NGÀY LÀM VIỆC THỨ 4, KỲ HỌP THỨ 8, QUỐC HỘI KHÓA XIII:

Trình Quốc hội phê chuẩn 2 Công ước quan trọng về quyền con người

Thứ sáu, 24/10/2014 07:50

(Cadn.com.vn) - Sáng 23-10, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày Tờ trình về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật và Tờ trình về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Đây là 2 Công ước quan trọng về nhân quyền của Liên hợp quốc, đã được nhiều nước trên thế giới phê chuẩn. Cũng trong ngày, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Trong ảnh: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình Quốc hội 
phê chuẩn 2 Công ước của Liên hợp quốc.

Tạo cơ sở cho việc tăng cường đối thoại về nhân quyền

Mở đầu phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trình bày Tờ trình về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật. Tờ trình nêu rõ: Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 13-12-2006, là Công ước quốc tế toàn diện nhất về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật.

Báo cáo một số vấn đề về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng: Về cơ bản, pháp luật Việt Nam tương thích với các quy định của Công ước Quyền của người khuyết tật. Tuy nhiên, để đảm bảo thực thi đầy đủ Công ước Quyền của người khuyết tật vào thực tiễn và tạo cơ sở cho việc tăng cường đối thoại về nhân quyền, Bộ LĐ-TB&XH kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật như sau: Thống nhất sử dụng thuật ngữ “khuyết tật” trong toàn hệ thống pháp luật để phù hợp với khái niệm người khuyết tật quy định tại Điều 1 và Điều 2 của Công ước. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện lộ trình cải tạo nhà chung cư, trụ sở làm việc, công trình công cộng theo quy định tại Luật Người khuyết tật để phù hợp với quy định tại Điều 9 của Công ước. Tăng cường hơn nữa việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với cán bộ, giáo viên, giảng viên tham gia giáo dục hòa nhập, giáo dục bán hòa nhập người khuyết tật. Xây dựng quy định cụ thể về giáo dục hòa nhập ở tất cả các cấp...

Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Công ước do Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng trình bày thể hiện sự nhất trí với Tờ trình của Chủ tịch nước và báo cáo của Chính phủ về sự cần thiết gia nhập công ước này.

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang thừa ủy nhiệm của Thủ tướng Chính phủ trình bày
Báo cáo một số vấn đề về việc phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về chống tra tấn.

Đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền con người cơ bản

Cũng tại phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày Tờ trình về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo một số vấn đề về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.

Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người do Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng trình bày nêu rõ Ủy ban Đối ngoại nhất trí về sự cần thiết phê chuẩn Công ước chống tra tấn vào thời điểm hiện nay. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng không những đối với công tác bảo vệ và thực thi quyền con người tại Việt Nam mà còn góp phần hiệu quả vào công tác đấu tranh chống các luận điệu vu cáo, xuyên tạc về việc tra tấn, ngược đãi phạm nhân, người bị tạm giữ, tạm giam của các thế lực thù địch nhằm chống phá Nhà nước ta.

Ủy ban Đối ngoại nhất trí với đề xuất của Chính phủ không áp dụng trực tiếp quy định của Công ước chống tra tấn tại Việt Nam, bảo lưu quy định tại Điều 20 của Công ước liên quan đến thẩm quyền của Ủy ban chống tra tấn và Khoản 1 Điều 30 về việc giải quyết tranh chấp liên quan đến giải thích hay áp dụng Công ước, đồng thời nhất trí với tuyên bố: Việt Nam không áp dụng trực tiếp các quy định của Công ước chống tra tấn; việc thực hiện các quy định của Công ước chống tra tấn sẽ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam, trên cơ sở các thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương với nước khác và nguyên tắc có đi có lại.

Điều chỉnh mức hưởng lương hưu hàng tháng

Chiều 23-10, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nhiều ý kiến tán thành việc bổ sung đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhằm mở rộng diện an sinh xã hội.

Đồng tình cao với việc điều chỉnh mức hưởng lương hưu hàng tháng (Điều 56) để khắc phục tình trạng mất cân đối trong đóng – hưởng bảo hiểm xã hội, song cũng còn có những ý kiến khác nhau về các phương án đưa ra. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trong điều kiện tuổi nghỉ hưu được thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động thì cần giảm thiểu tác động bất lợi đối với người lao động nghỉ hưu, đặc biệt là lao động nữ. Việc thực hiện quy định này phải đồng bộ với lộ trình điều chỉnh mức đóng bảo hiểm xã hội (theo Điều 90 Bộ luật Lao động) để đảm bảo tiền lương hưu người lao động thực nhận không bị sụt giảm nhiều so với trước.

Bên cạnh đó, do tuổi nghỉ hưu của nam, nữ chênh lệch 5 năm nên cần phải bảo đảm bình đẳng giới khi điều chỉnh chính sách này thông qua việc xây dựng lộ trình nâng số năm đóng bảo hiểm xã hội của nam giới từ 15 năm lên 20 năm để đạt 45% mức bình quân tiền lương tháng tính lương hưu (cụ thể: năm 2018 là 16 năm; năm 2019 là 17 năm; năm 2020 là 18 năm; năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm).

Việc thực hiện phương án điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng theo lộ trình, từ năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội của lao động nữ và 20 năm đóng bảo hiểm xã hội của lao động nam, cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75% sẽ tạo điều kiện để người lao động có thời gian thích ứng với các thay đổi chính sách theo nguyên tắc đóng – hưởng.

Thu Thủy – TTXVN