Trẻ "khổ sai" ở các bãi vàng

Thứ tư, 09/04/2014 12:00

(Cadn.com.vn) - Hàng trăm bãi khai thác vàng sa khoáng ở các địa phương miền núi Quảng Nam không chỉ “nóng” về tình hình an ninh trật tự, tác hại môi trường, tệ nạn xã hội..., mà còn là nơi lao động trẻ em bị vắt kiệt sức và ngược đãi.

Đánh đập, ép làm việc nặng nhọc

Vụ 2 em Phạm Văn Hảo (17 tuổi) và Phạm Văn Cường (19 tuổi, cùng dân tộc Mường, trú thôn Cao Xuân, xã Ngọc Khuê, H. Ngọc Lạc, Thanh Hóa) trốn thoát khỏi bãi vàng vì lao động “khổ sai” tại bãi vàng Bồng Miêu (Báo Công an TP Đà Nẵng ngày 1-4 đã thông tin) tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng bóc lột sức lao động của trẻ! Hiện các em đã được Trung tâm Công tác xã hội trẻ em tỉnh Quảng Nam chuyển cho cơ quan chức năng ở Thanh Hóa để đưa về gia đình. Nhưng câu chuyện các em kể khi lao động và tìm cách trốn thoát khỏi bãi vàng thật sự ám ảnh với nhiều người.

Phạm Văn Cường cho biết, từ ngày 19-2-2014, em cùng với Phạm Văn Hảo và 36 người khác ở cùng xã theo người đàn ông tên Ảnh vào Phước Sơn làm vàng. Công việc đào đãi vàng rất nặng nhọc, ăn uống kham khổ, không được trả lương như lời hứa (4 triệu đồng/tháng) và bị hăm dọa đánh đập nên 2 em cùng một số người bỏ về. Do không có tiền về quê nên 2 em lại bị “dụ” đưa vào bãi vàng Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, H. Phú Ninh.

Tại đây, các em tiếp tục bị hăm dọa, ép đào đãi vàng hết sức nặng nhọc, phải khiêng vác máy móc, xúc đất, đãi cát... làm quần quật từ sáng sớm đến tối, cả ban đêm, lúc bệnh chủ cũng không cho nghỉ. Tiền lao động cũng không được trả như lời hứa là 4 triệu đồng/tháng. Phải mất nhiều ngày canh chừng ông chủ và những người canh gác hai em mới bỏ bãi vàng trốn chạy. “Do không chịu nổi và bị dọa đánh nên chúng em rủ nhau bỏ trốn. May nhờ được người dân, cán bộ trẻ em và CAX Tiên Thọ, H. Tiên Phước giúp đỡ nên chúng em tránh được sự truy đuổi của mấy cai bãi vàng”, Cường nói.

4 trẻ em thoát khỏi bãi vàng Cty TNHH Khai thác vàng Kim Thành Lộc 13-3-2008 và hai em Hảo và Cường sau khi trốn thoát tại bãi vàng Bồng Miêu, về Trung tâm Công tác xã hội trẻ em Quảng Nam ngày 29-3-2014.

Vụ 2 trẻ em vừa trốn thoát khỏi bãi vàng sa khoáng xã Tam Lãnh giống với vụ 4 trẻ em đào thoát khỏi bãi vàng của Cty TNHH Khai thác vàng Kim Thành Lộc tại thôn 1B, xã Phước Thành, H. Phước Sơn, vì không chịu nổi sự hành hạ theo kiểu lao động khổ sai cách đây gần 6 năm (vào ngày 13-3-2008). Đó là các em Trần Thanh Hiền, Nguyễn Đình Tuấn, Trần Văn Phú và Nguyễn Văn Hậu (thời điểm đó mới 15 tuổi, trong đó 2 em Phú và Hậu là người dân tộc Mường), cùng trú tại xóm Đoàn Kết, xã Lương Sơn, H. Yên Lập, tỉnh Phú Thọ.

Do nhỏ tuổi, sức khỏe kém nên các em không đảm đương được công việc đã bị cai vàng tên Vương đánh đập tàn nhẫn, riêng em Hậu đã bị cai Vương đánh hộc cả máu mồm, máu mũi chỉ vì “kỳ lưng mà sao nghe không sướng”. Không chịu nổi cảnh bị đánh đập hành hạ của các cai vàng, 4 em đã rủ nhau bỏ trốn khỏi bãi khai thác vàng sa khoáng, và phải cắt rừng đi hai ngày đêm mới ra đến TT. Khâm Đức, H. Phước Sơn.

Rất khó kiểm soát

Vụ 4 trẻ em đào thoát khỏi bãi khai thác vàng thôn 1B, xã Phước Thành đã được CAH Phước Sơn điều tra, buộc Cty TNHH Kim Thành Lộc trả tiền công lao động cho các em. Sau khi nhận được tiền công, các em được CAH Phước Sơn đón xe đưa về quê. Tại thời điểm CQĐT CAH Phước Sơn kiểm tra, 70 công nhân của Cty TNHH Kim Thành Lộc đều không có giấy tờ tùy thân và không được công ty đăng ký lưu trú theo quy định. Do không có giấy tờ tùy thân nên số đông công nhân còn rất trẻ nhưng cũng không xác định đã đủ 18 tuổi hay chưa. Trong khi đó, đại diện Cty TNHH Kim Thành Lộc cho rằng công ty không sử dụng lao động trẻ em. Khi vào bãi vàng, công ty có hỏi tuổi nhưng các em đều nói mình đủ 18 tuổi trở lên nên công ty mới tiếp nhận vào làm nhân công khai thác vàng (?).

Khó kiểm soát việc cát cứ, bóc lột lao động trẻ em tại các bãi vàng ở Quảng Nam?

Nhắc lại 2 vụ việc trên để thấy rằng, cần phải tiếp tục kiểm tra, rà soát và có biện pháp ngăn chặn tình trạng bạo lực, cát cứ và bóc lột lao động trẻ em tại các bãi vàng sa khoáng (cả cấp phép và khai thác “chui”) ở Quảng Nam. Trên thực tế, các cơ quan chức năng và địa phương vẫn… mới mẻ với cái gọi là “quyền trẻ em”. Khi được hỏi về các lao động “nhí” trốn khỏi bãi vàng Bồng Miêu, ông Bùi Quang Minh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh ngỡ ngàng, sau đó ông nhận định: “Việc này rất có thể là do mấy hôm nay lực lượng chức năng của H. Phú Ninh và xã Tam Lãnh liên tục tổ chức truy quét, đẩy đuổi nạn khai thác vàng trái phép trên khắp bìa núi ra khỏi địa bàn, và khi bị truy quét các phu vàng chạy trốn cơ quan chức năng”.

Trao đổi với phóng viên báo chí, ông Nguyễn Thế Anh, Phó giám đốc Trung tâm Công tác xã hội trẻ em Quảng Nam cho biết: “Chiêu thức của những kẻ lừa đảo thường vào các bản làng vùng cao, vùng nông thôn rủ rê những người trình độ thấp, đồng bào dân tộc thiểu số sau đó tập hợp lại rồi đưa lên bãi vàng. Không chịu nổi cảnh khổ sai số ít trốn thoát, còn lại nhiều người vẫn bặt vô âm tín. “Giữa rừng sâu núi khuất, lực lượng lao động ở các bãi vàng gần như nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Vụ việc 2 thanh thiếu niên vừa đào thoát khỏi bãi vàng lần này bộc lộ một thực trạng cần quan tâm giải quyết: ngăn chặn tình trạng lừa lao động trẻ em vào các bãi vàng để bóc lột”, ông Anh bộc bạch.

Trong khi đó, một lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam cho rằng: “Việc sử dụng trẻ em vào những công việc nặng nhọc, độc hại tại các bãi đào đãi vàng và đánh đập, hành hạ trẻ em là đã vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em được quy định trong Luật bảo vệ chăm sóc trẻ em. Nếu phát hiện trường hợp nào thì Sở LĐ-TB&XH tỉnh sẽ phối hợp các cơ quan chức năng tiến hành điều tra xử lý đúng theo pháp luật. Hiện nay, có một vấn đề mà chúng tôi rất quan tâm là số trẻ em trong các bãi đào đãi vàng rất khó kiểm soát...”.

Thạch Hà