Triển vọng khó nhằn
Khi Thủ tướng được chỉ định của Lebanon Saad Hariri tổ chức cuộc họp báo quan trọng trong ngày 13-11, những tranh cãi về số phận của việc hình thành một chính phủ thống nhất lâu dài lại được dịp bùng lên.
Thủ tướng Hariri đã phải đối mặt với nhiều rào cản trong nỗ lực thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc gồm 30 thành viên. Nguyên nhân rõ ràng chỉ vì những rạn nứt giữa các chính trị gia đối lập về vai trò đại diện của các đảng Cơ Đốc chính và giáo phái Druze trong nội các. Vài ngày trước, Lebanon đã vượt qua một trở ngại lớn sau khi lãnh đạo Các Lực lượng Lebanon (LF) Samir Geagea chấp nhận đề nghị của Thủ tướng Hariri về việc “nhường” cho LF 4 ghế bộ trưởng. Trong khi đó, đại diện của Druze được giải quyết bằng cách trao 2 ghế bộ trưởng cho đảng Xã hội Tiến bộ (PSP) và một bộ trưởng Druze thứ 3 được đảm bảo nhận được sự ủng hộ liên ứng.
Tuy nhiên, vẫn còn một trở ngại. Các nghị sĩ độc lập người Sunni, tức không thuộc Phong trào Tương lai của ông Hariri, đang yêu cầu có ít nhất một đại diện trong chính phủ nhưng ông Hariri, được Tổng thống Michel Aoun ủng hộ, bác bỏ yêu cầu này. Nhà lãnh đạo này nói rằng, 6 nghị sĩ Sunni không có quyền đại diện bởi vì họ không phải là một phần của một khối quốc hội thống nhất.
Tuy nhiên, các nghị sĩ độc lập người Sunni tuyên bố sẽ không bỏ cuộc. Hiện tại, Hezbollah, đảng chính trị Hồi giáo Shiite ở Lebanon, đã ủng hộ mạnh mẽ yêu cầu này. Trong bài phát biểu trên truyền hình, lãnh đạo Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah tái khẳng định ủng hộ yêu cầu của 6 nghị sĩ độc lập người Sunni, một động thái phá vỡ hy vọng cho việc sớm hình thành một chính phủ thống nhất. Nhưng vẫn có khả năng hòa giải ở chỗ Thủ tướng Hariri nói rằng ông sẽ nhất trí với đại diện từ các nghị sĩ người Sunni thuộc thành phần nội các của Tổng thống Aoun. Và nếu chính phủ được thành lập, ông Aoun phải đề cử một bộ trưởng đại diện cho các nghị sĩ Sunni độc lập thuộc Phong trào 8- 3.
Tất nhiên, Tổng thống Aoun cũng rất quan tâm đến việc thành lập chính phủ vì đây là nội các đầu tiên được thành lập trong nhiệm kỳ của ông. Nếu không, các đảng chính trị sẽ phải bắt đầu lại từ đầu. Và quá trình hình thành chính phủ sẽ mất rất nhiều thời gian và gây hậu quả nặng nề đối với nền kinh tế. Ở Lebanon hiện nay, một vấn đề khác mà nhiều người quan tâm là khả năng Thủ tướng Hariri từ chức do không có khả năng thành lập chính phủ sau 6 tháng lên nắm quyền.
THANH VĂN