Trở lại chiến khu xưa

Thứ năm, 29/03/2018 12:43

Ngày 28-3, đoàn cán bộ Đặc Khu Quảng Đà lại trở về thăm chiến trường xưa. Họ cùng ôn lại kỷ niệm một thời hào hùng và cùng thắp những nén hương tri ân đồng đội đã nằm lại trên mảnh đất một thời là căn cứ địa cách mạng kiên cường.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Di tích Chiến khu Hòn Tàu.

Dù tuổi cao nhưng đôi chân những người chiến sĩ cách mạng năm nào dường như vẫn mạnh mẽ, đôi mắt vẫn tinh anh khi cùng nhau trở về chiến khu Hòn Tàu, nơi họ đã gắn bó thời tuổi trẻ trong cuộc chiến đấu vì độc lập dân tộc. Suốt cả hành trình, Đại tá Nguyễn Hạnh Kiểm - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Giám đốc CA tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng (cũ) cứ bổi hổi bồi hồi khi đi qua từng góc rừng kỉ niệm. Ông bảo, thật hiếm khi có mặt đông đủ để trở lại vùng đất này. "Đợt này được sự hỗ trợ của Đặc khu Quảng Đà và Thành ủy Đà Nẵng chúng tôi trở về chiến trường xưa. Dù chiến tranh, thời gian trôi qua bao nhiêu năm nhưng khi trở về tôi cảm giác như mình đang sống lại những năm tháng ngày xưa vậy. Đây là dịp anh em chúng tôi được trở lại thăm chiến trường, thắp nén nhang cho những đồng đội đã ngã xuống"-Đại tá Nguyễn Hạnh Kiểm bùi ngùi. Ông Lê Văn Bảy, cán bộ Đặc khu Quảng Đà, nguyên Phó Giám đốc CA tỉnh Quảng Nam chia sẻ: "Tôi hoạt động trong đặc khu Quảng Đà 8 năm. Tôi vinh dự được ở đơn vị bảo vệ đồng chí Hồ Nghinh, Trần Thận, những vị lãnh đạo tài năng của Đặc khu. Gần các đồng chí, hiểu hết tâm tư của họ vì dân, vì nước, thế nên lúc đó bằng trái tim, sức trẻ của mình, chúng tôi đã dồn sức lực, trí tuệ của mình với một mong ước, quyết tâm rằng nhanh chóng đánh đuổi quân thù, giải phóng, thống nhất đất nước".

...Năm 1969, dưới dự chỉ đạo của Khu ủy khu 5, Đặc khu ủy Quảng Đà đã phát động hàng ngàn dân công cùng với bộ đội vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí xuống vùng giáp ranh. Đêm 22, rạng sáng 23-9-1969, Đặc khu ủy Quảng Đà đã phối hợp với chiến trường toàn miền Nam mở đợt công kích mặc dù thời điểm này tại Quảng Đà địch đã chọn nơi đây là trọng điểm đánh phá thế nên chúng liên tục càn quét dai dẳng tại đây. Vì vậy cuối năm 1969 hầu hết các thôn tại đây bị địch san bằng, nhân dân bị địch dồn vào đồn kiểm soát. Trước tình hình đó buộc Đặc khu ủy Quảng Đà phải phân tán một số lực lượng, đưa cán bộ vào du kích xã để tập trung bám sát địa bàn hoạt động. Lúc đó đời sống chiến sĩ và quân dân chúng ta hết sức gian khổ và thiếu thốn. Tháng 4-1970, Đặc khu ủy Quảng Đà tiếp tục chỉ đạo tấn công trên cả 3 vùng chiến lược. Tại nhiều thôn xã đã tổ chức nhiều đội cảm tử để luồn lách vào các khu tập trung tiêu diệt bọn ác ôn. Tháng 12-1971, hội nghị Đặc khu ủy Quảng Đà  quyết định chuyển toàn bộ các cơ quan của đặc khu, đặc biệt là khu A7 (nơi giáp ranh giữa các huyện Đại Lộc và Nam Giang) xuống căn cứ Hòn Tàu. Đây là nơi đứng chân số lượng lớn của các cơ quan ban ngành, cán bộ chiến sĩ có thời điểm lên đến hàng nghìn người. Và chưa có nơi nào như nơi đây lại chịu mức độ tàn phá của địch khốc liệt đến thế. Trong vòng 6 tháng từ cuối năm 1971- sang 1972 tại đây đã có 8 lần Mỹ ném bom B52 khiến nhiều đồng chí là lãnh đạo của đặc khu và cán bộ chiến sĩ hi sinh. Đặc biệt, có 10 cán bộ, nhân viên Ban Tuyên huấn hy sinh do bị bom B52 của Mỹ đánh sập nơi ở và làm việc vào sáng 22-5-1972... Sau giải phóng, Đặc khu ủy Quảng Đà đã làm tốt công tác ổn định an ninh trật tự, nhanh chóng củng cố vật lực để giải phóng các tỉnh phía Nam. Với những giá trị về lịch sử của cách mạng di tích, năm 2012, di tích Hòn Tàu được Bộ VHTT&DL xếp hạng Di tích Lịch sử cấp quốc gia...

Hội ngộ rồi chia tay lưu luyến và bùi ngùi. Đây không chỉ là chuyến hành trình về thăm lại chiến trường xưa mà còn là chuyến đi để nối dài, trải rộng kí ức đẹp đẽ về một thời lửa đạn. Chính họ, những con người kiên cường, bất khuất không chỉ làm nên những chiến thắng lịch sử mà luôn khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước cho biết bao thế hệ.

LÊ ANH TUẤN

Chụp ảnh lưu niệm tại Di tích lịch sử xóm Chín Củ.

Cùng ngày, Đoàn CA hưu TP Đà Nẵng đến viếng Khu di tích lịch sử xóm Chín Củ, làng Đông Hồ, xã Điện Hòa, Điện Bàn, Quảng Nam. Công trình được xây dựng và hoàn thành năm 2013 với sự hỗ trợ của Thành ủy Đà Nẵng, Tỉnh uỷ Quảng Nam và nhiều cơ quan ban ngành khác. Được biết, xóm Chín củ, làng Đông Hồ trước năm 1975 thuộc xã Điện An, nay là Điện Hòa. Xuyên suốt thời kỳ kháng chiến nơi đây có 9 gia đình sinh sống. Trong kháng chiến chống thực dân pháp, từng là nơi tiếp dân của hội Liên Việt (Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam) và Ủy ban kháng chiến- hành chính xã Điện An. Trong kháng chiến chống Mỹ, là địa bàn bám trụ kiên cường "một tấc không đi, một li không rời", bà con một lòng theo cách mạng, nuôi giấu, bảo vệ cán bộ, du kích, bộ đội và hàng chục căn hầm bí mật trong vườn nhà và các lũy tre ven sông.