Trở lại với phiên tòa xử vụ án "chặt tay cướp xe SH": Hãy thương con bằng cách khác đi!

Thứ ba, 31/12/2013 08:30

(Cadn.com.vn) - Phiên tòa xử vụ án Hồ Duy Trúc (20 tuổi, quê tỉnh Ninh Thuận) cùng đồng bọn phạm tội cướp tài sản tại TP Hồ Chí Minh diễn ra cách đây một tuần lễ với mức án tử hình dành cho Trúc, Trần Văn Luông chung thân, Nguyễn Hoàng Phương 20 năm tù; Trần Thanh Tuyền 12 năm tù; Huỳnh Thanh Sơn 18 năm tù về tội "Cướp tài sản". Liên quan đến vụ án còn có 3 bị cáo khác phải nhận từ 9 tháng đến 12 năm tù về các tội "Cướp tài sản", "Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng", "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có". Một tuần trôi qua nhưng dư luận vẫn chưa ngớt xôn xao. Vì sao vậy?

Ai cũng biết, đây không phải là lần đầu tiên bị cáo phạm tội cướp tài sản bị tuyên án tử hình, cũng không phải lần đầu tiên xảy ra những phản ứng, xúc cảm trái ngược của người thân bị cáo và người dự khán khi nghe Tòa tuyên án, song những gì đã xảy ra tại phiên tòa này để lại rất nhiều điều đáng suy ngẫm.

Thú thật, cảm xúc đầu tiên của tôi khi nhìn bức ảnh gần như điên dại của bà mẹ Trúc khi nghe tin con bị tử hình là sự thương cảm.  Không có trái tim người mẹ nào trơ đá đến độ có thể thản nhiên khi nghe đứa con mình rứt ruột đẻ ra bị tuyên án tử hình, nên hình ảnh bà quỳ lạy trước HĐXX cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng, tìm hiểu diễn biến xung quanh vụ án và xem kỹ diễn biến phiên tòa thì thấy sự manh động của thân nhân bị cáo Trúc tại phiên tòa chiều 25-12 thật khó có thể chấp nhận được và để lại nhiều nỗi quan ngại.

Hồ Duy Trúc và mẹ

Luật sư Đỗ Hải Bình (bào chữa miễn phí cho bị cáo Trúc) cho biết mỗi lần mẹ Trúc từ Ninh Thuận đến thăm con, luật sư đều gọi bà nán lại nói chuyện thêm về gia đình nhưng bà đều từ chối. Trước khi tòa tuyên án, luật sư cũng giải thích với mẹ con bà nên cố gắng bồi thường ít nhiều cho gia đình các bị hại để còn xin giảm nhẹ hình phạt ở phúc thẩm nhưng bà không trả lời. Khi Trúc bị tuyên án tử hình, người thân Trúc quay lại chửi luật sư "sao không cãi cho Trúc xuống còn 8 năm tù mà phải tử hình"?.

Và chính là các bị hại, ít nhất 7 người trong số các nạn nhân của 15 vụ cướp đều bị thương tích nặng ở tay, ở vai hoặc ở gáy bởi những nhát chém lạnh lùng của các bị cáo, nhưng những người này lại tỏ vẻ rất sợ khi nhìn thấy các bị cáo được dẫn giải vào phòng xử. Bị hại Nguyễn Thị Ngọc Thúy bị chặt rời bàn tay khi đang điều khiển xe SH nói: "Nếu tôi không may mắn, có lẽ tôi đã chết rồi chứ không thể còn sống để dự tòa hôm nay". Sau đó, chính chị Thúy là người nhận được nhiều lời đe dọa nhất từ thân nhân các bị cáo, khiến chị không dám rời tòa một mình, lực lượng CA phải đi kèm ra tận cổng.

Dù xuất hiện với dáng vẻ gần như điên loạn như vậy nhưng lời nói của mẹ Trúc rất tỉnh táo và chứa đầy thù hận: "Tao biết con tao bị tử hình thì tao chuẩn bị dao giết con Thúy tại tòa". Chị của Trúc và những thân nhân khác còn dùng những lời lẽ dao búa và quá hồ đồ: "Một lũ nhà giàu hùa nhau đẩy thằng Trúc bị tử hình, ai kêu đeo hột xoàn, đi xe tay ga chi cho nó chém. Nó đâu có giết người, đâu có ai chết mà xử tử, một bản án vô nhân đạo". Nhưng hãy nghĩ cho kỹ xem ai vô nhân đạo, khi chỉ trong vòng 5 tháng, băng cướp 9x này đã sử dụng hung khí rất nguy hiểm, thực hiện 15 vụ "chém trước, cướp sau" (chưa kể 2 vụ chưa xác định được bị hại).

Mức độ nguy hiểm cho xã hội mà băng cướp này thực hiện là sẵn sàng chém xả vào người nạn nhân nhằm chiếm đoạt bằng được tài sản của họ bất chấp họ có chống cự hay không. Trong đó có nhiều vụ chém vào những vị trí trọng yếu như cổ, gáy... hoặc chém dã man gây thương tích đến 47%. Sau khi cướp được tài sản thì các bị cáo tháo chạy, bỏ mặc người bị hại với những nhát chém chí mạng. Họ không chết là do sự may mắn hoặc được cứu chữa kịp thời.

Riêng Hồ Duy Trúc, dù chỉ mới 20 tuổi nhưng đã mang một lý lịch quá bất hảo, trước đó bị cáo từng thực hiện nhiều vụ cướp ở địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Trốn vào TP HCM bị cáo lại cầm đầu băng nhóm tổ chức thực hiện hàng loạt vụ chém người cướp tài sản. Bản thân Trúc trực tiếp chém 3 nhát làm đứt lìa cổ tay phải của chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy lấy xe SH và thực hiện 14 vụ khác với vai trò là người lấy xe, người cản trở bị hại, tổng giá trị tài sản chiếm đoạt là 610 triệu đồng nên đã phạm vào điểm b, khoản 4, Điều 133 Bộ luật Hình sự, có mức hình phạt cao nhất là tử hình.

Thật ra, xung quanh phiên tòa này vẫn có những lời bào chữa cho hành vi của mẹ Trúc, cho rằng vì bà quá thương con, hiểu biết pháp luật còn hạn chế nên đã thốt ra những lời lẽ phản cảm như vậy. Có đúng vậy không? Tôi nghĩ, nói như vậy là chưa thuyết phục. Chẳng có tiêu chí nào để khẳng định mẹ Trúc thương con hơn tất cả những người mẹ khác. Cũng không phải tất cả những người mẹ đều "am hiểu pháp luật" như những nhà làm luật hay thực thi pháp luật, nhưng rất nhiều người mẹ  bình thường ở quê nghèo, thậm chí vùng sâu vùng xa nào đó cũng không bao giờ chấp nhận con mình có hành vi dùng mã tấu chém xả vào người đi đường mà không cần biết họ sống chết ra sao để đoạt tài sản; cũng không có người thân nào hồ đồ đến mức cho rằng Trúc gây án là bởi "ai kêu đeo hột xoàn, đi xe tay ga chi cho nó chém".

Nghĩ như mẹ Trúc và những người thân của Trúc, há phải chăng chỉ có tính mạng, tài sản, sự bình yên của Trúc mới quý giá, còn lại tất cả những người khác đều vô nghĩa? Trúc có quyền đoạt mạng, đoạt tài sản của người khác, và những hành vi ấy là đúng, pháp luật không có quyên "đụng chạm" đến chăng?

Phải hiểu rằng, không ai đem đến cho Trúc bản án tử hình, chính Trúc tự chuốc lấy hình phạt đó cho mình. Mẹ và những người thân của Trúc, vì mê muội và ích kỷ, đã dồn hết cái gọi là "khuyết điểm" (đeo hột xoàn, đi xe tay ga...) cho người bị hại để bảo vệ con mình một cách vô lối và phi đạo đức. Nói cách khác, chính nhận thức ấy, từ lâu, mẹ Trúc và người thân đã dung dưỡng cho những tội lỗi tàn bạo của Trúc, gây bao đau khổ, tổn thất cho mọi người, gây bất an cho xã hội. Không chỉ đối với Hồ Duy Trúc và đồng bọn, chính mẹ, chị và một số người thân của Trúc phải tự sám hối vì điều đó!

Chẳng biết rồi qua thời gian, những lời phán xét của dư luận có đủ sức để họ phân biệt đúng sai trong cách hành xử của mình hay không, nhưng một điều chắc chắn rằng, nhận thức và hành động của họ đã góp phần đẩy con mình vào tù tội và cuối cùng là cái chết. Không ai buộc Trúc phải nhận án tử hình mà đó là hệ quả tất yếu mà Trúc phải nhận lãnh bởi anh ta đã phạm phải vào những điều luật pháp quy định. Trúc, hay bất cứ kẻ nào phạm vào các điều khoản ấy cũng phải đón nhận hình phạt nghiêm khắc như thế. Bởi vậy, sự càn quấy, nhục mạ, báng bổ hồ đồ của họ, dù nhân danh tình mẫu - tử, cũng thật khó tìm thấy sự rung động, cảm thông của tất cả mọi người.

Tôi lại nghĩ, giá như tại phiên tòa ấy, mẹ và những người thân của Trúc nhận một phần lỗi lầm trong việc nuôi dạy con cái chưa đến nơi đến chốn, thành thật xin những người bị hại tha thứ cho hành vi phạm tội của một thanh niên vừa tròn 20 tuổi, thành tâm thành ý khắc phục một phần hậu quả, thì sự thể có thể sẽ xoay chuyển phần nào đó có lợi cho bị cáo. Tiếc rằng, đến lúc cuối cùng có thể vớt vát được phần nào hình phạt của con mình, hay chí ít cũng nhận được ít nhiều sự đồng cảm, thì họ đã đánh mất tất cả...

Tôi đau đáu khi viết những dòng này. Người đời vẫn thường bảo "Con hư tại mẹ", điều này không phải luôn luôn đúng, nhưng trong trường hợp của Hồ Duy Trúc, thật chẳng thể nào tìm ra cụm từ nào chính xác hơn. Tôi thực sự mong muốn người mẹ này hãy điềm tĩnh, hồi tâm lại khi đọc được bài này. Tôi tin, tình thương con của bà là có thật, là rất lớn lao nhưng bà không thể cứu con bằng cách ấy đâu. Hãy thương con bằng cách khác đi! Khi ấy bà có thể nhen nhóm hy vọng về "một tia sáng ở cuối đường hầm", hoặc cũng có thể bằng cách đó, bà sẽ cho Trúc biết cái đúng - cái sai, ít nhiều cảm hóa được tâm tính của đứa con trai 20 tuổi của bà khi chưa quá muộn...            

Và thiết nghĩ đây cũng là tâm sự, lời nhắn nhủ không thừa đến các bậc làm cha, làm mẹ: Hãy quan tâm đến con cái trước khi quá muộn vì những hậu họa mà chúng gây ra cho xã hội.

Nguyễn Đức Nam