không có. Muốn mua một cái ti-vi cho người già, trẻ con xem, muốn mua thêm 1 con bò để chăn nuôi... nhưng nhìn quanh, chẳng có thứ gì có thể bán được một lúc tới 5 triệu đồng. Đậu, bắp thu từ rẫy về để mốc, thối ra cũng không thể mang đi đâu để bán. Tất cả cũng chỉ tại con đường !". A Lăng Đhép tâm sự: "Ở La êe còn "đỡ", chứ lên Chơ Chun, chắc nhà báo phải "phát khóc" lên đấy, bà con khổ lắm...".
Từ La êe lên Chơ Chun khoảng 15km nữa, nhưng đấy là con đường mà sáng hôm nay lên, ngày mai mới "dám ra", nếu không muốn ngủ lại giữa rừng. Đại úy Lê Ngọc Hóa- bác sĩ Quân y đồn biên phòng La êe, người đã từng nổi tiếng trong lực lượng biên phòng Quảng Nam vì nhiều chuyến vượt rừng cứu chữa những ca bệnh hiểm nghèo cho đồng bào biên giới kể, đúng mồng 5 tết năm 2015, người dân ở thôn Con Zốt, xã Chơ Chun cách đồn 15 km xuống cấp báo, một sản phụ sắp sinh, nhưng đã 2 ngày rồi không đẻ được. Nửa đêm, bác sĩ Hóa cùng một y tá của đồn lội bộ lên với người bệnh ngay, sau gần 5 giờ vượt rừng. Được sự cấp cứu kịp thời của quân y, sản phụ đã sinh an toàn, mẹ tròn con vuông trong sự vui mừng của bà con Tà Riềng, vì nếu chỉ chậm vài chục phút nữa thì tính mạng của mẹ con sản phụ đã nguy kịch. Hàng chục ca bệnh hiểm nguy được những người lính quân y biên phòng cứu chữa khẩn cấp bằng phương tiện "cuốc bộ" như thế. Trên khắp dải biên cương này, bước chân của những người lính chưa bao giờ ngơi nghỉ...
(còn nữa)
Hồng Thanh