Triển lãm mỹ thuật "Thế giới hoa" tại Yokohama: Người Nhật yêu thích tranh giấy dó Việt Nam

Thứ tư, 12/10/2016 10:10

(Cadn.com.vn) - Từ ngày 20 đến 25-9, Triển lãm Mỹ thuật lần thứ 7 của nhóm nữ họa sĩ quốc tế với chủ đề "Flowers Of The World" đã diễn ra tại Yokohama Nhật Bản. Tham dự triển lãm lần này có 21 tác giả, trong đó có 4 nữ họa sĩ Việt Nam gồm: Hồ Thị Xuân Thu, Nguyễn Thị Dư Dư, Phạm Lê Hoài, Trần Thị Bảo Trân. Trở về sau Triển lãm, họa sĩ Dư Dư dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện về những ngày ở Nhật Bản.

- Thế giới hoa (Flowers Of The World) là tên gọi về các  triển lãm mỹ thuật  của Hội nữ sáng tạo quốc tế do nữ họa sĩ Nga Olga Nikitchik làm Chủ tịch, được tổ chức thường niên luân phiên tại 5 quốc gia có họa sĩ là thành viên: Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga. Triển lãm năm nay do Công ty cổ phần Landmark tổ chức, dưới sự điều hành của Kamizo Haruko. Việt Nam có 4 họa sĩ tham gia, tuy nhiên chỉ có mặt tại Triển lãm là Xuân Thu (Gia Lai) với 5 tác phẩm sơn mài; Dư Dư (Đà Nẵng) với 3 tác phẩm  chất liệu giấy Dó; 2 họa sĩ vắng mặt (Nha Trang) mỗi tác giả tham gia một tác phẩm sơn dầu.

Đoàn Việt Nam, Nhật bản, Hàn Quốc bên các bức tranh của nữ họa sĩ Dư Dư (giữa)
tại ngày khai mạc Triển lãm.

Công chúng Nhật có chú ý đến mảng tranh của các họa sĩ Việt Nam, họ có những nhận xét ra sao?

Đa số công chúng Nhật Bản rất thích tranh Việt Nam, trong đó nhiều người  chưa biết về mỹ thuật Việt Nam và giấy dó, nên rất lạ, vì bên họ là giấy gạo. Nhất là khi được nghe nói rằng giấy dó làm thủ công 100% có độ bền hơn 200 năm, nhà vua ngày xưa dùng giấy này để ngự bút, họa sĩ đã kết hợp chất liệu truyền thống đặc  biệt của Việt Nam với thủ pháp trừu tượng hiện đại để diễn tả ngôn ngữ sâu lắng mà bay bổng của giấy dó. Nhiều họa sĩ Nga, Hàn, Nhật cũng nhận định họ rất thích tranh Việt Nam và cảm ơn đoàn họa sĩ Việt Nam đã tham dự. Bà Olga Zotova (tiến sĩ phê bình nghệ thuật) tỏ ra khá ấn tượng với những bức tranh của họa sĩ Việt Nam tại triển lãm.

Trong thời gian tham gia Triển lãm, chị có dịp tham quan các danh lam Nhật Bản và sinh hoạt tìm hiểu, giao lưu với họa sĩ các nước cùng tham dự?

Trong thời gian tham gia triển lãm, chúng tôi được tham quan thị trấn Hakone nằm ở khu vực miền núi phía tây Tokyo-Hakone-Izu, thành phố Kamakura thuộc tỉnh Kanagawa và Bảo tàng Mỹ thuật-Điêu khắc Nhật Bản... Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có các buổi sinh hoạt giao lưu, học hỏi giữa các nữ họa sĩ với nhau. Có thể nói rằng, mỗi đoàn thể hiện một phong cách rất khác biệt rõ rệt. Chẳng hạn, tranh của họa sĩ Hàn Quốc chủ yếu tập trung về đề tài hoa. Tranh của Trung Quốc đa phần là thủy mặc. Tranh của Nga chủ yếu chất liệu sơn dầu, đề tài thể hiện về phụ nữ, cuộc sống chung quanh. Tranh của đoàn Việt Nam thể hiện phong cảnh thiên nhiên, con người, đất nước cùng cả các đề tài, phong cách hiện đại. Đáng chú ý, tranh của họa sĩ Nhật Bản có nhiều tác phẩm khổ lớn, đề tài và cách diễn đạt rất phong phú, mới lạ... Tiếp cận với họ, chúng tôi nhận thấy, nhiều họa sĩ đã lớn tuổi, nhưng tinh thần đam mê,  tính năng động, sáng tạo của họ thật tuyệt vời...

Qua Triển lãm, dự kiến sẽ có hứa hẹn nào đem đến sự hợp tác của Việt Nam nói chung và mỹ thuật Đà Nẵng nói riêng  với Nhật Bản?

Năm ngoái, khi tham gia Triển lãm tại Bắc Kinh chúng tôi cũng đã được Ban tổ chức ngỏ ý muốn Việt Nam, cụ thể là thành phố Đà Nẵng được đăng cai triển lãm năm sau. Lần này cũng vậy. Tuy nhiên, qua đề xuất việc này với lãnh đạo thành phố, chúng tôi chưa thể có được câu trả lời chắc chắn, vì vẫn còn một số vướng mắc về tài chính cũng như các mặt khác. Nếu có điều kiện để giới thiệu tranh nhóm nữ họa sĩ quốc tế với chủ đề "Flowers Of The World" đến với Đà Nẵng trong thời gian gần nhất, chúng tôi tin rằng sẽ là dịp để mở ra những kết nối thú vị trong lĩnh vực nghệ thuật cũng như nhiều lĩnh vực khác.

Trần Trung Sáng
(thực hiện)