“Trục Châu Á” của Mỹ trước biến cố vua Thái Lan qua đời

Thứ bảy, 15/10/2016 11:24

(Cadn.com.vn) - Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama nỗ lực thúc đẩy quan hệ an ninh quân sự với các quốc gia Châu Á, nhất là các quốc gia Đông Nam Á, trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ ở khu vực này. Nhưng xem ra, chính sách “xoay trục Châu Á” này của Nhà Trắng đang bị lung lay khi nhà vua Bhumibol Adulyadej của Thái Lan - đồng minh chiến lược thân cận của Mỹ - qua đời.

Nhà vua Bhumibol Adulyadej (phải) tiếp Tổng thống Mỹ Barack Obama đến thăm
tại bệnh viện Siriraj ở Bangkok hồi tháng 11-2012. Ảnh: PhuketNews

Việc vua Bhumibol Adulyadej của Thái Lan qua đời hôm 13-10 như bồi thêm một sự không chắc chắn cho chiến lược “xoay trục Châu Á” của Tổng thống Mỹ Barack Obama khi chỉ còn chưa đến 1 tháng nữa là diễn ra cuộc bầu cử tổng thống quan trọng của cường quốc này.

Theo tờ SCMP, vua Bhumibol là nhân tố đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố vững chắc liên minh lâu đời giữa Mỹ và Thái Lan sau Thế chiến II, triều đại kéo dài từ thời kỳ khó khăn hậu chiến tranh cho đến sự hình thành và phát triển ASEAN - tổ chức mà Washington vẫn đánh giá là trụ cột để duy trì tầm ảnh hưởng trong khu vực.

Biến động đau thương ở Thái Lan diễn ra đúng vào thời điểm mà chính sách “xoay trục Châu Á” của Tổng thống Obama rơi vào tình thế lơ lửng và đối mặt với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Trụ cột kinh tế chính của chính sách này, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn được 12 quốc gia ký kết, có nguy cơ không được Quốc hội Mỹ thông qua trong khi Tổng thống Obama cũng khó có khả năng xoay chuyển tình thế trước khi rời Nhà Trắng.

Nguy cơ TPP chết yểu càng hiện hữu khi cả hai ứng viên tổng thống Hillary Clinton và Donald Trump, đều tuyên bố phản đối thỏa thuận này. Dù là một trong những kiến trúc sư của chính sách “xoay trục Châu Á”, nhưng bà Clinton không mặn mà với TPP. Trong khi đó, ông Trump đã đặt câu hỏi về mức độ mà ông sẽ duy trì các cam kết an ninh của Mỹ với các đồng minh Châu Á.

Thái Lan quốc tang tưởng nhớ vua Bhumibol

Ngày 14-10, hàng chục ngàn người dân Thái Lan xếp hàng dài trên đường phố ở thủ đô Bangkok, chờ đón đoàn xe chở linh cữu nhà vua Bhumibol Adulyadej di chuyển từ bệnh viện Siriraj về một ngôi chùa ở Cung điện Hoàng gia.

Theo BBC, trong trang phục đen, người dân Thái Lan tham gia vào các nghi lễ đầu tiên của thời kỳ quốc tang. Các dòng biểu ngữ được treo dọc các tuyến đường tiễn đưa linh cữu nhà vua. Một không khí đau thương bao phủ khắp quốc gia Chùa vàng. “Đây là sự mất mát tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi”, một trong những người xếp hàng trên đường phố nói. Chính phủ Thái Lan tuyên bố để tang 1 năm, bắt đầu từ ngày 14-6. Thái tử Maha Vajiralongkorn đã xác nhận sẽ lên ngôi kế vị, nhưng yêu cầu trì hoãn cho đến khi kết thúc quốc tang. Các trụ sở, tòa nhà chính quyền treo cờ rủ trong 30 ngày. Người dân được yêu cầu mặc đồ đen và tránh tổ chức các lễ hội trong giai đoạn này. Các rạp chiếu phim, các cơ sở hòa nhạc và các sự kiện thể thao cũng bị hủy hoặc hoãn lại.

Người dân Thái Lan xếp hàng chờ đoàn xe chở linh cữu vua Bhumibol. Ảnh: Reuters

T.Nguyên

Chính sách “xoay trục Châu Á” mà Tổng thống Obama theo đuổi là nhằm thúc đẩy quan hệ an ninh với khu vực Đông Nam Á, đáp trả những yêu sách lãnh thổ ở biển Đông của Trung Quốc. Tuy nhiên, một tràng những lời lẽ chống Mỹ của tân Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines  - đồng minh quan trọng  của Washington – càng làm dấy lên những nghi ngờ về mối quan hệ Washington-Manila. Trong khi đó, Thái tử Maha Vajiralongkorn – người sẽ kế nhiệm vua Bhumibol – thiếu sự kết nối mật thiết với Mỹ như vua cha – người sinh ra ở Cambridge, bang Massachusetts. Giới chuyên gia thậm chí cho rằng, Thái tử là “nhân vật ít được biết đến và khó đoán”.

Tuy nhiên, Washington vẫn khá lạc qua. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói rằng, Mỹ và Thái Lan là “bạn bè thân thiết gần 2 thế kỷ”. “Tình bạn của chúng tôi đã vượt nhiều thách thức và hy vọng nó sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn”, ông Toner nói. Dù lên án cuộc đảo chính năm 2014, Washington vẫn giữ quan hệ quân sự mật thiết với Bangkok, thông qua các cuộc diễn tập hàng năm là “Cobra Gold” (Hổ mang vàng). “Thực tế là chúng tôi vẫn ràng buộc chặt chẽ, các cuộc tập trận quân sự là minh chứng mạnh mẽ nhất”, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel cho biết.

Đông Nam Á đã thay đổi kể từ khi ông Obama công bố chính sách xoay trục trong năm 2011 – thời kỳ các nước như Thái Lan, Malaysia, Philippines hay Indonesia... đều cởi mở đối với Mỹ. Nhưng giới phân tích cho rằng, các quốc gia Châu Á hiện vẫn quan tâm đến chính sách “xoay trục” này của Mỹ, chỉ là do nhiều biến động nên mức độ quan tâm giảm đáng kể. Có lẽ, chính quyền Tổng thống Obama cần nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể hồi sinh chính sách quan trọng này.

Khả Anh

Thái Lan: Chủ tịch Hội đồng Cơ mật nhiếp chính

Báo Bangkok Post của Thái Lan ngày 14-10 đưa tin: Chủ tịch Hội đồng Cơ mật Prem Tinsulanonda sẽ đảm nhiệm vị trí nhiếp chính trong khi Thái tử Vajiralongkorn chờ ngày lên ngôi.

Quyết định này được đưa ra sau Thái tử Vajiralongkorn xác nhận sẽ lên ngôi nhưng chờ để hết tang vua cha. Phó Chủ tịch Hội đồng lập pháp Peerasat Porjit tuyên bố: “Trong thời điểm này, mọi phận sự hoàng gia sẽ do nhiếp chính đảm nhận”. Theo Hiến pháp Thái Lan, khi vua qua đời và chưa có người lên thay thế, vai trò nhiếp chính sẽ trao cho Chủ tịch Hội đồng Cơ mật. Ông Prem, hiện 96 tuổi, được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Cơ mật vào năm 1988. Ông cũng từng là thủ tướng Thái Lan trong 8 năm, kể từ năm 1980.

T.Linh