Trồng hoa Tết: Đầu tư lắm, lo lắng nhiều

Thứ ba, 09/10/2018 15:00

Một vụ trồng hoa tết lại bắt đầu. Tại Đà Nẵng, có những hộ bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đúc chậu, sắm bạt, làm đất, thuê đất, chi phí điện, nước, phân bón..., nhưng luôn phập phồng nỗi lo làm sao hoa nở đúng Tết và không bị thừa ế.

Người trồng hoa tỉ mỉ kê, chêm, chỉnh sửa từng chậu hoa.

Tại khu đất trống bên đường 30-4 (Đà Nẵng), ông Nguyễn Thanh Bé, 51 tuổi, ở P. Hòa Cường Bắc (Q. Hải Châu) vừa tỉ mỉ kê, chêm, chỉnh sửa từng chậu hoa, vừa bộc bạch: Từ tháng 5 âm lịch (ÂL), ông đã lo đúc chậu, làm đất, chuẩn bị phân bón để trồng hoa,  đến đầu tháng 8 ÂL bắt đầu xuống giống, trồng và chăm sóc một chậu cúc loại trung bình qua 5 tháng từ khi trồng tới khi bán ước chi phí gần 100.000 đồng. "Vụ Tết năm nay, tôi trồng 1.500 chậu cúc các loại và tuần này bắt đầu chong điện ban đêm để kích thích cúc phát triển", ông Bé chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Văn Bạn, 56 tuổi, ở P. Hòa Thuận Tây (Q. Hải Châu) đã trồng 2.500 chậu cúc các loại tại khu đất bên đường Nguyễn Hữu Thọ cho biết: Ông đặt mua toàn bộ chậu tại một cơ sở đúc chậu chuyên nghiệp và chở đến cung cấp tận nơi. Ông cùng với 2 nhân công làm liên tục đã hơn 1 tháng, đến nay cúc bắt đầu nảy đọt và ông cũng chuẩn bị chong điện ban đêm. Ông Bạn cho hay, tốn kém nhất là công đoạn lặt búp, mỗi vụ cúc phải lặt búp 3 lần để cây cúc tập trung dưỡng chất phát triển chiều cao. "Vụ Tết trước, tôi thuê mỗi ngày 10 lao động để lặt búp hoa cúc, với tiền công mỗi người từ 140-200 ngàn đồng/ngày và làm cuốn chiếu liên tục gần hai tháng", ông Bạn nói…

Từ tháng 6 mỗi năm, người trồng hoa đã lo đúc chậu, dọn đất, chuẩn bị phân chuồng hoai mục… Đến tháng 8 ÂL bắt đầu trồng hoa vào chậu. Mặt đất giữa các luống hoa được phủ bạt nhằm không cho cỏ mọc. Các hộ trồng hoa đều lắp đặt hệ thống tưới nước, bón phân, phun thuốc trừ sâu và giàn đèn điện chong ban đêm. Tùy theo mức độ nắng nóng, mỗi ngày tưới nước từ 1-2 lần, không để chậu cúc khô mặt. Các loại phân bón qua lá như NPK, DAB phải hòa trong bể nước, tưới định kỳ 7 ngày 1 lần; đồng thời thường xuyên quan sát phát hiện các dấu hiệu sâu bệnh và chủ động xử lý. Ông Châu Diêm, 77 tuổi, ở P. Khuê Trung (Q.  Cẩm Lệ) cùng với vợ, con trai và con dâu tận dụng khu đất trống bên đường Lê Đại Hành trồng hoa cúc, vạn thọ, đồng tiền… để bán tết. Theo ông Diêm cho biết: Vụ tết năm 2018, ông bán hết hoa, lãi gần 250 triệu đồng, còn 2 vụ tết trước thừa bỏ cả 100 chậu cúc, bởi năm 2016 thì cúc bán không hết, còn năm 2017 thì cúc nở muộn…

Nhiều khu đất trống trong khu vực nội thành đã được tận dụng trồng hoa tết, vừa tạo ra thu nhập, vừa góp phần làm đẹp cảnh quan, môi trường. Không chỉ vậy, nhiều hộ dân ở nội thành đã đến Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, Hòa Vang thuê đất trồng hoa và dựng lán trên đất thuê làm nơi ở để chăm hoa. Những năm trước, ông Nguyễn Quang Chiến, nhà ở mặt đường Lê Thanh Nghị (Đà Nẵng) trồng hoa tại khu đất bên đường Lương Nhữ Học (Q. Hải Châu). Sau khi khu đất này được xây dựng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng, ông Chiến thuê đất ở P.  Hòa Xuân (Q. Cẩm Lệ) để trồng hoa Tết. Có nhà lầu khang trang giữa phố, nhưng đêm đêm ông phải nằm trong cái lán tạm bợ tại nơi canh tác, còn sớm chiều miệt mài bên những luống hoa, chỉ cầu mong hai điều: Một là hoa nở đúng ý định, hai là bán hết hoa trước giờ giao thừa…

Trên địa bàn Đà Nẵng có hàng trăm hộ dân làm nghề trồng hoa bán tết. Bà con chủ yếu trồng hoa cúc, một số hộ trồng thêm hoa ly ly, vạn thọ, mào gà, hướng dương… Đầu tư nhiều vốn, miệt mài lao động suốt nửa năm trời và luôn phập phồng nỗi lo hoa nở không đúng tết hoặc nở đúng tết nhưng không bán hết. Để có những chậu hoa đẹp, đáp ứng nhu cầu chưng tết của mỗi gia đình, người trồng hoa đã đổ bao mồ hôi, công sức, vốn liếng, với biết bao nỗi lo lắng, phập phồng và như lời của lão nông Châu Diêm: "Để làm ra một chậu hoa vạn thọ đẹp, mình đã phải trải qua bao nhiêu là tổn thọ"!

LÊ VĂN THƠM