Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa

Thứ tư, 29/09/2021 15:42

Triều Tiên ngày 28-9 đã bắn một tên lửa về phía ngoài khơi bờ biển phía đông giữa lúc Bình Nhưỡng kêu gọi Mỹ và Hàn Quốc loại bỏ "tiêu chuẩn kép" về các chương trình vũ khí để khởi động lại các cuộc đàm phán.

Mọi người xem một chương trình phát sóng tin tức cho thấy cảnh quay một vụ thử tên lửa của Triều Tiên.   Ảnh: AFP

AFP dẫn nguồn tin quân đội Hàn Quốc cho biết, tên lửa được phóng từ tỉnh Jagang, miền trung phía bắc vào khoảng 6 giờ 40 (giờ địa phương). Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết đó có vẻ là một tên lửa đạn đạo và không giải thích thêm chi tiết. Vụ thử diễn ra sau khi Đại sứ tại Triều Tiên LHQ nói rằng không ai có thể phủ nhận quyền tự vệ và quyền được thử vũ khí của Bình Nhưỡng. Trước đó vào tháng này, Bình Nhưỡng đã phóng tên lửa hành trình mới, và cũng bắn tên lửa đạn đạo. Nhưng vài ngày trước đó, Bình Nhưỡng bày tỏ việc sẵn lòng tham gia vào các cuộc đàm phán với Seoul. 

Quân đội Mỹ ngay sau đó tuyên bố họ biết về vụ phóng tên lửa nhưng nó không gây ra mối đe dọa tức thời nào đối với cá nhân hay đồng minh của Mỹ. AP dẫn nguồn tin Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ khẳng định vụ phóng mới nhất của Triều Tiên không gây ra mối đe dọa trực tiếp nào đối với người dân và lãnh thổ Mỹ cũng như các đồng minh của Mỹ. Tuy nhiên, Bộ Tư lệnh này nói rằng vụ phóng này "đã cho thấy rõ ràng tác động gây bất ổn từ chương trình vũ khí bất hợp pháp của  Triều Tiên".

Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó ra tuyên bố "lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên" nhưng cũng đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng tham gia đối thoại. Tuyên bố nêu rõ vụ phóng này của Triều Tiên "vi phạm nhiều nghị quyết của HĐBA LHQ và gây ra mối đe dọa đối với các nước láng giềng cũng như cộng đồng quốc tế". Tuyên bố nhấn mạnh Mỹ vẫn cam kết một cách tiếp cận ngoại giao với Triều Tiên và kêu gọi Bình Nhưỡng tham gia đối thoại. 

Trong khi đó, khi được hỏi liệu Mỹ có sẵn sàng xem xét nới lỏng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên hay không, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jalina Porter nêu rõ: "Chúng tôi sẵn sàng gặp Triều Tiên không kèm theo điều kiện tiên quyết, và tất nhiên, chúng tôi chắc chắn hy vọng rằng Triều Tiên sẽ phản ứng tích cực với động thái của chúng tôi". Trả lời câu hỏi liệu Mỹ có sẵn sàng xem xét tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên hay không, bà Jalina Porter một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết của đối thoại giữa Mỹ- Triều, khẳng định "Mỹ chắc chắn ủng hộ đối thoại liên Triều, cũng như cam kết và hợp tác".

Phản ứng trước vụ việc mới nhất này, Bộ Thống nhất Hàn Quốc khẳng định nước này sẽ tiếp tục nỗ lực ổn định tình hình trên Bán đảo Triều Tiên và thúc đẩy các mối quan hệ liên Triều thông qua đối thoại và hợp tác, bất chấp vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên. Thực tế là trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 21-9 đề xuất Mỹ và hai miền Triều Tiên, có thể cùng với Trung Quốc, tuyên bố chính thức kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), coi đó như một cách thúc đẩy hòa bình và phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.  

Tại Nhật Bản, các quan chức Nhật Bản cho biết tên lửa của Triều Tiên không rơi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản. Nhưng Thủ tướng Suga Yoshihide chỉ thị các quan chức chính phủ nước này đảm bảo an toàn hàng hải và hàng không, đồng thời chuẩn bị cho các tình huống bất ngờ. Phát biểu với các phóng viên, Thủ tướng Suga Yoshihide cho biết Nhật Bản đang tăng cường các nỗ lực giám sát và phân tích tình hình. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đang phân tích thông tin về vụ phóng. Tuy nhiên, lực lượng bảo vệ bờ biển nước này hiện chưa ban bố bất kỳ cảnh báo nào đối với ngư dân.

KHẢ ANH